Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

Chiều 24/3, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, theo đó, cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng(Đoàn Tiền Giang) phát biểu

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, việc quy định chủ thể cung cấp thông tin chỉ có cơ quan Nhà nước là chưa đủ, cần phải quy định các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng ngân sách Nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Theo ông Vinh, thực tế nguồn tin từ các tổ chức xã hội, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ góp phần quan trọng vào việc minh bạch thông tin cũng như công tác phòng, chống tham nhũng. Nếu dự thảo Luật không quy định các chủ thể trên là không bảo đảm công bằng giữa các cơ quan và quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin cho các văn phòng bộ, văn phòng cơ quan ngang bộ. Theo đại biểu Hùng, việc quy định cho văn phòng bộ là phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bộ.

Cũng bàn về trách nhiệm cung cấp thông tin, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) kiến nghị, UBND cấp xã là nơi tiếp nhận các thông tin cấp trên, đồng thời là nơi tiếp xúc nhiều với người dân, do vậy cần trao thêm quyền cho UBND cấp xã trong việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, bảo đảm tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam

Nhiều đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật loại thông tin công dân được tiếp cận, loại thông tin công dân không được tiếp cận và loại thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), quyền tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân, tuy nhiên, cần quy định cụ thể thông tin nào là bí mật kinh doanh, nội dung nào là không bí mật và phải được cung cấp phục vụ cho cộng đồng.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị cần làm rõ hơn thuật ngữ thông tin đơn giản và thông tin phức tạp, tránh bị lạm dụng để trì hoãn cung cấp thông tin.

Còn theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), nếu chỉ giới hạn việc quy định cho phép người dân tiếp cận thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra và bỏ phần thông tin Nhà nước nắm giữ thì cần phải xem xét lại, bởi thực tiễn cho thấy trong quá trình thực hiện chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước không chỉ tạo ra thông tin mà còn nắm giữ rất nhiều thông tin.

Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, các vấn đề về trình tự, thủ tục, thời hạn cung cấp thông tin, trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác, việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, vấn đề chi phí tiếp cận thông tin, xử lý vi phạm… cũng được các đại biểu thảo luận.

Các ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin không chính xác, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng thông tin được cung cấp.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới