Ụ nổi bán sắt vụn cũng hàng trăm tỷ?

Sáng 24/4, TAND Tối cao tiếp tục phiên xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải VN.
Luật sư  phát biểu trong phiên tòa
Luật sư phát biểu trong phiên tòa
8h00’, tiếp tục phần tranh tụng tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng, luật sư Nguyễn Thị Kim Ngọc, bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng HĐXX xét lại hậu quả của vụ án việc thiệt hại gần 366, bản kết luận giám định nhiều cái không chuẩn, nếu tính gộp tất cả lại thì tìm ở đâu ra con số hơn 366 tỷ đồng, trong khi ụ nổi đang ở Việt Nam, nếu ụ nổi đem bán sắt vụ thì giá trị của nó cũng rất cao, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, thực tế có những con tàu đem bán sắt vụn cũng lên đến hàng trăm tỷ. Do vậy, con số thiệt hại không đến mức gần 366 tỷ đồng như hồ sơ vụ án đã nêu.
“Tại phiên tòa, vẫn còn nhiều ý kiến như của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính chưa thống nhất việc ụ nổi là tàu biển, việc mua ụ nổi là do nghị quyết của HĐQT quyết định, các bị cáo chỉ là người thực hiện để làm tròn nhiệm vụ, mong HĐXX xem xét”, luật sư Hưng nêu quan điểm.
Đối với hành vi chia nhau 28 tỷ đồng của bị cáo Sơn và Dũng, Phúc, Chiều chỉ là trục lợi chứ không phải phạm tội tham ô. Về mặt dân sự mong HĐXX xem xét giảm phần bồi thường cho bị cáo Trần Hải Sơn.
8h20’, luật sư Phạm Thanh Sơn bào chữa cho bị cáo Trần Hải Chiều cho rằng: "Tôi không thấy bị cáo Chiều thực hiện việc cố ý làm trái, vì Vinalines đã nhận được chỉ thị, điều hành của lãnh đạo như ông Dũng và ông Phúc. Tuy nhiên, bị cáo Chiều chỉ thiếu vai trò, mức độ trong kiểm soát, đề nghị HĐXX miễn giảm tội cố ý làm trái cho bị cáo Chiều.
Còn về tội tham ô tài sản đối với Trần Hữu Chiều, việc bị cáo Chiều nhận tiền của Trần Hải Sơn, số tiền này do ông Goh (Singapore) chuyển cho thì hiện vẫn chưa xác định tiền này là của Cty AP hay của Vinalines nên không thể khẳng định các bị cáo phạm tội tham ô tài sản". 
“Việc Chiều nhận tiền của Sơn là do tiếp nhận chủ quan, trong khi tại phiên tòa Sơn vẫn khẳng định số tiền đưa cho Chiều là tiền riêng, nếu Chiều nhận tiền như vậy mà phạm tội tham ô thì ai nhận tiền của Sơn cũng đều phạm tội tham ô tài sản.
Đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm về tội tham ô của bị cáo Chiều để điều tra bổ sung. Hiện nay ụ nổi vẫn còn thì Vinalines có thiệt hại gì không? Nếu có chăng chỉ có thể nói rằng Vinalines mua đắt, vẫn thể hiện trong hóa đơn, sổ sách, còn muốn các bị cáo bồi thường thì phải tổ chức giám định xem ụ nổi có giá trị bao nhiêu lúc đó mới tính được thiệt hại và con số cụ thể để các bị cáo bồi thường.
Đề nghị HĐXX giảm mức án đối với tội làm trái, hủy án sơ thẩm với tội tham ô tài sản để điều tra bổ sung, về trách nhiệm dân sự giảm mức bồi thường đối với bị cáo Chiều" - luật sư Sơn nói.
10h, luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho các bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng, nguyên là cán bộ chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa.
Luật sư Phúc cho rằng các bị cáo đã làm đúng quy trình hải quan, quy trình hải quan thông quan là tự động nên đã làm đúng bước 1 thì bước 2,3 cũng đúng. 
Trong khi luật sư bào chữa, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn đã nhắc luật sư Phúc: “Tại phiên tòa các bị cáo đã nhận tội và xin giảm tội thì luật sư đưa ra những chứng cứ, tình tiết để giảm tội cho bị cáo, không trình bày dài dòng vì thủ tục hải quan, trình tự đã có trong hồ sơ vụ án rồi”. 
Luật sư Phúc cho rằng cần làm rõ ụ nổi có phải là tàu biển không, theo công ước HS ụ nổi có mã số riêng không phải là tàu biển. Nếu ụ nổi là tàu biển thì các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, còn ụ nổi không phải là tàu biển thì các bị cáo không không vi phạm vào Nghị định 49 quy định về việc đăng ký và mua bán tàu biển. Căn cứ vào các công văn trả lời của Bộ GTVT thì ụ nổi không phải là tàu biển mà là ụ nổi thì các bị cáo không phạm tội. Ụ nổi không phải tuân thủ các quy định về giấy phép tuổi của tàu, giấy bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. Trên thực tế ụ nổi là xưởng sửa chữa của Ba Son đã trên 100 năm nhưng vẫn hoạt động tốt. Hải quan Vân Phong đã tính đủ thuế cho việc nhập khẩu ụ nổi này nên không làm thất thoát tài sản cho nhà nước.
Mục đích của Vinalines mua ụ nổi về để sửa chữa nên hải quan không có trách nhiệm kiểm tra xem ụ nổi có hoạt động được nữa không. Việc các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho việc mua ụ nổi gần 366 tỷ đồng là không thỏa đáng vì các bị cáo không liên quan đến tiền tham ô, tiền sửa chữa trong việc mua ụ nổi. Trong khi đó tại tòa nguyên đơn dân sự (Vinalines) cũng đã nói chưa có yêu cầu bồi thường và trong hồ sơ cũng không có yêu cầu bồi thường này, vì vậy tất cả các bị cáo không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Việc chia mức bồi thường mà cấp sơ thẩm đã quy kết đối với các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét.
10h50’Hà Thị Thúy Quỳnh bào chữa cho ba bị cáo Đức, Triện, Lừng, nguyên là cán bộ hải quan. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho bị cáo Lê Văn Lừng do bị cáo đang bị bệnh thoát vị đĩa đệm, vợ bị cáo đang bị ung thư, bản thân bị cáo có nhiều năm trong quân ngũ. Thêm vào đó khái niệm ụ nổi hay tàu biển của Việt Nam chưa rõ ràng. Đề nghị HĐXX xem xét giảm tội cho cả 3 bị cáo và được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
11h6’, luật sư Nguyễn Chiến bào chữa cho 3 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan cho rằng, bản án sơ thẩm vẫn công nhận 83M là ụ nổi nên các bị cáo hải quan không thực hiện sai quy trình nhập khẩu. Vì các bị cáo hải quan đã thực hiện các thủ tục quy trình nhập khẩu ụ nổi 83M, như vậy các bị cáo không vi phạm và quy định của Nghị định 49 quy định về điều kiên nhập khẩu mua bán tàu. 
Việc hải quan Vân Phong phân loại hàng hóa ụ nổi 83M là phù hợp với công ước quốc tế HS, làm thủ tục hải quan cho thông quan ụ nổi 83M là phù hợp, việc thu thuế ụ nổi không có gì sai. Qua hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn tại phiên sơ thẩm cho rằng không đủ chứng cứ để khẳng định các cán bộ hải quan này giúp sức cho Vinalines trong việc nhập khẩu ụ nổi mà họ chỉ làm theo quy định, trình tự hải quan.
Trong hợp đồng ký kết của Vinalines với đối tác thể hiện rõ ụ nổi 83M vì đói tác cũng đã tuân thủ theo công ước quốc tế, chỉ có Vinalines và Cty AP tự thỏa thuận với nhau trong hợp đồng tạm gọi ụ nổi 83M được coi là tàu, nên tòa sơ thẩm không thể dựa vào đó để khẳng định ụ nổi 83M là tàu. Trong khi đó các cơ quan chức năng cũng đã trả lời rõ ụ nổi 83M không phải là tàu.
11h36', Tòa tạm nghỉ, 14h tòa tiếp tục tranh luận.
Theo Infonet

Tin mới