“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”

(Baonghean) - Đại tá Lê Sỹ Biên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 215 trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Lữ đoàn 10/4/1973 –2013.

P.V: Lữ đoàn Xe tăng 215 không chỉ được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND” thời kỳ đổi mới mà còn có nhiều chiến công xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đơn vị, đồng chí có thể cho biết truyền thống vẻ vang của đơn vị qua các thời kỳ?

Đại tá Lê Sỹ Biên: Cách đây tròn 40 năm, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 10/4/1973, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập “Trung đoàn Xe tăng 215” trực thuộc Binh chủng Thiết giáp và đóng quân tại xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Ngay sau đó, Trung đoàn đã nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn về quân số, phương tiện cũng như cơ sở vật chất để ổn định tổ chức, khẩn trương bước vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm 1973, Trung đoàn 215 được mệnh lệnh của cấp trên di chuyển vào đóng quân tại huyện Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian ngắn vừa xây dựng vừa huấn luyện, Trung đoàn ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Ngày 5/10/1974, trước đòi hỏi cấp thiết của chiến trường, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Lữ đoàn Xe tăng 215 trên cơ sở lấy Trung đoàn 215 làm nòng cốt.

Đại tá Lê Sỹ Biên nói chuyện truyền thống của đơn vị với lính trẻ.

Tháng 2 năm 1975, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, với phân hiệu Đoàn 275, từ xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) Lữ đoàn hành quân vào chiến trường Đông Nam bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các tiểu đoàn của Lữ đoàn phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức tác chiến trên các mặt trận như Đông Bắc Sài Gòn, Tây, Tây Nam Sài Gòn, Hố Nai, Bàu Cá, đánh chiếm Trạm rađa Phú Lâm, Trường đua Phú Thọ, biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát ngụy… mở đường để các đơn vị thọc sâu đánh chiếm đài phát thanh và dinh tổng thống ngụy; góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Phát huy truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, lữ đoàn đã phối hợp với các đơn vị bạn tham gia đánh 34 trận, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần giải phóng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng PônPôt.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, 2 đại đội của Lữ đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”, 2 tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Năm 1976, Lữ đoàn được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi lẵng hoa chúc mừng và tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Đồng thời, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các hình thức khen thưởng khác.

P.V: Nhắc đến những chiến công của Lữ đoàn xe tăng 215, lại nhớ về bài hát “5 anh em trên một chiếc xe tăng” đầy dũng khí, đầy lạc quan và tràn ngập tinh thần đồng đội. Trong thời bình, tinh thần đó vẫn còn tỏa sáng trong lòng lính tăng Lữ đoàn 215 thưa đồng chí?

Bộ đội Đoàn tăng thiết giáp H15 tham gia diễn tập. Ảnh: Trần Hải

Đại tá Lê Sỹ Biên: Dĩ nhiên là thời bình khác thời chiến. Nhưng, “tinh thần lính tăng” vẫn thế: dũng khí, lạc quan và đoàn kết. Dù bây giờ mỗi xe tăng chỉ còn 4 thành viên thôi, nhưng vẫn là “như năm ngón tay trên một bàn tay/ đã xung trận là năm người như một”. “Xung trận” của lính tăng bây giờ là làm chủ phương tiện, khí tài chiến đấu, hăng say luyện tập trên thao trường, xây dựng đơn vị theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu với tinh thần “đã ra quân là đánh thắng”. Do đó, 100% số đợt kiểm tra đơn vị do Bộ Quốc phòng, Binh chủng Thiết giáp tổ chức Lữ đoàn đều đạt loại giỏi; 100% các khoa mục huấn luyện đạt yêu cầu, trong đó có gần 80% đạt khá giỏi. Không chỉ trong huấn luyện, mà trong công tác kỹ thuật, hậu cần lính tăng của Lữ đoàn 215 cũng “xung trận” vào tri thức để làm chủ những phương tiện kỹ thuật hiện đại và đạt được nhiều kết quả xuất sắc với 27 mô hình sáng kiến được áp dụng mang hiệu quả cao. Trong các cuộc hội thao tăng thiết giáp toàn quân, Lữ đoàn đều đạt thứ hạng cao, trong đó có hai lần đạt giải Nhì và giải Nhất vào các năm 2004, 2006; nhiều năm liền, Lữ đoàn đều được Bộ Tổng tham mưu tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

P.V: Đồng chí có thể cho biết động lực nào để Lữ đoàn Xe tăng 215 trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao trong tình hình mới?

Đại tá Lê Sỹ Biên: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân. Trước hết là các cấp ủy đảng, các cấp chỉ huy Lữ đoàn đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Rất đơn giản là nếu “tư tưởng không thông thì vác bi đông không nổi” đã được bộ đội ta đúc rút từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tất cả các vấn đề đều phải được thông suốt từ trên xuống dưới trên tinh thần tập trung, dân chủ và minh bạch. Cán bộ chỉ huy từ trưởng xe, trung đội đến người chỉ huy cao nhất đều phải làm gương trên mọi mặt. Trên dưới đồng lòng như “5 anh em trên 1 chiếc xe tăng”. Cả Lữ đoàn cùng nhìn về một hướng là xây dựng đơn vị “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Đồng thời là sự quan tâm, lãnh đạo chỉ huy của cấp trên, mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp cùng với sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là trong quá trình huấn luyện, chiến đấu, công tác, Lữ đoàn 215 đã nhận được sự giúp đỡ của bà con nhân dân trên địa bàn đóng quân. 

Nhưng yếu tố quan trọng nhất là Đảng bộ Lữ đoàn phải phát huy được vai trò lãnh đạo của mình, mỗi cấp ủy, đảng viên phải gương mẫu trong mọi nhiệm vụ, trong huấn luyện cũng như trong chiến đấu.

P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này và chúc Lữ đoàn 215 mãi xứng đáng với những danh hiệu đã đạt được.

Việt Long (thực hiện)

Tin mới