Cựu vận động viên Nghệ An tâm huyết với dạy bơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nghỉ thi đấu thành tích cao cách đây hơn 17 năm nhưng Ngô Văn Đoàn - Cựu vận động viên lặn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của phong trào bơi lội, phòng chống đuối nước của địa phương.

Từ vận động viên lặn

Sinh năm 1986 trong một gia đình có 6 anh chị em ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu), Ngô Văn Đoàn kể rằng, so với bạn bè cùng lứa ở nông thôn, anh trải qua tuổi thơ khá êm ấm. Có bố là cán bộ Sở Thể dục thể thao (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), mẹ là giáo viên tiểu học, lại là con trai một và là con út trong nhà nên anh được cả nhà cưng chiều.

Vì ở quê Đoàn có khá nhiều kênh mương, sông hồ nên người bố của Đoàn rất chú trọng đến việc trang bị cho các con của mình kỹ năng bơi lội để phòng chống tai nạn đuối nước. Những dịp nghỉ hè, chị em Đoàn thường được bố cho vào thành phố Vinh học bơi Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh). Đến năm lớp 6, Đoàn được vào Vinh học bơi. Hằng ngày đến bể vừa tập, vừa xem các anh chị vận động viên đội tuyển bơi - lặn tập luyện, sau gần một tháng, Đoàn đã biết bơi thành thạo.

bna-ngo-van-doan-huong-dan-boi-cho-hoc-sinh-7207.jpg
Ngô Văn Đoàn hướng dẫn tập bơi cho học trò. Ảnh: Minh Quân

Nhận thấy tố chất nổi trội của Đoàn ở môn bơi, các huấn luyện viên ở Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao đặt vấn đề với bố con Đoàn để nhận vào đào tạo thành vận động viên bơi lội của tỉnh nhà. Nhưng vì không quen sống xa nhà và tự lập nên phải 2 năm sau, năm 2000, lúc học xong lớp 8, Đoàn mới nhận thấy việc trở thành vận động viên bơi lội là phù hợp với bản thân mình.

Tháng 8/2000, Đoàn được tuyển chọn vào bộ môn bơi, lặn thuộc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An. Và cậu bé quê Diễn Châu được huấn luyện viên Hồ Phi Lược - phụ trách môn lặn của Trung tâm định hướng theo đuổi môn lặn.

“Ngay buổi đầu em vào Trung tâm, vào ngày 25/8/2000, thầy Lược nói với em: “Thầy muốn tuyển em vào từ lúc em mới học biết bơi cách đây 2 năm. Nhưng giờ cũng chưa muộn, thầy trò ta cùng cố gắng giành nhiều thành tích ở môn lặn nhé”. Lời động viên chân tình, ấm áp đó của thầy đã tiếp thêm cho em rất nhiều sự tự tin trên con đường trở thành vận động viên thành tích cao”, Ngô Văn Đoàn kể.

Dù được đào tạo tập trung muộn so với hầu hết các vận động viên năng khiếu khác nhưng Ngô Văn Đoàn đã sớm thể hiện được khả năng của mình và trở thành một trong những vận động viên được định hướng đào tạo trọng điểm của môn lặn tỉnh nhà. Một năm sau khi vào Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh, năm 2021, Đoàn giành 2 tấm Huy chương Vàng ở các cự ly 400m, 800m vòi hơi chân vịt tại Giải bơi, lặn vô địch các câu lạc bộ quốc gia khu vực 1 được tổ chức tại Hà Nội. Liên tiếp 2 năm sau đó, cũng tại giải đấu này, Đoàn tham gia ở cả 4 cự ly 200m, 400m, 800m và 1.500m vòi hơi chân vịt và đều giành được huy chương Vàng.

Tuy giành được những thành tích ấn tượng tại Giải bơi, lặn vô địch các câu lạc bộ quốc gia nhưng Ngô Văn Đoàn lại không có duyên với Giải vô địch bơi, lặn quốc gia - Giải đấu cấp độ cao nhất ở bộ môn bơi, lặn. Liên tiếp từ năm 2003 - 2006, tại giải đấu này (tính cả Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2006), thành tích cao nhất mà anh giành được là 1 tấm Huy chương Bạc vào năm 2005.

Theo huấn luyện viên Hồ Phi Lược, Ngô Văn Đoàn một trong những học trò để lại cho ông nhiều tiếc nuối nhất, bởi vì nhiều nguyên nhân khách quan mà thành tích thi đấu không tương xứng với năng lực.

Tháng 11/2006, sau kỳ Đại hội Thể dục thể thao không đạt được thành tích như kỳ vọng, Ngô Văn Đoàn xin nghỉ thi đấu.

Dù sự nghiệp vận động viên của em chỉ kéo dài hơn 6 năm nhưng đó là quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm. Vui nhất là những giây phút vui đùa sau những buổi tập nặng cùng anh chị em trên bể bơi, những buổi hoàn thành tốt giáo án khắc nghiệt của cự ly 1500m, được thầy báo đạt được thành tích xấp xỉ giành huy chương, những lúc được nhận từng dụng tập luyện như quần bơi, kính bơi, chân vịt…, rồi những dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, được ngồi bên nhau nghe lời tâm sự của thầy.

Những bên cạnh đó cũng có những kỷ niệm buồn là những ngày mình không chuẩn bị tốt cho buổi tập, không hoàn thành giáo án, bơi không đạt yêu cầu, phạt tập thêm, phạt bơi đến giữa trưa.

- Cựu vận động viên lặn Ngô Văn Đoàn.

…đến “thầy Đoàn dạy bơi”

Sau khi nghỉ thi đấu, Ngô Văn Đoàn theo học ngành Giáo dục thể chất của Trường Đại học Vinh. Tốt nghiệp, Đoàn đã được Ban Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh nhận về để làm huấn luyện viên môn bơi. Trên cương vị mới, Đoàn phát hiện ra những vận động viên tốt, dẫn dắt các em học sinh đạt nhiều huy chương tại các giải bơi, lặn trẻ quốc gia như Nguyễn Thị Hương, Đậu Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Văn Phú...

Đến giữa năm 2016, vì điều kiện không thuận lợi nên Ngô Văn Đoàn đã xin nghỉ công tác huấn luyện. Ngoài dạy bơi hợp đồng tại các trường học, nhờ phong trào học bơi cho con em được người dân chú trọng, Đoàn có thêm việc làm tại các sơ sở kinh doanh bể bơi trên địa bàn thành phố. Cái tên “thầy Đoàn dạy bơi” nhờ đó được đông đảo học sinh, phụ huynh trên địa bàn thành phố Vinh và các huyện lân cận biết đến. Những học sinh tham gia khóa học của anh đều tự tin, mạnh dạn và tốt nghiệp các khóa học đều có kỹ năng bơi rất tốt.

Điều quan trọng nhất của học bơi là đề phòng được tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp trẻ biết bơi vẫn xảy ra tình trạng đuối nước, do không có kỹ năng xử lý tình huống tai nạn dưới nước. Do đó, học bơi thôi chưa đủ, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi.

Cựu vận động viên Ngô Văn Đoàn

Tháng 4/2019, Đoàn được UBND thành phố Vinh tuyển dụng vào làm giáo viên giảng dạy Giáo dục thể chất tại Trường THCS Hưng Chính. Tuy nhiên, từ năm 2017, anh đã làm huấn luyện viên cho đội tuyển bơi của thành phố tham gia Giải bơi Đường đua xanh hằng năm và luôn giành giải Nhất toàn đoàn. Đặc biệt, tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An lần thứ IX năm 2022, đội tuyển bơi của thành phố đã giành đến 9 Huy chương Vàng để “thống trị” bộ môn này.

Cũng dưới sự huấn luyện của Ngô Văn Đoàn, tại các giải bơi phong trào của ngành Giáo dục và Đào tạo, Đội tuyển bơi của thành phố Vinh cũng luôn đứng đầu về số lượng học sinh tham gia cũng như thành tích đạt được. Ví như năm 2023 giành 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng tại Giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc; giành 1 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng tại Giải thể thao học sinh THPT toàn quốc.

bna-ngo-van-doan-giua-cung-cac-hoc-tro-tai-giai-boi-cuu-duoi-thanh-thieu-nhi-hoc-sinh-toan-quoc-nam-2023-5044.jpg
Ngô Văn Đoàn (giữa) cùng các học trò tại Giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc năm 2023. Ảnh: NVCC

Hiện Đoàn cũng mở một lớp dạy bơi tại nhà và là chủ nhiệm của Câu lạc bộ Kình ngư. Anh tâm sự, với các lớp dạy bơi, anh không quá chú tâm để phát triển “kinh tế” mà còn hy vọng có thể giúp ích cho xã hội, cho cộng đồng để phòng, chống đuối nước, hạn chế những nỗi đau, mất mát do đuối nước gây ra. Suy nghĩ như vậy nên anh luôn tận tình chỉ bảo, uốn nắn nhắc nhở các em từng động tác bơi lội, rèn luyện thể chất để nâng cao sức khỏe cũng như hướng dẫn kỹ năng phòng tránh đuối nước.

Hiện nay, Ngô Văn Đoàn đang có một gia đình yên ấm với một nữ cựu vận động viên võ thuật, cùng con gái và con trai đang học tại Trường Tiểu học Hưng Dũng (thành phố Vinh). Hai cháu được bố tập bơi từ nhỏ, nay đã là những kình ngư nhí trong phong trào bơi học sinh toàn quốc. Cựu vận động viên môn lặn này cũng luôn trăn trở về sự phát triển của bộ môn bơi, lặn nói riêng và thể thao tỉnh nhà nói chung.

bna-nvd-9817.jpg
Ngô Văn Đoàn (thứ hai từ trái sang) cùng các con nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh vì đạt thành tích cao tại Giải Bơi cứu đuối thanh thiếu nhi, học sinh toàn quốc năm 2023. Ảnh: Minh Quân

“Để phát triển hơn nữa phong trào bơi lội, cần phải có thêm nhiều bể bơi, bể bơi bốn mùa, có thêm các CLB bơi bán chuyên nghiệp tập luyện quanh năm, tổ chức nhiều giải thi đấu hơn nữa, để từ đó phát hiện ra những gương mặt vận động viên năng khiếu, tạo nguồn cho đội tuyển bơi, lặn thành tích cao của tỉnh”, Ngô Văn Đoàn chia sẻ./.

Tin mới