Công ước 1982 thiết lập các tổ chức quốc tế riêng về luật biển

(Baonghean) - Một trong những đặc thù của Công ước 1982 so với các Công ước khác ở chỗ Công ước 1982 còn là điều lệ thành lập của 3 tổ chức quốc tế mới là Cơ quan quyền lực đáy đại dương, Toà án quốc tế về luật biển và UB Ranh giới thềm lục địa.
 
+ Cơ quan quyền lực đáy đại dương có trụ sở tại Jamaica, được thành lập năm 1994, ngay sau khi Công ước có hiệu lực. Tuy nhiên cơ quan này chỉ trở thành tổ chức hoạt động độc lập từ năm 1996. Cơ quan có chức năng kiểm soát các hoạt động tiến hành trong Vùng, đặc biệt là quản lý các tài nguyên của Vùng theo đúng quy định của Công ước 1982. Cơ quan quyền lực có quyền định ra các quy tắc, quy định và thủ tục thích hợp cho việc sử dụng Vùng vào mục đích hoà bình, ngăn ngừa, hạn chế các ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ sự sống con người... Tất cả các quốc gia thành viên Công ước 1982 về luật biển là thành viên đương nhiên của Cơ quan quyền lực, được thành lập trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền của tất cả các thành viên. Cơ quan chính của Cơ quan quyền lực này là Đại hội đồng, Hội đồng, Ban Thư ký và Xí nghiệp.
 
+ Toà án quốc tế về luật biển có trụ sở chính đặt tại Hamburg (LB Đức), bắt đầu hoạt động từ năm 1996, số thành viên của Toà án bao gồm 21 quan toà độc lập, được tuyển chọn trong số các nhân vật nổi tiếng nhất về sự công bằng và liêm khiết, có năng lực rõ ràng trong lĩnh vực luật biển. Toà được để ngỏ cho tất cả các quốc gia thành viên cũng như các thực thể không phải là quốc gia thành viên, trong tất cả các trường hợp liên quan đến quản lý và khai thác Vùng di sản chung của loài người, hay cho mọi tranh chấp được đưa ra theo mọi thoả thuận khác giao cho Toà án một thẩm quyền mà tất cả các bên trong vụ tranh chấp chấp nhận.
 
+ UB Ranh giới thềm lục địa là cơ quan chuyên môn do Công ước 1982 lập ra theo điều 76 và Phụ lục II của Công ước 1982 trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. UB được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997 có nhiệm vụ xem xét và kiến nghị các quốc gia ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo điều 4, Phụ lục II, quốc gia ven biển nào dự định xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa ngoài 200 hải lý theo điều 76 cần gửi cho UB này khi có điều kiện và trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong một thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia này, các đặc điểm của ranh giới này với những dự liệu khoa học và kỹ thuật để chứng minh. Tuy nhiên do những khó khăn về mặt kỹ thuật, Hội nghị các nước thành viên Công ước 1982 đã quyết định lui thời hạn này đến năm 2009
(còn nữa)

Phòng Bạn đọc - st >

Tin mới