Tố cáo của nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu là sai sự thật!

(Baonghean)- Nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, ông Hoàng Trung Tính phản ánh đến Báo Nghệ An nội dung liên quan đến công tác nhân sự chủ chốt của công ty cũ có sự mờ ám, khuất tất dẫn đến yếu kém trong quản lý, khiến gần 700 ha rừng thông bị tàn phá đến cạn kiệt. Tuy nhiên, qua điều tra xác minh thì thông tin phản ánh của ông Tính là vô căn cứ...

Ông Hoàng Trung Tính trên hiện trường khu vực ông cho rằng là đất Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu quản lý.
Ông Hoàng Trung Tính cho rằng vùng đất Lèn ông Công thuộc quyền quản lý của Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu; trước đây trồng thông nhưng đã bị chặt phá để trồng keo.

Theo nội dung phản ánh của ông Hoàng Trung Tính, thời kỳ ông còn tại vị (giai đoạn 2010 trở về trước), 700 ha rừng thông của Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu có mật độ khoảng 1.000 cây/ha; có giá trị phòng hộ, giữ nước cho 2 hồ Khe Gang, An Ngãi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho gần 1.000 ha lúa màu, đồng thời, là “lá phổi xanh” của hàng vạn người dân huyện Quỳnh Lưu.

Tuy nhiên, hiện nay 700 ha rừng thông đã “trở nên trơ trụi, xơ xác, cạn kiệt hoàn toàn, nguy hại nhất khi Quỳnh Lưu là huyện bán sơn địa giáp biển không có rừng tự nhiên, để phòng hộ trên địa bàn chủ yếu nhờ vào 700 ha thông mà hiện tại đã bị hủy hoại”.

Nguyên nhân, theo ông Tính là bởi ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu hiện tại không phải là cán bộ có chuyên ngành nên không nhận thức được hành vi, vô lương tâm để rừng cạn kiệt, xơ xác do khai thác nhựa trái quy định và những cây to trên 40 năm tuổi thì bị chặt bán, khiến mật độ chỉ còn từ 200 - 600 cây thông/ha. Thậm chí, năm 2015, còn có dấu hiệu tổ chức đốt phá khoảng 14 ha rừng…

Từ nội dung tố cáo, Báo Nghệ An đã đề nghị ông Tính cung cấp căn cứ để chứng minh. Ông Tính đã đưa phóng viên đi thực tế hiện trường để thấy rừng thông “bị hủy hoại tàn bạo như thế nào”.

Cũng tại khu vực này, ông Hồ Sỹ Tình và vợ là bà Đậu Thị Loan (trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân) khẳng định thuộc xã Quỳnh Tân quản lý.
Thế nhưng thực tế khu vực Lèn ông Công do xã Quỳnh Tân quản lý. Trong ảnh: Ông Hồ Sỹ Tình và vợ là bà Đậu Thị Loan (trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân) nói rằng: Khu vực Lèn ông Công chưa bao giờ trồng thông mà chỉ trồng keo.

Khu vực rừng thông mà ông Tính cho rằng đang bị phá hoại thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn, dọc theo tuyến đường từ Quốc lộ 48 B đến cuối hồ An Ngãi (địa bàn xã Quỳnh Tân). Trên tuyến đường này, ông Tính đã dừng tại 4 vị trí.

Ví trí thứ nhất, ở gần hồ An Ngãi; vị trí thứ hai, khu đồi nằm ở ngã tư rẽ vào bãi rác thải Ngọc Sơn; vị trí thứ ba, cách vị trí thứ hai khoảng 300m và sát đường; vị trí thứ tư là một khu rừng thông có một số cây thông non bị đốn hạ. Ở ba vị trí đầu, đều là những khoảng đất trống, thể hiện trên đó có gốc cây bị cắt và trồng mới cây keo lá tràm.

Khoảng đất rộng 2,2ha,  nằm ở địa bàn xóm 5, xã Ngọc Sơn này, vào năm 2008, chính ông Tính đã lập hợp đồng giao khoán cho một hộ dân với thời hạn 50 năm với giá trị nộp khoán một lần là 9 triệu đồng.
Khoảng đất rộng 2,2ha, nằm ở địa bàn xóm 5, xã Ngọc Sơn, vào năm 2008, chính ông Tính đã lập hợp đồng giao khoán cho một hộ dân với thời hạn 50 năm với giá trị nộp khoán một lần là 9 triệu đồng.

Theo ông Tính, ở vị trí thứ nhất và thứ hai rộng khoảng trên 3 ha, nguyên bản trước đây là rừng thông; với hiện trạng gốc cây còn lại thì mật độ khoảng 800 cây/ha và qua đó, chứng tỏ cây thông đã bị chặt bỏ để trồng mới keo. Đề nghị xác định lại thông tin, đứng trước những gốc cây đã bị cắt, ông Tính khẳng định đây chính xác là gốc cây thông. Ở vị trí thứ 3, diện tích chừng vài ngàn m2, theo ông Tính thì nơi đây là rừng thông nhưng bị cháy; Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã lợi dụng cho máy xúc bỏ gốc để trồng keo. Ông Tính nhấn mạnh: “Không chỉ xúc bỏ gốc thông cháy, họ còn đốn hạ mất hơn 10 cây thông đang cho nhựa…”.

Thực hiện phép đối chứng, một tuần sau chúng tôi đã trở lại vùng rừng thông mà ông Hoàng Trung Tính đưa đến. Thật bất ngờ, những điều ông Tính thông tin đều sai sự thật. Tại vị trí thứ nhất, theo ông Hồ Sỹ Tình và vợ là bà Đậu Thị Loan (trú tại xóm 6, xã Quỳnh Tân) thì đây là khu vực lèn Ông Công, là vùng đất thuộc quyền quản lý của xã Quỳnh Tân.

Ông Tính nói: “Khu vực này đâu phải đất của lâm trường quản lý. Ở đây cũng chưa bao giờ trồng thông mà chỉ trồng keo. Keo đến tuổi, người dân khai thác rồi trồng mới lên đấy…”. Ở vị trí thứ hai, kỹ sư Trần Văn Bảo - Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu xác nhận là đất lâm trường. 

Gốc của một cây keo đã đâm chồi, trước đó, theo ông Hoàng Trung Tính, là gốc cây thông (người trong ảnh là kỹ sư Trần Văn Bảo).
Gốc của một cây keo đã đâm chồi, trước đó, theo ông Hoàng Trung Tính, là gốc cây thông (người trong ảnh là kỹ sư Trần Văn Bảo).

Tuy nhiên, vào năm 2008, đã được giao khoán có thời hạn 50 năm cho một hộ dân ở xóm 5, xã Ngọc Sơn. Kiểm tra hồ sơ, hộ dân được giao khoán là ông Trịnh Xuân Văn, diện tích đất giao khoán rộng 2,2 ha; hiện trạng đất giao khoán là đất rừng sản xuất; ông Văn chỉ phải nộp 9 triệu đồng trong thời gian nhận khoán 50 năm; và chính ông Hoàng Trung Tính là người đã thực hiện hợp đồng này.

Về những gốc cây trên đất, theo kỹ sư Trần Văn Bảo, đó là gốc keo chứ không phải gốc thông như ông Tính nói. “Tôi cũng không hiểu tại sao ông Tính lại nói đây là gốc thông. Hai loại cây này khác nhau hoàn toàn. Gốc keo không có mủ, vỏ trơn, có màu sáng; trong khi cây thông cắt gốc sẽ có nhựa, vỏ sần sùi, bề mặt cắt màu nâu…” - kỹ sư Bảo phân tích. Còn tại vị trí thứ 3, theo anh Nguyễn Văn Đông (trú tại xóm 5, Ngọc Sơn) là vùng đất xã Ngọc Sơn quản lý và anh là người sử dụng đất. Anh Đông nói: “Đất của tôi có đào hào để phân biệt chỉ giới với đất lâm trường. Ở đây tôi trồng màu, có duy nhất một cây thông reo 2 nhánh để lại chẳng ích gì nên tôi mới chặt…”.

Chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều công nhân lâm trường. Theo họ, đan xen trong rừng thông thường có cây bụi và cây thông non. Rừng thông là loại rừng dễ gặp hỏa hoạn, vậy nên vào mùa này, công ty chỉ đạo công nhân chặt bỏ cây bụi và thông non, làm sạch gốc thông. Ở vị trí thứ tư, là thể hiện việc công nhân làm sạch thảm thực bì để phòng hỏa hoạn.

Anh Nguyễn Văn Đông (áo trắng, ở xóm 5, Ngọc Sơn) khẳng định điều ông Tính phản ánh là sai sự thật.
Anh Nguyễn Văn Đông (áo trắng, ở xóm 5, Ngọc Sơn) khẳng định điều ông Tính phản ánh là sai sự thật.

Liên quan tới thông tin đốt phá rừng, tìm hiểu, trong thời gian từ tháng 5 - 7/2015, rừng thông thuộc Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu quản lý, do nắng nóng nên có xảy ra tình trạng cháy rừng. Tuy nhiên, nhờ có công nhân thường xuyên túc trực nên các vụ cháy rừng sau đó đều được dập tắt, tổng thiệt hại khoảng trên 10 ha tại nhiều vị trí. Những vụ việc cháy rừng này, đều đã được các cơ quan liên quan về nông, lâm nghiệp và huyện Quỳnh Lưu kiểm tra, xác minh báo cáo cấp thẩm quyền.

Tìm hiểu thêm về phản ánh của ông Hoàng Trung Tính, nhiều cơ quan liên quan cho biết, việc khiếu kiện, tố cáo của ông đã kéo dài khoảng vài năm. Và dù việc khiếu kiện, tố cáo của ông này hầu như đã được kiểm tra, xác định là không có cơ sở nhưng đã gây ra nhiều phiền toái, làm mất thời gian của các cơ quan chức năng.

Thậm chí, Sở NN&PTNT từng báo cáo UBND tỉnh tại Công văn số 1706/SNN-TTr ngày 24/7/2013 về việc giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị còn khẳng định: “Việc kiến nghị kéo dài của ông Hoàng Trung Tính bản chất là mâu thuẫn cá nhân với ông Giám đốc đương nhiệm Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu…; mục tiêu là hạ bệ giám đốc mới”.

Nhiều cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh nội dung ông Hoàng Trung Tính phản ánh và hầu như đều khẳng định không đúng sự thật.
Nhiều cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh nội dung ông Hoàng Trung Tính phản ánh và hầu như đều khẳng định không đúng sự thật.

Liên quan tới những vấn đề mang tính cá nhân của ông Hoàng Trung Tính, chúng tôi cũng đã được nghe cán bộ, công nhân Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu phản ánh nhiều. Và tựu trung, đều rất bất bình với ông Tính. Những chuyện này, chúng tôi xin không bình luận. Tuy nhiên, cần phải nói về việc phản ánh mang nội dung tố cáo của ông Hoàng Trung Tính. Luật pháp không ngăn cản việc công dân khiếu nại, tố cáo; thậm chí, luật pháp hoan nghênh công dân phát hiện, tố cáo những sai phạm của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đã khiếu nại, tố cáo thì phải đúng sự thật. Nếu khiếu nại, tố cáo sai thì người khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật. Ở đây, ông Hoàng Trung Tính phản ánh những nội dung như tố cáo nhưng hoàn toàn sai sự thật. Từng là một cán bộ quản lý, nhưng ông đã có hành vi, động cơ không tốt, và điều này là không thể chấp nhận được. Nói như vậy để ông Tính hiểu, đừng nên “gắp lửa bỏ tay người”, hãy dừng việc khiếu nại, tố cáo. Vì sự thật, không dễ dàng bị bóp méo./. 

     Nhật Lân – Việt Long

TIN LIÊN QUAN

Tin mới