“Bữa trưa không rượu”

(Baonghean) - Do yêu cầu công việc nên tôi có nhiều dịp đi cơ sở, thường được mời dự bữa cơm thân mật với tình cảm hết sức chân tình. Nhưng cứ mỗi khi ngồi vào mâm cơm, dù trưa hay tối, chén rượu luôn là lời mở đầu giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Lắm lúc, ăn xong bữa cơm đầu óc cứ lâng lâng không còn tỉnh táo. Nhiều lần như vậy làm cho tôi luôn có cảm giác sợ dự cơm khách phải uống rượu nên thường tìm cách từ chối. Nhưng khổ nỗi từ chối nhiều lại sợ cán bộ cơ sở chạnh lòng, cho rằng mình không tôn trọng họ.

Vừa rồi, tôi có dịp đi công tác ở huyện Anh Sơn, về cơ sở lại được mời cơm trưa. Công việc được giao làm chưa đến đầu đến đũa nên khi nhận lời mời, thú thực trong lòng tôi áy náy không yên. Tôi đoán chắc rằng ăn cơm trưa kiểu gì cũng phải  uống rượu, rồi lại cái cảnh chúc nhau “lượt đi lượt về” đến là khổ. Nhưng khi ngồi vào mâm cơm, tôi ngạc nhiên không thấy một chai rượu nào. Đồng chí cán bộ chủ trì có lời thông cảm: “Sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, huyện Anh Sơn chúng tôi có quy định: cán bộ, công chức không được uống rượu vào buổi trưa để đảm bảo tỉnh táo trong giờ làm việc buổi chiều. Vì vậy, mong các đồng chí thông cảm dùng bữa cơm trưa đạm bạc với mấy món đặc sản cây nhà lá vườn”.

Nghe xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Một bữa cơm trưa không rượu, không có những tiếng “dzô…” đồng thanh với những ly rượu “đồng khởi”, nhưng giữa chủ và khách vẫn tình cảm, vui vẻ. Xong bữa cơm, chúng tôi chia tay nhau để chuẩn bị cho công việc buổi chiều. Trên đường đi về một xã khác, xoay quanh chuyện “cơm trưa không rượu”, đồng nghiệp của tôi hỏi một cán bộ huyện đi cùng: “Quy định như vậy nhưng cán bộ vẫn vào phòng lạnh đóng cửa ăn cơm, uống rượu thì ai mà biết được?”. Đồng chí cán bộ huyện thẳng thắn: “Mình có thể lách được quy định của cơ quan nhưng không thể qua được con mắt của nhân dân. Quy định của huyện được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, mình mà làm trái nhân dân nhìn vào sẽ mất lòng tin. Vả lại, buổi trưa không uống rượu thì giờ làm việc buổi chiều đầu óc tỉnh táo, làm việc hiệu quả hơn”.

Một cán bộ của một huyện vùng cao có lần tâm sự với chúng tôi: “Nhờ quy định bữa trưa không uống rượu nên chúng tôi khỏe ra rất nhiều. Trước đây, có ngày tiếp 3 đến 4 đoàn khách, đoàn nào cũng phải uống rượu chúc nhau thật nhiệt tình. Nhiều bữa tiếp khách xong về nằm mê mệt, buổi chiều không làm việc được, có bữa phải đi chuyền dịch”.

Thiết nghĩ, đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, quy định không được uống rượu vào buổi trưa và trước giờ làm việc cần được khuyến khích, nhân rộng. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ nhân dân tốt hơn. Muốn thực hiện được điều này, ngoài quy định cụ thể của từng cơ quan, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần gương mẫu thực hiện nếp sống không uống rượu bia. Phải chấm dứt lối suy nghĩ: “Quý mến nhau thì phải mời nhau chén rượu đầy”.

PHƯỚC ANH

Tin mới