Chỉ định thầu khi làm cao tốc Bắc - Nam mang lại lợi ích gì?

Với cơ chế thông thoáng được phép chỉ định thầu vừa được Chính phủ ban hành, công tác chuẩn bị đầu tư triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ đẩy nhanh được tối thiểu 3 tháng.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác (nếu thấy cần thiết về tư vấn) liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Nghị quyết của Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án.

Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, được sự cho phép của Chính phủ, việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu xây lắp sẽ đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án sớm hơn 3 tháng.

Cụ thể, đối với gói thầu tư vấn, nếu áp dụng đấu thầu rộng rãi thường sẽ mất khoảng 58-60 ngày làm việc trong khi đó áp dụng chỉ định thầu chỉ mất tối đa 30 ngày cho tất cả các công đoạn như: Chấp thuận danh sách nhà thầu, thẩm định hồ sơ đề xuất, mở thầu, thẩm định kết quả chỉ định thầu…

Tương tự, đối với gói thầu xây lắp, đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ qua 19 công đoạn với thời gian 76-80 ngày làm việc còn chỉ định thầu chỉ qua 11 công đoạn và 41 ngày làm việc.

Như vậy, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quá trình triển khai các công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp theo từng giai đoạn để triển khai thực hiện các công việc tiếp theo. Việc triển khai các gói thầu chính là "đường găng" quan trọng trong việc thực hiện dự án gồm: Gói thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư; gói thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật (đối với thiết kế 3 bước) hoặc tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (đối với thiết kế 2 bước); gói thầu xây lắp.

"Khi được cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định thầu thì sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án được khoảng 3 tháng", đại diện Bộ GTVT cho hay. 

Tin mới