Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

(Baonghean.vn) - Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ; Tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động; Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thay thế ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã nhận quyết định điều động, chỉ định của Ban Bí thư, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

2. Tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Khám chữa bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ. Ảnh nilp.vn.
Khám, chữa bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ. Ảnh nilp.vn.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn và sức khoẻ người lao động, bảo vệ môi trường lao động.

Cụ thể, nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm an toàn và sức khoẻ người lao động; nghiên cứu xây dựng phương pháp, quy trình đánh giá hợp chuẩn, hợp quy các phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn; nghiên cứu, phát hiện và kiến nghị bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.

3. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế năm 2017; trường hợp gặp vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/6/2017, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ tăng từ 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 751/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 9/1/2016 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 250.000 đồng/tháng/HSSV.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí cấp đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu  hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2017, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

5. Điều chỉnh vốn một số dự án

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, tiếp tục điều chỉnh giảm 1.349 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên tại Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 14/10/2016 và Quyết định số 2426/QĐ-TTg ngày 12/12/2013.

Đồng thời, bổ sung 1.349 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư (chưa phân bổ) giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát quy mô, thiết kế bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư của các dự án trong danh mục theo quy định hiện hành; đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ xây dựng trong nước; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án nạo vét, khơi thông luồng có tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đang thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt không gây sạt lở và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của nhân dân trong khu vực; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015 và số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ. 

7. Ngăn chặn khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 732/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Công điện ngày 28/5 nêu rõ, trong những năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài có giảm.

Tuy nhiên từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới.

8. Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”.

Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật trong cổ phần hoá và thoái vốn, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thái Bình
(Tổng hợp)

Tin mới