Dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An có giảm nhưng diễn biến vẫn phức tạp

(Baonghean.vn) - Xu hướng có giảm nhưng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn vẫn rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp nhất ở Yên Thành với 25 xã, Kỳ Sơn 17 xã, Quỳnh Lưu 12 xã, Diễn Châu 9 xã, Đô Lương 5 xã, Quế Phong 5 xã, TP. Vinh 5 xã, phường.

Đây là thông tin được ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh Nghệ An, diễn ra sáng 23/7 dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh sáng 23/7. Ảnh: Thu Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh sáng 23/7. Ảnh: Thu Giang

Tiêu hủy gần 1% tổng đàn lợn

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, tính đến 14h ngày 22/7, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 155 xã, 18 huyện của tỉnh Nghệ An, số lợn đã phải tiêu hủy là 8.500 con, tương đương 0,9% tổng đàn lợn của tỉnh. Đến thời điểm này, 65 xã đã công bố hết dịch, nhưng trong đó 5 xã tái dịch, nên hiện vẫn còn 95 xã của 12 huyện còn có dịch.

“Xu hướng có giảm nhưng dịch vẫn rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp nhất ở Yên Thành với 25 xã, Kỳ Sơn 17 xã, Quỳnh Lưu 12 xã, Diễn Châu 9 xã, Đô Lương 5 xã, Quế Phong 5 xã, TP. Vinh 5 xã, phường...” - ông Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu.

Cũng theo ông Hiếu, hiện 6 huyện đã công bố hết dịch, gồm: Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Đáng chú ý, 3 địa phương gồm thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn và thị xã Cửa Lò không có dịch ngay từ đầu, chứng tỏ đã làm rất tốt công tác phòng dịch trong thời gian qua.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ AN kiểm tra điểm trực chốt dịch tả lợn châu Phi tại xóm Hoa Tây, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc ngày 11/6. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ AN kiểm tra điểm trực chốt dịch tả lợn châu Phi tại xóm Hoa Tây, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc ngày 11/6. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng, ngành chức năng tỉnh đã lập hàng chục trạm kiểm dịch động vật, kiểm soát toàn bộ lợn lưu thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện tiêu độc, khử trùng, kêu gọi người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, thông tin tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.  

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý ghi nhận việc tốc độ lây lan dịch tả lợn châu Phi giai đoạn này đã chậm lại, kiềm chế được về mặt số lượng, cho thấy các biện pháp, giải pháp đưa ra mang lại hiệu quả, đồng thời đề nghị tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch.

Gần 11.000 ha cây trồng vụ hè thu bị hạn

Trong tháng 7, ngành Nông nghiệp chủ yếu tập trung chăm sóc cây trồng vụ hè thu và sản xuất vụ mùa. Tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu ước đạt hơn 74.691 ha, tăng 3,64% so với cùng kỳ, bằng 97,96% so với kế hoạch.

Với cây lúa, tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu ước đạt hơn 59.666 ha/KH 59.000 ha, trong đó có gần 52.823 ha lúa thuần, chủ yếu là lúa chất lượng cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo kết quả gieo trồng vụ Hè - Thu và vụ Mùa. Ảnh: Thu Giang
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Nghĩa Hiếu báo cáo kết quả gieo trồng vụ hè  thu và vụ mùa. Ảnh: Thu Giang

Trong khi đó, sản xuất vụ mùa tập trung ở các huyện miền núi không chủ động được nguồn nước như các huyện: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phòng, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương…

Ước tính đến ngày 8/7, toàn tỉnh gieo cấy, trỉa, vãi ước đạt 20.721/36.000 ha lúa, đạt 57,56% kế hoạch đề ra, so với cùng vụ chỉ bằng 59,14% và so với tiến độ năm trước cũng chỉ bằng 88,56% do nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiều diện tích khô hạn, không có nước làm đất gieo trỉa…

“11.000 ha lúa rẫy ở miền núi gieo 1 lần nhưng nắng quá không lên được, chúng tôi đã chỉ đạo chuyển sang trồng ngô, như vậy khả năng diện tích lúa không đạt” - ông Hiếu nói.
Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT và Xí nghiệp thủy lợi huyện Hưng Nguyên kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Hưng Thắng. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT và Xí nghiệp thủy lợi huyện Hưng Nguyên kiểm tra tình hình hạn hán ở xã Hưng Thắng. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá trong bối cảnh thời tiết có nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực gieo cấy vụ hè thu đạt diện tích tốt, song Sở NN&PTNT thời gian tới cần tiếp tục quan tâm chăm sóc các mùa vụ để đạt sản lượng cao.

Sau khi nghe “tư lệnh” ngành Nông nghiệp trình bày thực trạng và kế hoạch đối với 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng cuối năm, đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh, để ngành đạt kịch bản tăng trưởng được giao, cần phải có giải pháp ngay để tăng gần gấp đôi công suất khai thác lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, trong nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản cần rà soát lại, đề đạt giải pháp, tính toán để tập trung chỉ đạo mạnh, nhất là trong bối cảnh mùa bão lụt sắp tới gần.

Tin mới