Nghề báo - Vất vả và vinh quang

(Baonghean) - Không chỉ là những chuyến công tác theo dự định có sẵn, đã là phóng viên phải luôn trong tư thế “sẵn sàng” khi nhận được “lệnh” là lập tức lên đường. Đó có thể là điểm nóng ma túy, là vùng đang xảy ra dịch bệnh nguy cơ lây lan cao; là nơi tranh chấp phức tạp hay là khi lũ lụt, bão lớn xảy ra. Phóng viên cũng là người tiên phong có mặt ở nơi đầu sóng, ngọn gió để tác nghiệp…

Một sáng ngày cuối năm 2011, khi nhận được thông tin người dân khu tái định cư thủy điện bản Vẽ ở Ngọc Lâm (Thanh Chương) bỏ về quê cũ vùng lòng hồ Tương Dương làm ăn cùng đồng nghiệp Khánh Ly mượn chiếc Wave 110 chạy thẳng lên xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Lên đến nơi đã 12h trưa. Ủy ban xã không một bóng người. Hai chị em lặn lội vào bản. Chiếc cầu bắc qua suối sang bản đã bị lũ cuốn trôi hồi cuối tháng mười chưa kịp khắc phục.

       Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại vùng lũ Nghi Xá (Nghi Lộc).

Không chút đắn đo, hai chị em bảo nhau cởi giày, xắn quần lội suối. Sang bản, chỉ gặp phụ nữ, người già và em nhỏ. Vườn tược xác xơ, nhiều nhà đóng cửa im ỉm, cỏ mọc lấn cả lối đi. Hỏi ra mới biết, “ở đây thiếu đất sản xuất, đói quá, dân bản bỏ về quê cũ hết rồi...”. Đem những phản ánh của bà con, trao đổi, làm việc với xã, với huyện xong hai chị em chạy xe theo đường mòn lên Tương Dương khi đã xẩm tối. Đành nghỉ nhờ nhà khách ủy ban, sáng mai ngược rừng vào thượng nguồn Nậm Nơn, bắt thuyền máy vào bản cũ.

Thủy điện Bản Vẽ mùa xả lũ, nước ngập băng, nhấn chìm hết cây cối hai bên bờ, thấp thoáng chỉ thấy vài ngọn cây nổi trên mặt nước. Người lái thuyền máy lão luyện, có hàng nghìn chuyến trên sông Nậm Nơn giờ đây cũng chẳng xác định nổi hướng nào vào bản Kim Hồng (xã Kim Tiến cũ). Lòng vòng giữa mênh mông sông nước, trời tối dần, nỗi lo sợ cũng tăng lên. Đói, rét, lo sợ... Người lái thuyền xem chừng đã chán nản, bắt quay ra bến thượng lưu. Nhưng chẳng lẽ cất công vào đến đây còn quay trở ra. Đành lấy hết can đảm thuyết phục anh lái thuyền, động viên anh cố gắng giúp hai chị em. Hình như cũng thông cảm với “thân gái dặm trường” nên anh chấp nhận.

Mặt trời xuống núi, may mắn thay trước mắt có ánh lửa bập bùng, thuyền theo hướng đó thẳng tiến... Sau chuyến đi đó, chùm bài 3 kỳ “Nóng” ở vùng tái định cư” ra đời, sau khi loạt bài được đăng tải, UBND tỉnh, chính quyền hai huyện Thanh Chương, Tương Dương đã vào cuộc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho đồng bào tái định cư. Vậy là bao khó khăn, vất vả của phóng viên được đền đáp bởi tác phẩm báo chí đã mang lại hiệu quả xã hội rõ nét. Hay lần đi tác nghiệp vào ban đêm để hoàn thành bài “Dịch lợn tai xanh ở Tăng Thành (Yên Thành). Sự vất vả, gian nan cả tháng trời các đồng nghiệp: Mỹ Hà, Thanh Lê, Thành Duy phải “nằm vùng” ở Nam Cát, Nam Đàn để tìm hiểu thực hư chuyện “Áp vong tìm mộ liệt sỹ”. Loạt phóng sự điều tra dài 7 kỳ “Xung quanh chuyện tìm mộ bằng ngoại cảm” ra đời tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Kết quả, bài báo được giải B, giải Báo chí tỉnh Nghệ An năm 2011. Là hàng tháng trời lặn lội “ăn cơm vắt, ngủ rừng” của phóng viên Thành Chung theo chân đoàn qui tập mộ liệt sỹ ở nước bạn Lào. Kết quả của chuyến đi là 8 kỳ bút ký “Theo chân đoàn qui tập hài cốt liệt sỹ” đã đạt giải C, giải Báo chí quốc gia. Là việc mạnh bạo cải trang, sắm vai thành những tay thương lái buôn thịt bò của phóng viên Văn Trường, Phạm Bằng khi viết loạt phóng sự “Thủ thuật của những lái trâu và đồ tể”.

Và đã chọn nghề báo là nghiệp thì cũng phải xác định rằng, làm báo không đơn thuần là “sáng xách ô đi, tối vác về” như những công chức văn phòng, mà nó thực sự là một công việc với biết bao sức ép đè nặng lên vai của người cầm bút. Vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nói thế không có nghĩa nghề báo không chỉ là gam “màu xám".

Những người làm báo có vô số niềm vui, hạnh phúc, đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và các cấp, các ngành. Và hơn hết là các tác phẩm báo chí được công chúng đón nhận. Những lời động viên, những tin nhắn chúc mừng của lãnh đạo các ngành, người thân, đồng nghiệp hay những bức thư cảm ơn của độc giả đã tiếp thêm nhiệt huyết cho phóng viên bước tiếp trên con đường đã chọn. Còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, nhà báo lại có những tác phẩm được xét trao giải thưởng. Song hạnh phúc lớn hơn là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội.

Thanh Phúc

Tin mới