Đẩy lùi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, các cấp, ngành từ Trung ương cũng như tỉnh Nghệ An đã có sự vào cuộc tích cực trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nhằm hỗ trợ kịp thời, bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm đối tượng này.

Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Như Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật các tỉnh miền Trung.

P.V: Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là một trong những đối tượng dễ tổn thương của xã hội. Họ có thể gặp bạo lực mà không biết chia sẻ cùng ai và khả năng bị bạo lực trên cơ sở giới là rất cao. Bà có thể cho biết rõ hơn?

Bà Trần Thị Như Hoa: Theo thống kê của các ngành liên quan, cả nước hiện có khoảng 6,5 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 3,4 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái.

Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông thứ 4 trên cả nước, điều đó nghĩa là số lượng người khuyết tật cũng rất đông. Theo thống kê, số người bị người khuyết tật trên địa bàn tỉnh là hơn 130.000 người, trong đó phụ nữ và trẻ em gái chiếm 48%.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từng ước tính: Người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp 3 lần so với người không khuyết tật, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp 3 lần so với nam giới khuyết tật. Ðây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử "kép" vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản.

bna_Chị Trần Thị Như Hoa - Ủy viên BTV Hội NKT tỉnh Nghệ An, Trưởng Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền Trung.jpg
Bà Trần Thị Như Hoa - Ủy viên BTV Hội NKT tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền Trung. Ảnh: NVCC

Cũng như phụ nữ và trẻ em gái nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cũng phải chịu các dạng bạo lực giới cơ bản, gồm: Bạo lực tinh thần; bạo lực thể chất; bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Bên cạnh đó, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật còn thường phải chịu thêm các hình thức bạo lực đặc thù mà ít phụ nữ gặp phải như: Bị hạn chế thuốc men hoặc các thiết bị tập luyện, chữa trị, các thiết bị hỗ trợ dạng khuyết tật; bị hạn chế không gian hoạt động bao gồm cách ly, nhốt riêng biệt, không cho tham gia vào các tổ chức cộng đồng, bị buộc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội; bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục, bị người chăm sóc lạm dụng tình dục, bị hiếp dâm khi không làm chủ được bản thân…

Những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông phản ánh rất nhiều vụ việc bạo lực gia đình, bạo lực tình dục với phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng. Đặc biệt, nhóm phụ nữ và trẻ em gái khiếm thính, khuyết tật trí tuệ thường bị quấy rối, xâm hại tình dục ở khắp mọi nơi do hạn chế về khả năng giao tiếp. Trong một nghiên cứu về bạo lực tình dục đã chỉ rõ cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục. Phần lớn phụ nữ khuyết tật khi bị bạo lực, xâm hại chủ yếu chia sẻ với bố mẹ, anh chị em trong gia đình mà không dám chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan.

Ngoài ra, trong kỷ nguyên số phát triển một cách nhanh chóng và khó kiểm soát, phụ nữ và trẻ em gái nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng cũng dễ bị bạo lực trên môi trường mạng (như bị theo dõi, quấy rối…). Tương tự như khi trải qua các hình thức bạo lực khác, các nạn nhân có thể trở nên lo sợ, bị trầm cảm và có thể nghĩ đến chuyện tự tử.

P.V: Vậy, để bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, thời gian qua pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề này đã có sự điều chỉnh ra sao? Sự vào cuộc của các cấp, các ngành như thế nào?

Bà Trần Thị Như Hoa: Cùng với sự phát triển của xã hội, nhằm khuyến khích người khuyết tật nói chung, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng ở nước ta ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Việt Nam là một trong những nước có những ký kết quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật từ rất sớm, chẳng hạn như: Công ước CEDAW về xoá bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Công ước CRC về quyền trẻ em năm 1989; Công ước CRPD về quyền của người khuyết tật năm 2006… Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới; các cấp, các ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông các bộ luật này cùng các các văn bản liên quan.

bna_thảo luận.jpg
Chuyên gia nước ngoài tham gia tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống bạo lực giới cho phụ nữ khuyết tật ở Nghệ An. Ảnh: NVCC

Năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) đã ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Hoạt động chính của mạng lưới gồm: Các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới nữ khuyết tật nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật cấp quốc gia về phòng, chống bạo lực giới với phụ nữ trẻ em gái khuyết tật. Bên cạnh đó, kết nối, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tại Việt Nam như: Xây dựng tổng đài tư vấn/đường dây nóng để phản ánh, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả; xây dựng trang mạng xã hội để cộng đồng phụ nữ khuyết tật giao lưu, chia sẻ những thông tin bổ ích, ý nghĩa, có sức lan tỏa rộng rãi.

Ngoài ra, là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng như xây dựng tài liệu tuyên truyền trên mạng xã hội dành cho phụ nữ khuyết tật; tổ chức các cuộc truyền thông tại cộng đồng, trong đó đội ngũ mạng lưới nữ khuyết tật trực tiếp tuyên truyền, vận động tại cộng đồng thông qua các câu lạc bộ người khuyết tật...

P.V: Được biết, Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An là một trong những tổ chức hội địa phương rất chú trọng đến vấn đề hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Bà có thể cho biết cụ thể hơn?

Bà Trần Thị Như Hoa: Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An hiện có 12.000 hội viên, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm gần 50%. Những năm gần đây, Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An đã tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức nhiều khóa tập huấn về phòng, chống bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cho các tổ chức hội viên của hội. Thông qua những kiến thức và kỹ năng phòng tránh bạo lực giới được trang bị, phụ nữ khuyết tật hiểu hơn về quyền của bản thân, cách phòng tránh cũng như biết tìm người hỗ trợ.

Năm 2019, Hội đã kết hợp với Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng thực hiện dự án: “Nâng cao năng lực ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” do Quỹ thúc đẩy phát triển tư pháp của Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án đã tổ chức nhiều đợt tư vấn pháp lý trực tiếp cho hàng trăm người khuyết tật và thân nhân của người khuyết tật về thực trạng bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu bạo lực trên cơ sở giới dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” ở các địa phương…

bna_hội thảo.jpg
Hội Người khuyết tật Nghệ An cùng đại diện các tổ chức, ban, ngành tham gia Hội thảo Tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trong vấn đề bạo lực giới tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Nghệ An hiện đã thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật cấp tỉnh và 6 câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật ở thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Thanh Chương, Quỳ Hợp. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật, chị em trong ban chủ nhiệm các câu lạc bộ có thể nắm bắt được tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ khuyết tật, tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến bạo lực giới, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật…

P.V: Với tư cách Trưởng ban Điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật các tỉnh miền Trung, bà có thể cho biết một vài câu chuyện liên quan đến việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bà Trần Thị Như Hoa: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xảy ra một số vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ khuyết tật đã được cơ quan chức năng phát hiện và đưa ra ánh sáng. Như năm 2019 có vụ việc một phụ nữ bại liệt ở xã Diễn Tân (Diễn Châu) đã bị một đối tượng là cán bộ thư viện trường học xâm hại; đối tượng sau đó đã phải chịu bản án 2 năm tù. Năm 2021 cũng xảy ra vụ việc một phụ nữ bị câm ở xã Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên) bị một đối tượng từng có tiền án hiếp dâm…

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều câu chuyện về bạo lực mà phụ nữ và trẻ em khuyết tật phải gánh chịu. Đa số các nạn nhân đều chọn cách im lặng không dám lên tiếng vì tâm lý mặc cảm tự ti. Tuy nhiên, khi tham gia các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực giới…, trong không khí tin cậy, thoải mái thì các vụ việc mới được các chị kể ra, trong đó có nhiều câu chuyện mà theo các chị là “lần đầu được tiết lộ”. Như câu chuyện của một chị nhiều năm liền bị người thân trong gia đình coi thường, dùng những từ ngữ xúc phạm; những câu chuyện của một số phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục từ chính người chồng của mình, chuyện về những lời bình phẩm khiếm nhã, những tin nhắn dụ dỗ hay xúc phạm trên mạng xã hội mà các chị phải chịu đựng…

Để phòng chống những vụ việc trên, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Nghệ An đã tổ chức các buổi sinh hoạt, tư vấn nhằm giúp chị em nhận diện được các dạng bạo lực, qua đó để phòng tránh. Câu lạc bộ còn là cầu nối đến các cơ quan liên quan như Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, Hội LHPN tỉnh để giúp các chị được hỗ trợ kịp thời.

P.V: Để phòng tránh, đẩy lùi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh những giải pháp gì?

Bà Trần Thị Như Hoa: Bạo lực từ tinh thần đến thể chất đều là những vết thương không bao giờ lành với những nạn nhân, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật. Do vậy, chúng ta cần hành động và làm nhiều việc có ý nghĩa cho sự phát triển và hòa nhập của phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Trong đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề khuyết tật và giới. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới đối với mọi người trong xã hội. Nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực của người phụ nữ khuyết tật trong gia đình và xã hội thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn dành riêng cho phụ nữ. Xây dựng các câu lạc bộ, tư vấn đồng cảnh, trò chuyện thân mật giúp chị em có thêm tự tin lên tiếng khi cần có sự hỗ trợ hoặc giúp đỡ từ chính cộng đồng.

bna_Chị Trần Thị Như Hoa hướng dẫn nghề may cho phụ nữ khuyết tật.jpg
Bà Trần Thị Như Hoa hướng dẫn nghề may cho phụ nữ khuyết tật. Ảnh: NVCC

Cùng với đó, cần tăng cường sự liên kết đến các cơ quan có thẩm quyền cấp cơ sở như phụ nữ xóm, hội chữ thập đỏ, xóm trưởng... nắm được hoàn cảnh, khó khăn của phụ nữ và trẻ em khuyết tật để có những biện pháp phòng ngừa bạo lực một cách kịp thời. Hội Người khuyết tật cần tăng cường phối hợp với Hội LHPN các cấp để quan tâm lồng ghép vấn đề khuyết tật trong hoạt động của phụ nữ nói chung. Cần bổ sung, lồng ghép vào các đạo luật hiện hành những chính sách đặc thù nhằm bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật khỏi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực giới.

P.V: Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tin mới