Bộ Công Thương cần siết chặt quy trình xả lũ của thủy điện

(Baonghean.vn) - Không ngại đi thẳng vào những vấn đề "nóng" đang được dư luận quan tâm như 5 đại dự án quy mô 30.000 tỷ đồng thua lỗ, lãng phí, phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhận được sự hoan nghênh của các đại biểu Quốc hội, song một số nội dung vẫn được cho là "chưa thỏa đáng".

Đăng đàn trả lời chất vấn sáng nay (3/11) về 5 đại dự án có quy mô hơn 30.000 tỷ đồng thua lỗ kéo dài gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận: “Không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác cũng còn tiềm ẩn nguy cơ và tồn đọng các vướng mắc mà nếu không tháo gỡ kịp thời thì sẽ có khả năng rơi vào tình trạng kém hiệu quả, gây nguy cơ mất vốn đầu từ nguồn lực của Nhà nước và từ nguồn lực xã hội”.

Ông Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội, sáng 3/11.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương được chỉ đạo phối hợp cùng với các bộ, ngành tổng hợp, rà soát, đánh giá, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này và có báo cáo cụ thể với Chính phủ.

Trong đó, Bộ sẽ phải giải trình Chính phủ về vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của các chủ đầu tư; xác định làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân, đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý.

Trên thực tế thời gian vừa qua, một số dự án đã có sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan như Dự án Xơ sợi Đình Vũ hay Dự án Ethanol đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra, nay đã đến giai đoạn kết luận sắp được Thủ tướng Chính phủ thông qua và sẽ có hướng chỉ đạo tiếp theo.

Trong khi đó, đối với các dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy đạm Ninh Bình thì Bộ Công thương đang cho thanh tra, sắp có kết quả và sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp xử lý dứt điểm, đáp ứng được 5 nguyên tắc chỉ đạo nêu trên của Chính phủ và sẽ báo cáo đầy đủ với Quốc hội.

Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, 5 dự án này đã cho thấy những khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế, từ vai trò, trách nhiệm của các bộ chủ quản, các bộ quản lý về tài chính, về phê duyệt thủ tục đầu tư.

"Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý trong vi phạm pháp luật của Nhà nước trong hoạt động quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Hoan nghênh sự thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Chính phủ cần sớm lập danh mục những dự án thua lỗ, thất thoát ngoài 5 dự án đã nêu.

Đại biểu này cho rằng: "Chỉ cần mỗi ngày lỗ vài ba tỉ, mỗi năm lỗ năm, bảy chục tỷ chứ không cần đến mức lỗ ngàn tỷ như một số nhà máy đã nêu thì cộng lại cũng đã cho ra một con số hết sức lớn. Trong khi đó, ở vùng sâu, vùng xa, hàng chục triệu đồng bào thuộc diện hộ nghèo đang rất cần những khoản kinh phí bị tiêu tốn vào những dự án nói trên".

Ngoài ra, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập vấn đề vận hành các dự án thủy điện và ổn định đời sống cho người dân tại vùng xây dựng dự án thủy điện. Tuy nhiên, các giải trình của người đứng đầu Bộ Công thương chưa làm thỏa mãn các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, hiện nay đối với các công trình thủy điện từ việc tích nước, xả lũ được cho là chưa theo đúng quy định. Đặc biệt lũ lụt ở miền Trung hiện nay cho thấy cần phải xem lại việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện là có đúng quy định, đúng pháp luật hay không?

"Tôi nghĩ, Bộ trưởng nói trong thời gian qua vận hành các nhà máy thủy điện đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa đáng, đề nghị Bộ trưởng trao đổi rõ hơn", đại biểu này truy vấn.

Ngoài ra, với việc cho rằng hiện nay nhiều bà con ở vùng thủy điện hộ nghèo chiếm 50%, 60% có nơi là 80%, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Công thương rằng "đời sống của người dân ở vùng tái định cư các dự án thủy điện được đảm bảo" là chưa thỏa đáng.

Do đó, đại biểu tỉnh Phú Yên đề nghị người đứng đầu Bộ Công thương cần quan tâm và có phương án điều hành đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thủy điện./.

Dương Gim

TIN LIÊN QUAN

Tin mới