CCB Lê Tài Chất và ý chí làm giàu

(Baonghean) - Sau 19 năm trong quân ngũ, trở về địa phương vừa là thương binh vừa là bệnh binh, ông Lê Tài Chất vẫn không ngừng xây dựng và phát triển kinh tế trang trại. Có thể nói, đây là trang trại được xây dựng sớm nhất địa bàn huyện Thanh Chương ở thời điểm hiện nay...
Quê Thanh Mỹ (Thanh Chương), năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Lê Tài Chất lên đường nhập ngũ vào K10, đoàn 22. Sau đó, ông được phân về Tiểu đoàn 37, huyện Nam Đàn. Tại đây, ông theo học một lớp y tá. Năm 1981, ông là cán bộ chỉ huy thuộc Tiểu đoàn 78, thuộc Trung đoàn 89 ở Hoàng Liên Sơn. Từng là cán bộ tuyên huấn, rồi Trưởng ban Vật tư, Cục Chính trị thuộc Quân đoàn 29. Sau 19 năm trong quân ngũ, ông trở về với đời thường, là bệnh binh với tỷ lệ mất sức 75% và thương binh 4/4 tỷ lệ 26%. Nói đến ý tưởng làm trang trại, ông chia sẻ: “Trước đây, khi còn là chỉ huy Tiểu đoàn 78, tôi nhận thấy, đất đai, khí hậu ngoài này cũng giống như ở quê nhà. Ngoài đó người ta trồng rừng phát triển lắm, nhiều mô hình VACR đem lại giá trị kinh tế rất cao, sau nhiều ngày nghỉ phép, tôi đã về nhà bắt tay làm thử nghiệm. 
CCB Lê Tài Chất bên khu trang trại của gia đình.
CCB Lê Tài Chất bên khu trang trại của gia đình.
Mãi đến năm 1990, ông Chất mới có điều kiện dành toàn bộ thời gian và tâm trí vào phát triển mô hình. Để có tiền mua thêm con giống, cây giống, ông phải xoay xở rất nhiều nghề phụ khác như phục vụ đám cưới, vẽ cuốn thư, chữ thọ, chụp ảnh, sửa chữa và cả nghề xay xát, đập bột... Rừng cây xanh dần dưới bàn tay chăm bón của ông. Chỉ 2 năm sau, ông vinh dự là một trong hai người của tỉnh Nghệ An đi dự đại hội những người trồng và bảo vệ rừng giỏi toàn quốc lần đầu tại Thái Nguyên. Đến nay, trang trại của ông với tổng diện tích 60ha vườn cây và ao cá cơ bản đã khép kín hơn 3km đường hào vành đai thép gai, bờ rào bảo vệ trâu, bò và 3km đường sườn đồi để thu hoạch nguyên liệu, tạo việc làm cho hơn 30 công nhân/ngày theo thời vụ và 2 công nhân thường xuyên.
Hiện, ông đang có gần 20 ha keo đã đến tuổi thu hoạch, hàng năm bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn lợn thịt, 2 tấn cá và hàng trăm con gà, 40 - 50 tấn sắn. Riêng năm 2014, 4ha sắn giống mới Thái Lan dự kiến cho thu hoạch khoảng 80 - 100 tấn, cung cấp lượng cây giống sắn khá lớn miễn phí giúp một số hội viên và bà con nông dân trong vùng từ xã Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Nho, Thanh Mỹ, Thanh Sơn... đặc biệt là những hộ dân khó khăn không có tiền mua giống sắn mới có năng suất cao. Ngoài ra, ông còn có thu nhập phục vụ chi tiêu hàng ngày từ 1ha chè và hơn 400 bụi mét lấy măng và mét nguyên liệu. Hàng năm tổng thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng, chưa tính tiền thu hoạch keo.
Không chỉ chăm lo làm kinh tế, CCB Lê Tài Chất còn tích cực tham gia hoạt động đảng, chính quyền đoàn thể. Từng là Phó Chủ tịch Hội CCB xã, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, rồi Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ, lĩnh vực nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc. Từ năm 1990 đến nay, ông vinh dự được các cấp từ cơ sở đến Trung ương tặng 14 bằng khen, 17 giấy khen và 5 giấy chứng nhận các loại. Trong đó, về hoạt động hội cựu chiến binh có 2 giấy chứng nhận Chiến sỹ thi đua, 1 bằng khen hội viên CCB có thành tích trong phong trào thi đua thời kỳ đổi mới. Tháng 3/2009, ông Lê Tài Chất đại diện cho những người trồng rừng tỉnh Nghệ An đi dự Hội nghị - hội thảo toàn quốc ở tỉnh Quảng Ninh. Thời gian vừa qua, ông vinh dự được biểu dương tại Đại hội CCB gương mẫu 5 năm (2009 - 2014) tại tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Lê

Tin mới