Bình yên Giáo họ Lương Khế

(Baonghean) - Với việc xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”, những năm qua, cộng đồng Giáo họ Lương Khế tại  xã Thanh Hòa (Thanh Chương) luôn phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo, đẩy mạnh các phong trào thi đua, giữ vững an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn.

Để cụ thể hóa cuộc vận động sống tốt đời, đẹp đạo và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, năm 2013, Đảng ủy xã Thanh Hòa đã ra Nghị quyết số 13 - NQ/ĐU xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” tại  xóm Hòa Sơn, trung tâm của Giáo họ Lương Khế với 59 hộ, 315 nhân khẩu. Mô hình hướng tới tiêu chí “5 không”: Không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không ô nhiễm môi trường. 
Nhờ sự đồng tình ủng hộ của chính quyền đoàn thể cấp huyện, sự quan tâm phối hợp của linh mục quản xứ, Hội đồng mục vụ Giáo xứ Trung Hòa, giáo họ Lương Khế và sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai có hiệu quả. Công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 thực hiện tốt đã tạo thuận lợi cho việc quy hoạch giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, khuôn viên nhà văn hóa, khu vui chơi của xóm đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong năm 2014, UBND xã đã phối hợp với linh mục quản xứ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất đai, tài sản, cây cối để mở rộng đường giao thông nông thôn đi qua địa bàn xóm đến trường tiểu học với chiều dài gần 2 km. Kết quả đã có 19 hộ tự nguyện hiến 1.855,4m2 đất, 182 cây cối các loại, hàng trăm mét bờ rào với tổng giá trị lên đến gần 600 triệu đồng. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Kim Vân hiến 222m2 đất và 18 cây, ông Trịnh Khắc Tuyền hiến 212m2 đất, ông Dương Văn Lương hiến 208m2 đất và 17 cây các loại…
Bà Hoàng Thị Chính ở Giáo họ Lương Khế là điển hình hiến đất làm đường giao thông tại xóm Hòa Sơn (xã Thanh Hòa, Thanh Chương).
Bà Hoàng Thị Chính ở Giáo họ Lương Khế là điển hình hiến đất làm đường giao thông tại xóm Hòa Sơn (xã Thanh Hòa, Thanh Chương).
Bà Hoàng Thị Chính, xóm Hòa Sơn - một trong những gia đình đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường chia sẻ: Mình làm đường trước hết để mình đi vì vậy khi chính quyền xã, xóm phát động, gia đình đã tự nguyện hiến 137m2 đất cùng nhiều loại cây cối đang cho thu hoạch…”. Với sự ủng hộ của người dân, chính quyền địa phương đã đầu tư nâng cấp nhà văn hóa xóm với tổng kinh phí 20 triệu đồng, khảo sát và kéo 3 tuyến dây điện ra khu vực Bàu Cháy để nhân dân dùng máy mini bơm nước tưới lúa vụ xuân, xây dựng lò xử lý rác thải tại gia để làm tốt công tác xử lý môi trường, thu hút dự án đầu tư của Nhà nước xây dựng cầu Bàu Cháy với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng…
Để đảm bảo ANTT, an ninh tôn giáo, Chi bộ, Ban chỉ huy xóm, Ban công tác Mặt trận xóm Hòa Sơn xây dựng và thông qua hương ước, nếp sống văn hóa của xóm gồm 8 chương, 32 điều; kiện toàn ban tự quản xóm và duy trì sinh hoạt tốt các tổ tự quản về an ninh trật tự. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được tuyên truyền, giải thích rộng rãi trên hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua các bản tin và các cuộc họp. Các chương trình sinh hoạt tư tưởng, phát triển kinh tế địa phương được xây dựng lồng ghép không những giúp rút ngắn khoảng cách lương - giáo mà còn giúp bà con giáo dân hiểu hơn chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo.
Ông Trần Công Sơn - Bí thư Chi bộ xóm Hòa Sơn cho hay: Từ khi xây dựng mô hình “Giáo họ bình yên”, người dân ý thức hơn từ việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, tích cực tham gia các phong trào đến việc giao nộp các loại quỹ phí… Nhờ vậy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định, mọi mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân như bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, vườn tược liên quan đến giáo dân được linh mục quản xứ và Hội đồng mục vụ giáo họ kết hợp với chính quyền địa phương, Ban công an xã giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý. 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ  xã Thanh Hòa cho biết: Bằng phương pháp kết hợp giữa chính sách, pháp luật của Nhà nước với quy ước, hương ước của địa phương  và tín ngưỡng tôn giáo, mô hình “Giáo họ bình yên, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” tại Giáo họ Lương Khế  không chỉ giúp bà con giáo dân sống tốt đời, đẹp đạo mà còn là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Cuộc sống ổn định, bà con giáo dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước,  yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, mở mang các ngành nghề phụ (bún bánh, mộc, chăn nuôi XKLĐ…), chăm lo cho con cái học hành. Số hộ khá, giàu tăng, số hộ nghèo giảm còn 4 hộ, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 80%. Có thể nói, cái được lớn nhất từ việc xây dựng mô hình chính là bản thân mỗi giáo dân trong giáo họ đều thực sự cảm nhận được hiệu quả mà mô hình đã đem lại cho họ…                                                                           
Khánh Ly

Tin mới