Nghề báo - Nghề nguy hiểm

Nghề báo với thiên chức tường trình tin tức sự thật xưa nay là một tấm huy chương với hai mặt đối chọi nhau. Nhà báo được xã hội tôn vinh là một trong các nghề cao quý. Với sức mạnh đặc thù của mình, cả về nghiệp vụ lẫn những định chế cho phép, nhà báo là người khám phá các sự thật, các bản chất phía sau hiện tượng, chiến đấu chống các mặt trái của cuộc sống để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bênh vực những người thân cô thế cô bị nguy hiểm hay chèn ép.

 

Nghề báo - Nghề nguy hiểm ảnh 1 

Một nhà báo Philippines mang mặt nạ đen có dòng chữ: “Hãy ngừng giết các nhà báo”

 

Vì vậy mà nghề báo luôn là một nghề nguy hiểm. Nguy hiểm ở đây bao hàm hai ý nghĩa: nhà báo là người nguy hiểm đối với các thế lực xấu, đồng thời phải đương đầu với những mối nguy hiểm tới sinh mạng của mình.

Theo báo Christian Science Monitor , Pakistan là nơi nguy hiểm nhất đối với nghề báo trên thế giới. Không chỉ phải đối phó với các cơ quan an ninh và các thế lực hậu trường ở một đất nước phức tạp, các nhà báo còn phải đương đầu trực diện với đủ loại phiến quân, lực lượng Taliban, hệ thống khủng bố quốc tế Al-Qaeda, những phần tử Hồi giáo quá khích. Vụ nổi đình đám nhất gần đây là việc nhà báo nổi tiếng Syad Saleem Shazad mất tích sau khi phanh phui việc Al-Qaeda cài người vào quân đội.


Trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự, các phóng viên chiến trường hoạt động như những người lính - chỉ khác là không có vũ khí quân sự - phải đương đầu với tên bay đạn lạc. Trong cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003, chỉ trong bốn tuần giao tranh đầu tiên đã có 15 nhà báo chết và hai bị mất tích. Khoảng 600 phóng viên chiến trường (80% là người Mỹ và Anh) đã được phiên chế vào các đơn vị quân đội. Bình luận viên nổi tiếng Michael Kelly và phóng viên David Bloom của hãng NBC đã chết cách nhau ba ngày sau khi được phiên chế vào Sư đoàn 3 Bộ binh Mỹ. Ở Afghanistan trong năm 2011, có tám nhà báo chết chỉ trong vòng hai tuần. Có tới 94 nhà báo chết trong các cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ hồi thập niên 1990. Khoảng 60 nhà báo chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam và Campuchia. Hồi tháng 2-2012, có hai nhà báo phương Tây chết ở Syria , nơi có ít nhất ba nhà báo khác thiệt mạng trong khi đưa tin về cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad ở nước này. Ở Mexico , nhiều nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu chống các tập đoàn ma túy. Tổ chức An toàn Tin tức Quốc tế (INSI) nói rằng: làn sóng nổi dậy đòi dân chủ Mùa xuân Ảrập đã góp phần biến năm 2011 là một trong những năm chết chóc nhất của làng báo chí thế giới. Trên thế giới có 124 nhà báo bị giết chết ở 40 nước (so với 97 người hồi năm 2010). Hơn 1.600 nhà báo sinh nghề tử nghiệp kể từ năm 1996 và hơn 600 nhà báo chết vì hành nghề từ cuối năm 2006.


Tổ chức Lao động Quốc tế ILO nhận xét: trong thế giới ngày nay, các nhà báo phải đương đầu với nguy hiểm ngày càng lớn hơn. Nhà báo là đối tượng được bảo vệ quốc tế. Theo Công ước Geneva , nhà báo phải được đối xử như dân thường trong thời gian xung đột, làm tổn thương hay sát hại nhà báo bị coi là tội ác chiến tranh.

Theo CAND-M

Tin mới