Chuyện của Son Heung - Min và bài học về đoàn kết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - ASIAN Cup 2023 đã kết thúc với ngôi vô địch lần thứ 2 liên tiếp dành cho Qatar, nhưng dư âm về những bất ngờ của giải đấu hàng đầu châu lục, về thất bại của những đội bóng hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Arabia Saudi… vẫn được dư luận nói tới rất nhiều.

Hóa ra, với bóng đá đỉnh cao, bóng ngừng lăn không đồng nghĩa với “hết chuyện”, mà trái lại luôn có nhiều điều hấp dẫn, thú vị đang chờ đợi ở phía trước.

han-9811.jpeg

Chuyện mới nhất khiến cả thế giới bóng đá sôi sục liên quan đến Son Heung-Min và thất bại của Đội tuyển Hàn Quốc ở bán kết ASIAN Cup trước Đội tuyển Jordan (0-2). Rõ ràng, dù liên tục gặp khó ở trận đấu với chính Jordan ở vòng bảng (2-2), với Australia ở vòng 1/8 (1-1, 4-2 pen), thì Đội tuyển Hàn Quốc với dàn sao thượng thặng đang thi đấu ở các giải bóng đá hàng đầu châu Âu vẫn được đánh giá cao hơn Đội tuyển Jordan. Thậm chí nhiều người đã “mơ” đến một trận chung kết trong mơ và chính Hàn Quốc sẽ đăng quang theo sơ đồ về đích gập ghềnh nhưng có hậu thường thấy trong bóng đá.

Nhưng rồi mọi dự đoán đều sai, thậm chí sai to khi Đội tuyển Jordan làm chủ thế trận, ghi 2 bàn thắng chia đều 2 hiệp đấu và không cho Son Heung-Min lấy một cơ hội sút trúng khung thành. Không ai nhận ra Đội tuyển Hàn Quốc với ý chí thi đấu tuyệt vời cho đến phút bù giờ ở 2 trận đấu trước đó. Cũng không thấy đâu vai trò dẫn dắt và tỏa sáng đúng lúc của Đội trưởng Son Heung-Min, những pha tăng tốc hay sút phạt đẳng cấp của Lee Kang In hay Hwang Hee-chan. Hóa ra, trước trận bán kết những mâu thuẫn âm ỉ giữa nhóm cầu thủ lớn tuổi và nhóm cầu thủ nhỏ tuổi lại được dịp phát tác và xung đột đã nổ ra. Vì can ngăn các cầu thủ trẻ vội vàng ăn tối để đi chơi bóng bàn, Son Heung-Min và Lee Kang-In đã xô xát dẫn đến Son bị trật gãy ngón tay. Son sau đó thậm chí đã đề nghị không cho Lee được vào sân trong trận bán kết (nhưng cầu thủ đang thi đấu cho PSG vẫn có mặt).

Đến đây thì mọi người mới vỡ ra: Khối thống nhất, đoàn kết, cộng đồng sức mạnh trong Đội tuyển Hàn Quốc đã tan vỡ, khiến đội bóng bị phân mảnh, đánh mất tính liên kết, sức tấn công, độ uyển chuyển và mỗi người tìm bóng theo một cách khác nhau, dẫn tới trở nên vô hại, lỏng lẻo và dễ bị đánh bại hơn bao giờ hết.

Thì ra, đến như Đội tuyển Hàn Quốc từng chơi bán kết ở World Cup, là “khách quen” của mỗi kỳ World Cup cũng như các giải đấu châu lục, có cả tá tuyển thủ đang tỏa sáng ở trời Âu…vẫn có thể trở nên xoàng xĩnh chỉ vì mất đoàn kết nội bộ, tự mình “đá” vào chân mình ở những thời khắc quan trọng và quyết định. Chuyên môn tốt là điều cần thiết, cần phải có ở mỗi đội bóng hàng đầu, nhưng nếu mất đoàn kết, không cùng nhau nhìn về một hướng, một mục tiêu, thì đó chỉ là một tập hợp rời rạc, vô hại của các ngôi sao cô đơn mà thôi.

Trong quá trình thi đấu ở ASIAN Cup 2023, rất khó để nói dàn cầu thủ Hàn Quốc ai xuất sắc, ai kém cỏi, nhưng rõ ràng, nhiều ngôi sao vẫn chưa đủ để làm nên một đội bóng bất khả chiến bại. Hàn Quốc đã liên tục để thủng lưới trước, rồi tấn công “trối chết” để cân bằng tỷ số và vượt lên nhờ đẳng cấp của các ngôi sao. Trong khi đó, Đội tuyển Nhật Bản có nhiều ngôi sao thi đấu nước ngoài nhất, nhưng có vẻ không được gọi đúng tên tuổi sáng giá cho một giải đấu, nhất là vị trí thủ môn và hàng thủ. Từ đó, dù cực kỳ đoàn kết và cố gắng, nhưng Nhật Bản vẫn bại trận vì những sai lầm cá nhân ở những giây phút cận kề và pha bóng cân não.

Nhân đây cũng cần nhắc lại rằng, trong quá trình vươn tầm, rất nhiều đội bóng ở các nước đang phát triển lâu nay đã nhìn vào “mô hình” Nhật Bản và Hàn Quốc để học hỏi, làm theo, trong đó chắc chắn có Thái Lan, Việt Nam. Rõ ràng, hai nền bóng đá này đã tạo được bước phát triển vượt bậc, nhất là đào tạo được nguồn cầu thủ dồi dào đủ sức thi đấu tốt ở các giải bóng đá hàng đầu châu Á, châu Âu như đã thấy. Và việc học hỏi Nhật Bản và Hàn Quốc là đúng đắn và cần thiết, dù không dễ để học được, làm theo được. Nhưng bên cạnh đó cũng cần thấy rằng, bất cứ nền bóng đá nào cũng có vấn đề nội tại riêng, khó khăn riêng, lúc này hay lúc khác, giải quyết tốt và không thể giải quyết tốt.

Chẳng hạn, Brazin không thiếu cầu thủ xuất sắc nhưng luôn thiếu một chiến lược gia xứng tầm. Đức đang trải qua quá trình chuyển giao thế hệ nên thi đấu không tốt dù họ không thiếu thầy giỏi. Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiệm cận trình độ thế giới nhưng chưa có thầy giỏi để đưa đội nhà tiến xa hơn trước. Những đội như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam…thì đang thiếu từ nhân lực, vật lực, trình độ cả trò lẫn thầy nên cần phải có chiến lược dài hơi để nâng chất lượng cầu thủ, từ đào tạo trẻ, tăng cường cọ xát, chất lượng giải đấu quốc gia…Và cũng không thể quên được vấn đề đoàn kết, chiến đấu vì màu cờ sắc áo như cách các ông Calisto hay Park Hang-seo đã làm được như một bài học rất đích đáng cho những người kế tiếp.

Chuyện nhiều trụ cột do chấn thương (có người nói chấn thương giả?) không tham dự ASIAN Cup mới đây, là điều không thể xem nhẹ hay bỏ qua dù chỉ có 1% sự thật. Bài học nóng hổi về “ngón tay gãy” của Son Heung-Min ở Đội tuyển Hàn Quốc đang được cả thế giới quan tâm, quan ngại là bài học quý, bài học nằm lòng cho bất cứ đội bóng hàng đầu châu lục hay đội bóng vùng trũng nào. Chuyên môn tốt thôi là không đủ. Ý chí không thôi cũng không thể. Mà phải là sự kết hợp hài hòa, nhuẫn nhuyễn để tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh đường dài.

Tin mới