Giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Khe Lại: Cần phối hợp thực hiện dứt điểm

(Baonghean) - Sự thiếu thống nhất trong việc xác định chủ sở hữu đất tại địa bàn xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu khiến công tác giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Lại bị chậm tiến độ.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Tranh chấp kéo dài 

Nhận được đơn của anh Nguyễn Đình Thích (SN 1989), trú tại xóm Nam Việt, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) phản ánh việc tranh chấp kéo dài giữa gia đình anh với UBND xã Tân Thắng về một mảnh đất đang nằm trong diện thu hồi bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Lại. 

Trong đơn, anh Thích trình bày sự việc từ năm 1980, bố mẹ anh là ông Nguyễn Đình Hoan (đã mất) và bà Vũ Thị Thêm (SN 1945) trú tại xã Quỳnh Thắng, khai hoang 1 thửa đất tại làng Ồ Ồ để trồng khoai sắn với diện tích khoảng 7.000 m2. Mảnh đất này sau đó đã được bố mẹ chuyển nhượng lại cho anh. Năm 2002, xã Quỳnh Thắng chia tách thành 2 xã là Quỳnh Thắng và Tân Thắng, mảnh đất của anh Thích thuộc xóm Nam Việt, xã Tân Thắng. Năm 2004, anh Thích đã nhập khẩu sang xã Tân Thắng. 

Khu đất đang tranh chấp.
Khu đất đang tranh chấp.

Việc tranh chấp xảy ra khi Nhà nước có chủ trương giải phóng mặt bằng để xây dựng hồ chứa nước Khe Lại, mảnh đất của anh Thích nằm trong diện thu hồi. UBND xã Tân Thắng xác định, mảnh đất này là đất công ích thuộc quyền quản lý của cấp xã nên không được đền bù đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, còn anh Thích vẫn cho rằng, đây là mảnh đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân. Sự không thống nhất trong việc xác định chủ sử dụng đất khiến việc tranh chấp kéo dài đến nay. 

Nhận thấy sự việc có ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án thủy lợi trọng điểm, phóng viên Báo Nghệ An đã tìm hiểu tại xã Tân Thắng để xác minh. Theo quan sát, mảnh đất mà anh Thích đề cập đến là một bãi đất phẳng nằm sát chân bờ đê tràn xả lũ. Hiện nay, do chưa có sự thỏa thuận thống nhất nên anh Thích vẫn đang tiến hành sử dụng.

Anh Thích khẳng định đây là mảnh đất do chính bố mẹ anh khai hoang, được sử dụng liên tục từ năm 1980 đến nay mà không có tranh chấp. Gia đình anh cũng không ký kết bất cứ hợp đồng đấu thầu nào với UBND xã Tân Thắng, đồng thời hàng năm cũng không phải nộp bất kỳ thuế nghĩa vụ gì trên thửa đất này. “UBND xã Tân Thắng không có bất kỳ hồ sơ nào chứng minh đây là đất công ích thuộc quyền quản lý cấp xã nên tôi cho rằng việc tổ chức thực hiện thu hồi đất của tôi là không đúng quy định của pháp luật”, anh Thích cho biết. 

Sơ đồ vẽ tay của xã Tân Thắng từ năm 2002 có phần diện tích đất của bà Vũ Thêm - nay để lại cho  anh Thích.
Sơ đồ vẽ tay của xã Tân Thắng từ năm 2002 có phần diện tích đất của bà Vũ Thêm - nay để lại cho anh Thích. Ảnh: Phương Thảo

Khi được hỏi về những hồ sơ giấy tờ để chứng minh mảnh đất này thuộc quyền sở hữu cá nhân, anh Thích cho rằng, “vì nhiều lý do mà gia đình tôi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay hồ sơ giấy tờ gì”, nhưng vẫn khẳng định UBND xã Tân Thắng cũng không đủ cơ sở để xác định mảnh đất này thuộc quyền quản lý của xã. Anh Thích còn bày tỏ sự bất bình trước việc “chính quyền xã không tổ chức đối thoại với dân” khiến cho cuộc tranh chấp mãi chưa được giải quyết. 

Cần sự đồng thuận 

Để làm rõ vấn đề ai là chủ sử dụng thực sự của mảnh đất nói trên, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Phan Văn Tuấn - cán bộ địa chính xã Tân Thắng. Ông Tuấn cho biết: “Mảnh đất được đề cập có diện tích khoảng 5.000m2 chứ không phải 7.000m2 như anh Thích nói. Qua kiểm tra hồ sơ lưu lập tại UBND xã thì diện tích đất này thuộc vào vùng quy hoạch đất công ích của xã”. 

Sơ đồ vẽ tay của xã Tân Thắng từ năm 2002 có phần diện tích đất của bà Vũ Thêm - nay để lại cho  anh Thích.
Hợp đồng giao thầu giữa UBND xã Tân Thắng và bà Thêm từ năm 2002. Ảnh: Phương Thảo

Để khẳng định lập luận này, ông Tuấn đưa ra một sơ đồ vẽ tay được lập từ năm 2002, khi mới thành lập xã, do cán bộ địa chính lúc bấy giờ là anh Đức lưu lại. Theo sơ đồ này, mảnh đất nói trên của anh Thích thuộc quỹ đất công ích do xã quản lý, trong sơ đồ ghi tên Vũ Thêm, diện tích 5.000m2. Ông Tuấn còn đưa ra 1 bản hợp đồng giao thầu số 31 ngày 30/6/2002 giữa UBND xã Tân Thắng và bà Vũ Thêm - mẹ anh Thích.

Trong hợp đồng này, có 3 lô đất mà gia đình anh Thích thuê của UBND xã, lô đất đang tranh chấp được ghi 5.000m2, ngoài ra có 2 lô đất khác có diện tích là 2.500m2 và 5.000m2. Mức phí mà gia đình anh Thích phải nộp cho UBND xã tổng cộng là 183.750 đồng/năm. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm, từ ngày 30/6/2002 - 30/6/2004. Ông Tuấn cho biết, từ đó đến nay chưa có hợp đồng đấu thầu nào được tiếp tục ký kết; giữa UBND xã Tân Thắng và gia đình anh Thích chưa có sự thỏa thuận thống nhất về chủ sử dụng đất. 

Ngày 11/6/2014, Hội đồng xác định nguồn gốc đất của xã Tân Thắng tổ chức cuộc họp. Tại đây, Hội đồng đã căn cứ vào các cơ sở trên để quyết định diện tích đất anh Thích đang sản xuất không đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị đền bù, hỗ trợ về đất mà chỉ lập hồ sơ đền bù hoa màu trên đất. 

Ông Tuấn cũng cho rằng việc anh Thích phản ánh “chính quyền xã không tổ chức đối thoại với dân” là không đúng. Trong năm 2015, xã đã 4 lần gửi giấy mời vào các ngày 28/1, 3/2, 15/6, 30/12 để yêu cầu anh Thích làm việc với chính quyền xã nhưng anh Thích đều không có mặt. Ngày 3/10/2016, UBND xã Tân Thắng đã gửi Văn bản số 43/UBND.TP trả lời đơn kiến nghị của anh Thích là “không có cơ sở”. “Xã rất muốn trực tiếp gặp và đối thoại với anh Thích để cùng thống nhất phương án giải quyết thỏa đáng nhưng anh Thích không hợp tác, việc gặp gỡ chính quyền hầu như được anh Thích ủy quyền cho anh trai là Nguyễn Đình Thuận, trong khi chính anh Thích là người có sự bất đồng trong vấn đề này và viết đơn khiếu nại”, ông Tuấn nói. 

Như vậy, vướng mắc ở đây xuất phát từ cả 2 phía, trước hết về phía gia đình anh Thích không có bất kỳ văn bản nào chứng minh quyền sử dụng đất. Còn về phía chính quyền UBND xã Tân Thắng có hợp đồng chứng minh cho thuê đất từ năm 2002 nhưng còn có sự lỏng lẻo trong quản lý đất đai: Khi hết hợp đồng thầu đất với hộ dân kể từ sau năm 2004 lại không thu hồi đất hoặc tiến hành thỏa thuận các hợp đồng đấu thầu tiếp theo mà để cho gia đình anh Thích tự do sản xuất; dẫn đến những tranh chấp về chủ sở hữu đất. Do đó, việc tổ chức đối thoại để cùng tìm ra tiếng nói chung là điều cần thiết. 

Với tính chất trọng điểm của dự án hồ chứa nước Khe Lại, chính quyền xã Tân Thắng là xã nằm trong vùng dự án cần nâng cao trách nhiệm, đề ra nhiều giải pháp để phối hợp với hộ dân và các ngành liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc còn tồn đọng. Đối với gia đình anh Thích cũng cần có sự hợp tác với chính quyền để giải quyết thấu đáo những bất đồng, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, vừa tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án trên địa bàn./.

Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới