Đừng để "giàu" mà "dốt nát"

(Baonghean) - Tuần qua, bài “Trọc phú khoe sang” trên nhật báo ngày 6/12  của Duy Hương có số phiếu đề cử cao thứ Hai. Bài viết được độc giả đánh giá cao về ý nghĩa bình bàn sâu xa, những hàm nghĩa ẩn chứa phía sau hai từ “trọc phú” đó và cái kết nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý của tác giả dành cho những “công bộc” của dân…

TIN LIÊN QUAN
"Trọc phú" trong từ điển tiếng Việt có nghĩa là những kẻ dốt nát nhưng gặp thời mà trở nên giàu có, để rồi từ đó họ tìm mọi cách để thiên hạ thấy mình sang trọng, quý phái, tiêu xài tiền vào những trò xa xỉ, làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, nhưng họ lại chẳng để tâm đến dư luận đang nghĩ gì. Tuy nhiên, kẻ được gọi là "trọc phú" thường sẽ không giữ được lâu những tài sản "từ trên trời rơi xuống". Rất tiếc, tưởng như "trọc phú" chỉ xuất hiện trong những câu chuyện của "ngày xửa ngày xưa", thì nay, những "trọc phú" vẫn còn đất để tồn tại đến nỗi trở thành trào trào lưu. Và càng đáng tiếc, ngày nay, không thiếu những "trọc phú" là những "công bộc" của dân. Đương nhiên, họ không giống như những trọc phú vô học ngày xưa may mắn nhặt được "cục vàng" to vật vã ở giữa đường để trở thành  người giàu có; hay trong quá trình đổi mới đất nước gần đây, không ít người "bỗng" nhiên có tiền do khu đất họ ở trở nên đắt đỏ, hoặc được đền bù cao để từ một "lão nông" quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trở thành "tỷ phú chân đất". Do kiến thức có hạn, có thể có người không biết tính toán để làm sinh lời từ số tiền ấy mà chỉ lo nghĩ tới việc hưởng thụ mà trở thành "trọc phú".
Trong bài viết “Trọc phú khoe sang” của tác giả Duy Hương lại đề cập đến một thực trạng đáng buồn và đáng bàn hơn nhiều. Đó là vấn đề đặc biệt gây bức dư luận hiện nay của một số quan chức, từ to đến nhỏ - có nghĩa là từ Trung ương đến địa phương, có thể là đã nghỉ hưu hay đang đương chức… Họ sử dụng kiến thức, địa vị của mình để trục lợi những khoản tiền kếch sù từ phong bao, phong bì, "hoa hồng". Từ những khoản tiền chẳng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mà có được ấy, họ rơi vào lối sống xa hoa, hưởng lạc. Đi xe đắt tiền có khi bằng cả nghìn con trâu của nông dân; xây những ngôi biệt thự xa hoa lộng lẫy với vô số tiện nghi mà người đời phải mơ ước và có giá trị tới cả chục tỷ đồng… “Điều đáng nói ở đây là, nếu gia chủ của những tòa nhà nguy nga, lộng lẫy đó là của người dân bình thường hay các doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi… thì đó là điều mừng. Rất đáng mừng và rất đáng biểu dương, cổ vũ để cho ai ai nhìn vào đó cũng có ý thức phấn đấu lao động, sản xuất hết sức mình để có được thành quả như vậy. Nhưng buồn thay đây lại là của những người được coi là “công bộc” của dân”. Mà đã là “công bộc” thì việc đầu tiên là lo sự cho phát triển, tồn vong của dân, của nước. Hay nói đơn giản hơn là đem kiến thức của mình để lo cho cuộc sống của người dân, làm cho dân tin, dân yêu, nâng cao được uy tín của bản thân để từ đó làm cho người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị...
Còn nếu chỉ vì kiếm được những khoản tiền từ tham ô, tham nhũng… và lao vào một tư tưởng hưởng thụ tầm thường thì chẳng khác nào "trọc phú khoe sang". Và những kiểu sống ấy sớm muộn sẽ phải trả giá. Mà theo như tác giả kết luận thì: “Đó là hành vi thiếu ý thức giữ gìn hình ảnh cho bản thân, cho tổ chức và thiếu suy nghĩ. Mà cũng có thể là suy nghĩ không đến nơi, đến chốn nên làm vậy để khoe giàu, khoe sang một cách thiếu hiểu biết và bất chấp hậu quả. Nếu thế thì chẳng khác gì trọc phú khoe sang. Vì theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt,  trọc phú là người giàu mà dốt nát”. 
Người Xây Dựng