Đội tuyển Việt Nam với phương châm 'biết ta, biết địch'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Khi bóng đá Việt Nam đặt ra mục tiêu, đích đến cụ thể là tấm vé dự World Cup 2026 hoặc World Cup 2030, cả hệ thống bóng đá đang hoạt động theo một guồng quay mới, với tốc độ cao hơn, yêu cầu cao hơn và tất nhiên với cách làm khoa học hơn, hiệu quả hơn.

Trong đó, mọi ngả đường đều hướng tới hành trình của Đội tuyển Việt Nam từ Vòng loại thứ 2 và Vòng loại thứ 3, bắt đầu từ tháng 11/2023 tới.

Sở dĩ nói như vậy là bởi từ V-League 1 và 2, các đội tuyển trẻ quốc gia như U17, U20 cho đến U23 Việt Nam, nguồn cầu thủ Việt kiều… đều sẽ dồn những nhân sự tốt nhất, phù hợp nhất cho Đội tuyển Việt Nam do ông Philipe Troussier đảm trách.

tuyen-viet-nam-3-1374.jpeg

Hoàn toàn khác so với trước đây, đội tuyển quốc gia hiện nay đang khá ưu tiên cho các nhân tố trẻ, không kể họ đang thi đấu V-League 1 hay V-League 2, ở Giải hạng Nhì (V-League 3) và thậm chí ở giải trẻ U21 quốc gia như từng thấy. Cũng không giống so với trước đây, những người thường xuyên “ăn cơm tuyển” chưa chắc đã có lợi thế trước mỗi đợt triệu tập nếu không thực sự phù hợp với cách chơi mới, triết lý mới của đội tuyển. Và câu chuyện cả loạt nhân tố trụ cột dưới thời Park Hang-seo đã bị gạt ra khỏi danh sách tới 2 lần thì dĩ nhiên vô cùng khó để có tên trong hành trình Vòng loại World Cup quan trọng nhất mà đội tuyển đang dồn sức, hướng tới.

Chính ở chỗ các nhân tố bị loại là “đất trống” cho hàng loạt nhân tố trẻ mà ông Troussier không chỉ một lần gọi lên Đội tuyển Việt Nam. Thực ra, việc gọi cầu thủ trẻ lên tuyển nhưng không hoặc ít được ra sân là chuyện thường ngày ở các đội tuyển trước đây. Chính ông Park Hang-seo từng gọi Văn Toản, Văn Khang... lên Đội tuyển Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ để làm quen không khí đội tuyển, chỉ là nhân tố dự bị tầm xa được “quy hoạch” cho chặng đường dài.

Đến thời ông Troussier thì câu chuyện nhân tố trẻ mang tính chất hoàn toàn khác. Các nhân tố trẻ nổi trội như Tuấn Tài, Thái Sơn hay Văn Khang không chỉ vào sân từ ghế dự bị khi lên Đội tuyển Việt Nam mà còn được đá chính, chơi hết sức lực có thể. Trường hợp Thái Sơn chắc chắn sẽ còn được nói nhiều bởi đây chính là phát hiện của ông thầy người Pháp từ SEA Games 32 sau đó đưa từ U23 Việt Nam lên thẳng thi đấu chính thức ở Đội tuyển Việt Nam. Được rèn dũa ở V-League, thử thách qua nhiều giải đấu quốc tế cấp khu vực và châu lục, được định hướng đúng đắn trong tầm nhìn xa, những nhân tố như: Thái Sơn, Tuấn Tài, Văn Khang… mới chính là trụ cột trong đội hình chinh phục tấm vé danh giá mà bóng đá Việt Nam hướng tới từng giờ, từng phút.

Đáng chú ý, những nhân tố trẻ là ứng viên tiềm tàng cho một suất đá chính ở Đội tuyển Việt Nam hiện nay thực ra không hề… non trẻ khi bước ra sân chơi lớn. Từ giáo án, chế độ đào tạo, tập huấn, đến thi đấu chính thức và giao hữu quốc tế của các cầu thủ trẻ đều cho thấy họ được cọ xát, học hỏi, chơi bóng ở tầm mức cao, yêu cầu khắt khe hơn so với trước đây rất nhiều lần. Nghĩa là trên thực tế, chính lứa cầu thủ trẻ này từ các lò đào tạo của Hà Nội FC, PVF, Viettel, Sông Lam Nghệ An hay Hoàng Anh Gia Lai… đều đã trải qua quá trình thi đấu tầm khu vực và châu lục, có thất bại, có thành công và khi được “đôn” lên Đội tuyển Việt Nam, mọi thứ gần như đã được chuẩn bị, được lập trình đầy đủ và chính xác so với yêu cầu khắt khe đang đặt ra. Đó là cách “biết ta” mà ông thầy người Pháp đang làm, từ lần tập trung đầu tiên, đá trận giao hữu gặp Hồng Kông-Trung Quốc và quá trình liên tục sau đó.

Rõ ràng, cách vận hành Đội tuyển Việt Nam của ông Troussier cũng cho thấy nét riêng, nét khác mà trước đây chưa từng có. Bóng đá Việt Nam từng trải qua chặng dài tìm kiếm triết lý chơi bóng theo đặc thù, đặc điểm của con người, của văn hóa xứ sở, rồi học hỏi những mô hình, những cách đi của thế giới. Học người Brazin là không sai nhưng cái chính là không ai có thể học nổi nếu không có “bản năng” chơi bóng thiên bẩm và đặc sắc như con người xứ sở Sam-ba. Học Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng rất đúng đắn vì họ gần như có điểm xuất phát giống chúng ta, khác chăng là chúng ta không thể theo kịp tốc độ đi lên kinh hoàng của họ so với thế giới, khi cầu thủ như Son Heung-min đã và đang làm mưa làm gió ở giải đấu hay nhất nhì thế giới là Giải Ngoại hạng Anh và hiện không chỉ có một Son Heung-min hay Mitoma mà rất nhiều cầu thủ châu Á đang tỏa sáng trên trời Âu…

Chuyện đáng bàn ở chỗ ngay trong tháng 10 này, chính Đội tuyển Việt Nam mà chúng ta đang nói tới với sự trẻ hóa triệt để sẽ có dịp đối đầu với Son Heung-min và nhiều tuyển thủ thi đấu châu Âu về hội quân với Đội tuyển Hàn Quốc trong một trận giao hữu. Khoảng cách có thật và rất khó rút ngắn giữa các đội bóng hàng đầu châu lục như Hàn Quốc và Việt Nam là điều ai ai cũng phải thừa nhận. Vậy tại sao ông Troussier lại chọn Trung Quốc, rồi Uzbekistan, rồi với Hàn Quốc để “thử lửa” các học trò? Phải chăng, đó là cách ông thầy cùng học trò “biết địch” qua loạt trận giao hữu quan trọng bậc nhất này?

Đội tuyển Trung Quốc là đối thủ không quá khó khi Quang Hải và đồng đội từng đối đầu 2 lần ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và có một trận thắng 3-1 đáng nhớ trên sân Mỹ Đình. Quang Hải và đồng đội chắc hẳn cũng chưa quên thất bại đầy tiếc nuối trên tuyết trắng Thường Châu hồi 2018? Còn Hàn Quốc là một thế lực thực sự mà nếu Son Heung-min thi đấu “hết chân” thì… Nghĩa là các tuyển thủ Việt Nam sau quá trình được chọn lựa, được trẻ hóa sẽ lần lượt vào trận để lấy lại chính mình so với thành tích trong quá khứ, sẽ thực sự vươn tầm ở đâu, đến mức nào bằng kết quả, con số thống kê khách quan, chính xác.

Và ai duy trì được thành tích như đã có, ai đủ sức đứng vững trước những “ngọn núi lớn” hàng đầu châu lục…, thì đương nhiên sẽ có tên trong đoàn quân tiến về Vòng loại World Cup 2026 của Đội tuyển Việt Nam. Và đoàn quân nào luôn “biết địch, biết ta” rõ ràng, thì câu chuyện “trăm trận, trăm thắng” bao giờ cũng mang tính khả thi lớn lao hơn bao giờ hết!

Tin mới