Con ơi, đổ rác!

(Baonghean) - Trẻ em là tương lai của nhân loại, chẳng thế mà chúng ta vẫn luôn tâm niệm phải dành những điều tốt đẹp  nhất cho các em. Thử suy  nghĩ về những thứ chúng ta có thể kế thừa lại cho thế hệ mai sau, xét thấy không điều gì có thể tồn tại lâu dài hơn rác. Quả vậy!

Giả thiết một ông bố điển hình ngày  nay  uống trung bình mỗi ngày  một lon bia, hút mỗi tuần hai bao thuốc lá và đọc hai tờ báo mỗi sáng, vị chi một năm lượng rác thải tối thiểu mà họ thải ra gồm 365 lon bia, 105 vỏ bao thuốc lá và 730 tờ báo cũ.

Còn về phía các bà mẹ, họ tiêu thụ trung bình mỗi ngày  một hộp  sữa rưỡi và sử dụng khoảng 5 bao ni-lông khi đi chợ hoặc mua sắm, mỗi tháng một nửa can dầu ăn thì vị chi mỗi năm sẽ thải ra môi trường 548 hộp  giấy đựng sữa, 183 can nhựa và 1.825 bao ni-lông.

Tạm cho là họ giữ nguyên mức độ tiêu thụ này  trong vòng 30 năm, kết lại, cả quá trình trên người bố “sở hữu” tổng tài sản lên đến 10.950 lon bia, 3.150 vỏ bao thuốc lá và 21.900 tờ báo, người mẹ cũng không chịu thua kém với 16.440 hộp  giấy, 5.490 can nhựa và 54.750 bao ni-lông.

Biết rằng để được tiêu huỷ hoàn toàn, một lon bia mất từ 80 đến 200 năm, một bao thuốc lá mất từ 1 đến 5 năm, một tờ báo mất 2 đến 4 tuần , một hộp  giấy mất 5 năm, một can nhựa mất 500 năm, còn một bao ni-lông cũng mất đến vài trăm năm. Vậy kết luận, khi hai người này qua đời, vẫn để lại cho con mình, thậm chí là cháu, chắt, chút, chít,... và... một khối lượng rác khổng lồ chưa tiêu huỷ hết. Trên đây ta chỉ mới liệt kê dăm ba loại rác thải cơ bản, chứ kể hết ra thì không biết đến mấy  mươi đời sau con cháu chúng ta mới ngóc đầu lên được khỏi biển rác. Nghĩ mà rùng mình!

Thực tế cho thấy rác thải là vấn đề nổi cộm không chỉ ở các đất nước đang phát triển như Việt Nam mình mà ngay cả ở những nước tư bản có bề dày công nghiệp. Những bất cập  trong vấn đề giải quyết, xử lí rác thải nằm ở nhiều mắt xích của chuỗi các giai đoạn sản xuất - tiêu thụ, đào thải - tái chế/tiêu huỷ. Trách nhiệm thuộc về nhiều bên, có thể là ở nhà sản xuất, do quá trình sản xuất, gia công chưa được kiểm soát đúng mức, làm rò rỉ nhiều chất thải độc hại ra môi trường dân sinh. Cũng không thể bỏ qua sự thiếu ý thức của người dân, khi mà việc đổ rác ngay cả ở nơi có biển “Cấm đổ rác” đã thành chuyện thường ngày ở huyện, và dân mình nhiều khi vẫn thản nhiên ngồi ăn ở vài mét cách đống rác bốc mùi nồng nặc.

Cuối cùng, quá trình xử lý rác   thải tất nhiên còn lạc hậu, chưa tương xứng với lượng rác thải ra, nên tình trạng tồn đọng rác hay rò rỉ nước thải từ các bãi rác vẫn luôn là vấn đề nhức nhối những năm qua. Chẳng thế mà con em chúng ta, dù được ăn ngon, mặc đẹp  hơn bố mẹ chúng ngày xưa mà sao ngày càng nhiều bệnh tật.

Chung quy lại, cũng chỉ là quy luật nhân - quả, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” chứ có gì đâu. Không hiểu ông bố, bà mẹ ở ví dụ đầu bài sẽ nghĩ gì khi biết rằng chỉ một cử chỉ nhỏ nhặt như vứt vỏ lon bia bừa bãi, dùng bao ni-lông vô tội vạ, lại có thể lấy đi hơi thở trong lành của con em mình đến tận mấy trăm năm về sau.

Sự vô ý  thức trên là sự vô ý  thức chung của toàn xã hội, không hẳn vì chúng ta không hiểu biết về cái hại của nó, mà vì thiếu hiểu biết cặn kẽ, triệt để rằng những hành vi trên của ta có hại và có hại đến mức nào, lúc nào. Tài nguyên chúng ta để lại cho con em mình không chỉ là rác, mà hơn cả thế, là văn hoá rác thải mà ta tiêm nhiễm, giáo dục cho chúng.

Nếu ta ngang nhiên vứt rác bừa bãi trước mặt con trẻ, thậm chí cổ xuý chúng làm theo, thì chính là ta đang làm ô nhiễm không chỉ thế giới của chúng mai sau, mà cả thế giới của con em chúng, của mai sau và mai sau nữa. Rốt cuộc, trong tất cả những điều tốt đẹp mà ta có thể dành cho con em mình, hoá ra còn bao gồm cả trách nhiệm quan trọng là đổ vỏ cho những ông bố bà mẹ ăn ốc, mà như thế thì thật là...chẳng ra đâu vào đâu!

Hải Triều (Email từ Paris)

Tin mới