'Quốc nạn chất thải'

(Baonghean) - Có thể hơi quá lời một chút, nhưng đó là lời cảnh báo của giới báo chí khi nêu vấn đề Việt Nam có nguy cơ trở thành “thiên đường ô nhiễm”. Bởi lẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải, nhất là chất thải công nghiệp đang dần phình ra, mang hình hài của một thứ quốc nạn mới.

Càng ngẫm, càng thấy đúng là quốc nạn thật. Vì lẽ, ở bất cứ địa phương nào chúng ta cũng đều thấy hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp gây ra. Mà điển hình nhất là hiện tượng cá chết hàng loạt trên các con sông ở khắp mọi miền xảy ra trong thời gian gần đây. Và khi truy nguyên nguồn gốc thì đều là hậu quả của việc các nhà máy xả thải. Để rồi, cả bên bị lẫn bên nguyên phải kéo nhau vào một cuộc chiến pháp lý về bồi thường thiệt hại.

Nhưng nguy hại hơn cả đó là nhận thức về sự nguy hại của chất thải của người dân và của cả đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ. Thậm chí, có nơi còn coi nhẹ. Bởi thế mới xảy ra tình trạng đang khiến cả xã hội kinh hãi khi  chất thải công nghiệp độc hại từng hủy hoại môi trường vùng biển ở các tỉnh miền Trung thời gian gần đây lại được lén lút chôn lấp khắp nơi mà không qua xử lý ở ngay đầu nguồn một con sông là nơi cũng cấp nước sinh hoạt và sản xuất của cả một vùng rộng lớn; trong công viên, ngay cạnh khu nghỉ mát… Sự lén lút đó được tiếp tay bởi sự thờ ơ của chính quyền sở tại và cả các cơ quan chức năng chuyên trách về lĩnh vực này. Thậm chí, có nơi còn chấp nhận đó như là một sự đánh đổi để phát triển kinh tế.

Đi đôi với nhận thức lệch lạc theo kiểu đó thì vấn nạn chất thải gây hại bùng phát còn là do các quy định, chế tài xử phạt những vi phạm trong lĩnh vực này còn quá nhẹ so với hậu quả và lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được qua việc không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải. Thế nên, người ta sẵn sàng vi phạm để tiết kiệm chi phí. Vì vậy để ngăn chặn được triệt để các hành vi xâm phạm môi trường nghiêm trọng thì nhất thiết phải xây dựng các biện pháp, chế tài đủ mạnh theo hướng quy trách nhiệm hình sự để có sức răn đe cao. Phải coi tội xâm hại môi trường sống cũng tương đương như tội tham ô, tham nhũng. Vì trên thực tế, tác hại mà loại tội phạm này  gây ra cho xã hội không kém gì so với các loại tội phạm nghiêm trọng khác. Đây thật sự là một quốc nạn mới. Quốc nạn chất thải.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới