Bi kịch từ những tấm thẻ đỏ ở Siêu kinh điển

Siêu phẩm, mưa bàn thắng, toan tính chiến thuật... người ta có thể tìm thấy điều đó trong "Siêu kinh điển". Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua những tấm thẻ đỏ.

Ngày khai màn "Siêu kinh điển" đang đến gần. Rất nhiều câu chuyện từ quá khứ được lật lại và tương lai mở ra. Trong đó, bi kịch từ những tấm thẻ đỏ trở thành gia vị không thể bị bỏ qua. "Siêu kinh điển" không còn là “Siêu kinh điển” nếu thiếu phán quyết khắc nghiệt và đôi lúc cũng đầy tranh cãi từ trọng tài.

Sergio Ramos thường xuyên phải nhận thẻ đỏ ở
Sergio Ramos thường xuyên phải nhận thẻ đỏ ở "Siêu kinh điển".
Điều này giải thích tại sao trang bìa báo Marca lại dành trang nhất hôm 30/3 để nói về những tấm thẻ đỏ kèm theo dòng tít "Báo động đỏ". Từ ngày HLV tài năng Jose Mourinho đặt chân tới Madrid, 23 trận "Siêu kinh điển" đã diễn ra, trong đó 10 trận kết thúc với ít nhất 1 thẻ đỏ. Tổng cộng, 14 thẻ đỏ được trọng tài rút ra cho hai đội.
Real phải nhận nhiều thẻ đỏ hơn, theo đó, Sergio Ramos trở thành thỏi nam châm hút thẻ phạt với 3 lần bị truất quyền thi đấu. Số còn lại thuộc về Raúl Albiol, Ángel Di María, Pepe, Marcelo, Mesut Özil, Isco và ngay cả HLV Jose Mourinho. Còn Barcelona, họ có 4 cầu thủ dính thẻ đỏ gồm Víctor Valdés, José Manuel Pinto, David Villa và Adriano.
Trong trận "Siêu kinh điển" hồi tháng 11/2015, tiền vệ Isco trở thành cái tên gần nhất dính thẻ đỏ sau pha phạm lỗi với Neymar. Lúc này, một câu hỏi được đặt ra là, vì sao Real Madrid thường xuyên dính thẻ đỏ nhiều hơn Barcelona? Thật khó để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, thế nhưng người ta vẫn rút ra được cái lý dễ hiểu nhất.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, “Siêu kinh điển” luôn chứa đứng sự thù địch. Đó không phải trận derby, nhưng tính chất còn hơn cả cuộc giải quyết nội bộ. Ở đó, người ta tìm thấy sự căm ghét đến tột cùng của hai đội. Suốt 90 phút, những ngôi sao sáng giá nhất La Liga đều khao khát thể hiện niềm kiêu hãnh của mình.
Thế nhưng “Siêu kinh điển” không phải vùng đất cho khái niệm hoa mỹ tồn tại. Từ âm mưu đến toan tính và bạo lực, mọi thứ tồn tại trong ván cờ người thắng sẽ giành được tất cả, còn kẻ thua phải gánh chịu mọi sự dè bỉu và những chỉ trích cay nghiệt nhật. Điều này biến cuộc đụng độ giữa Barcelona và Real nhiều lúc trở thành đấu trường khốc liệt.
Tinh hoa từ trường phái tiqui-taka dưới bàn tay đạo diễn những “hậu duệ Johan Cruyff” dễ khiến đối phương ức chế.
Khi sự đã thế, các cầu thủ dễ đánh mất mình trong các pha bóng. Họ sẵn sàng triệt hạ đối phương và chơi xấu đối thủ bằng mọi cách. Mánh khóe cũng thường xuyên xuất hiện. Để giành chiến thắng, đôi khi nghệ thuật hắc ám cũng được sử dụng. Bằng những pha đóng vai kịch sỉ, cầu thủ hai đội dễ dàng qua mắt trọng tài, theo đó, khiến đối phương ăn thẻ.
Dù vậy, "Siêu kinh điển" không chỉ toàn yếu tố tiêu cực. Phủ nhận tinh hoa từ lối chơi kiểm soát bóng của Barcelona là bất công rất lớn. Tinh hoa từ trường phái tiqui-taka dưới bàn tay đạo diễn những “hậu duệ Johan Cruyff” dễ khiến đối phương ức chế. Chỉ cần gắng sức đuổi theo đường ban bật của dàn sao Barcelona, đội bạn dễ mất kiên nhẫn, từ đó, dẫn tới phạm lỗi.
Isco trở thành cầu thủ gần nhất dính thẻ đỏ ở
Isco trở thành cầu thủ gần nhất dính thẻ đỏ ở "Siêu kinh điển".
Khi thế trận đang cân bằng, sự bình tĩnh còn được tìm thấy. Nhưng chỉ cần Barcelona có bàn thắng, họ sẽ khiến đối thủ dễ nổi khùng. Nhìn cách Isco phạm lỗi với Neymar ở lượt đi sẽ rõ. Sâu thẳm từ lối chơi của Barcelona, người ta không chỉ thấy những đường thêu hoa dệt gấm dưới đôi chân các thiên tài, mà còn cả nghệ thuật khiêu khích đối phương.
Để so sánh Barcelona, người hâm mộ gọi họ là những nghệ sĩ với bộ não thiên tài và đôi chân vũ công. Còn Real Madrid, họ lại hóa thân chàng hiệp sĩ dũng mãnh nhưng hơi xù xì. Khi cả hai đụng độ, sự uyển chuyển từ lối đá ban bật nhanh và chuyền bóng khắp sân của Barcelona thường khiến Real nổi đóa và đánh mất cái đầu lạnh.
Bởi vậy, đại diện thủ đô thường “ăn” thẻ đỏ hơn./.
Theo Zing
TIN LIÊN QUAN

Tin mới