Cảng cá cửa hội, "Hậu cứ" nghề đi khơi

(Baonghean) Ngư dân Quảng Ngãi vốn nổi tiếng với những đội “hùng binh” đã giong buồm ra khơi, bám biển khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa từ mấy thế kỷ trước. Ngày nay, con cháu họ tiếp nối truyền thống cha ông, chinh phục các ngư trường giữa muôn vàn trùng khơi biển trời Tổ quốc. Chúng tôi đã có dịp gặp họ vào một ngày nắng cuối hạ trên cảng  cá Cửa Hội.

Chuyện bám biển…

Trong số những tàu cá cập cảng Cửa Hội lần này, chúng tôi gặp rất nhiều “sói biển” quê ở Quảng Ngãi. Với họ, cả cuộc đời đã gắn liền với biển cả mặn mòi, những chuyến ra khơi dọc ngang Biển Đông. Thuyền trưởng Nguyễn Mộ Đức (52 tuổi) rắn rỏi, da sạm đen vì nắng gió biển khơi đang cùng thủy thủ trên tàu vá lưới sau chuyến ra khơi nửa tháng; trong hải trình đó, con tàu QNg 92451, 480 mã lực cùng 15 ngư dân đã di chuyển liên tục giữa các ngư trường ở đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô… đến Đà Nẵng cho đến khi khoang thuyền đầy cá mới trở về đất liền.

Thuyền trưởng Nguyễn Mộ Đức và 14 thuyền viên trên tàu đều quê tỉnh Quảng Ngãi. Cùng cha đi biển từ năm 14 tuổi nên biển cả cho đến giờ là “cả cuộc đời” của ông Đức. Ông cho biết: “Ngày nay, ngư dân đã có điều kiện đầu tư tàu lớn, máy khỏe, có khả năng vươn ra các ngư trường xa, đánh bắt dài ngày nên khả năng “thắng” của mỗi chuyến ra khơi đảm bảo hơn trước”.

Con tàu của thuyền trưởng Đức được đóng cách đây 4 năm với giá trị gần 3 tỷ đồng. Nó đã đồng hành cùng ông trong rất nhiều chuyến ra khơi, nhưng với “sói biển” này, quãng thời gian đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa vẫn sâu sắc và đáng nhớ nhất. “Cũng như bao ngư dân Quảng Ngãi khác, ngư trường truyền thống của chúng tôi là ngư trường Hoàng Sa. Cá ở Hoàng Sa nhiều, phong phú. Ra đó đánh bắt đảm bảo thắng chắc. Nhưng mấy năm lại đây, tình hình ngoài đó “căng” quá nên phải hạn chế tiếp cận hơn trước”, ông Đức ngậm ngùi.

Thuyền trưởng Trần Văn Thôi (51 tuổi) cũng quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ông Thôi là thuyền trưởng của 2 tàu cá QNg 92338 và QNg 92339 cùng anh em thuyền viên lên đến mấy chục người. Chuyến ra khơi lần này xem như thất bại. Bởi mới ra biển được 7 ngày thì phải trở về do tàu hư hỏng. Tàu vào cảng Cửa Hội được 2 hôm vừa sửa chữa xong, anh em tranh thủ nghỉ ngơi rồi vá lại lưới cụ chuẩn bị ra khơi. Thuyền trưởng Thôi cũng theo cha ra biển từ lúc 8 tuổi. Nói chuyện với chúng tôi, ông đùa: “Gia tộc tôi là gia tộc đại dương. Mấy thế hệ rồi găn bó, sống nhờ biển”.

Cả cuộc đời gắn bó với biển cả, đánh bắt ở hầu khắp các ngư trường, nhưng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tàu cá của ông Thôi “bén duyên” với ngư trường Vịnh Bắc bộ. Ông cho biết: “Mỗi chuyến ra khơi kéo dài hàng tháng trời. Mỗi khi cá đầy khoang là gọi điện cho tàu trong bờ chở lương thực, thực phẩm, xăng dầu ra bán, đổi lại họ mua cá của mình chở vào bờ. Trung bình mỗi chuyến lời nhiều cũng được cả trăm triệu đồng; ít thì sáu, bảy chục triệu đồng. Nhưng cũng có những chuyến đi biển trắng tay như chuyến vừa rồi”.

Thuyền viên trên tàu ông Thôi đến từ nhiều vùng quê: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Đình. Đời ngư phủ gắn với biển cả, chuyện nguy hiểm họ gặp thường ngày cũng thành quen. Nhưng đối với những ngư dân, nỗi nhớ vợ con, gia đình trong những ngày lênh đênh trên biển mới sự thực là nốt trầm trong cuộc mưu sinh. Anh Nguyễn Danh- thuyền viên đến từ Quãng Ngãi tâm sự: “Đánh cá trên biển chỉ cần một sơ sẩy nhỏ là nguy hiểm đến tính mạng. Đơn giản như kéo một mẻ lưới trung bình nặng 10 tấn cá, nếu không may đứt bầu kéo thì nguy hiểm vô cùng. Đó là chưa kể những lúc gặp bão, sóng to, gió lớn. Nhưng chúng tôi quen rồi, chấp nhận tất cả, chỉ duy nhất một điều là nhớ vợ, thương con. Có khi cả năm chỉ được gặp gia đình vào dịp Tết”. Trước chuyến đi biển lần này, vợ Danh ở Quãng Ngãi mới sinh con được vài ngày. Nhìn cái cách anh hoan hỷ kể về cậu con trai mới chào đời, mới hiểu nỗi khắc khoải ngày trở về của người cha cả năm phải dầm mình với biển cả.

“Cảng hiền, thuyền đậu”

Đó là câu trả lời của rất nhiều ngư dân ở các tỉnh khác ở cảng cá Cửa Hội khi chúng tôi hỏi: Vì sao lại cập tàu vào đây trong khi có rất nhiều cảng cá khác dọc khắp các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ. Trên cầu cảng cá Cửa Hội hôm đó có gần 40 tàu đánh bắt xa bờ nằm ken kín nhau chờ mua sắm nhu yếu phẩm để ra khơi.

Thuyền trưởng Đức chia sẻ: “Tàu chúng tôi thường cập cảng cá Cửa Hội là do ở đây luồng nước rất thuận lợi cho tàu vào, các dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng tương đối đầy đủ và quan trọng là sản phẩm do chúng tôi vất vả làm ra lại được thu mua hết ngay khi cập cảng. Anh em Quảng Ngãi đánh bắt ở ngư trường từ Quảng Bình trở ra đều ghé đây khi vào bờ”.

                                      Ngư dân vá lại lưới chuẩn bị ra khơi.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Nghệ An cho biết: “Cảng cá Cửa Hội là nơi vào ra thường xuyên của tàu thuyền 13 tỉnh từ Nam Định vào đến Bình Thuận. Thực hiện chính sách xã hội hóa nghề cá nên các dịch vụ hậu cần nghề cá ở cảng Cửa Hội đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu của ngư dân. Đây cũng là lý do chính biến cảng Cửa Hội thành “mái nhà chung” của rất nhiều ngư dân nước ta. Trong khuôn viên cảng cá, có hẳn một khu trọ dành cho gia đình của các ngư dân Quảng Ngãi thuê. Họ ở đây chờ chồng con về sau mỗi chuyến. Chúng tôi chỉ thu tiền thuế 250 nghìn đồng/phòng/tháng và hỗ trợ luôn nước sạch. Tất cả là để góp phần tạo điều kiện cho các ngư dân yên tâm ra khơi vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, cầu, bến cảng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu trong thời gian dài do chiều dài bến còn ngắn…”.

Mong một ngày không xa, cảng cá Cửa Hội được nâng cấp để nơi đây luôn là chốn neo đậu bình yên cho những kình ngư của biển cả. Lúc chúng tôi chia tay cảng cá Cửa Hội, tàu của thuyền trưởng Thôi chuẩn bị một chuyến biển mới. Ông đang tất bật chuẩn bị đồ lễ cúng cầu bình an trước chuyến đi chinh phục biển khơi.

Thành Duy

Tin mới