Giá phân bón dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Giá dầu thế giới tiếp đà tăng, giá cà phê suy giảm... trong khi đó, phân bón dự kiến sẽ tăng giá mạnh trong tháng tới, là những thông tin thị trường hàng hoá nổi bật ngày 12/8. 

Giá dầu thế giới tiếp đà tăng

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 12/8 đang xu hướng đi lên. Giá dầu Brent tiến sát mức 87 USD/thùng, giá dầu WTI vượt mức 83 USD/thùng.

Theo giới phân tích, giá dầu đi lên nhờ dự báo nhu cầu lạc quan từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Ngày 10/8, trong báo cáo hàng tháng, OPEC kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ hoạt động tốt trong những tháng còn lại của năm.

gia-dau-1318-1635-1590.jpg
Giá xăng dầu có xu hướng tăng cao (Ảnh: Getty)

OPEC mới đây dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Trong khi đó, IEA ngày 11/8 cảnh báo lượng dầu dự trữ toàn cầu có khả năng giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm nay, qua đó có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, giá dầu đang được nâng đỡ khi Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng cùng với những lo ngại về nguồn cung trước khả năng xung đột giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu của Nga ở khu vực Biển Đen.

Giá cà phê suy giảm

Giá cà phê trong nước ngày 12/8/2023, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tiếp tục giảm nhẹ so với các phiên giao dịch trước đó, giảm 100 đồng/kg so với ngày 11/8; mức dao động từ 66.900 đến 67.500 đồng/kg, cao nhất ở mức 67.700 đồng/kg.

Cuối tuần, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Đóng cửa, giá Arabica giảm phiên thứ 3 liên tiếp về mức 3.525 USD/tấn. Các thông tin cơ bản cho thấy nguồn cung chuyển hướng tích cực, đã gây sức ép khiến giá quay về đà giảm. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) công bố dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 07 tích cực, thúc đẩy xuất khẩu tại quốc gia này. Xuất khẩu cà phê Arabica chiếm phần lớn xuất khẩu của Brazil tăng 6,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 2,19 triệu bao.

1-2820230729210218.png
Giá cà phê giảm.

Số liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 07 tại Brazil cũng gây sức ép khiến giá Robusta giảm 0,49% trong phiên hôm qua. Theo đó, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil tăng 245,4% lên 505.153 bao, đánh dấu tháng xuất khẩu Robusta tốt nhất kể từ tháng 9/2020, Cecafe cho biết. Điều này góp phần làm dịu bớt những lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh tình trạng cạn kiệt cà phê tại Việt Nam.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 07 vừa qua của nước ta đạt 108.872 tấn, giảm mạnh 22,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của cả nước giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.116.804 tấn.

Phân bón sẽ tăng giá mạnh trong tháng tới

Hiện giá phân bón trong nước đã có dấu hiệu tăng nhẹ theo giá thế giới. Trong bối cảnh giá ure trên thế giới liên tục tăng từ giữa tháng 6 đến nay.

Báo cáo mới nhất của Argus và Fertecon (các công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế) cho thấy: giá ure thế giới đã tăng liên tục từ trung tuần tháng 6 đến nay với mức tăng 24-50% (tùy thị trường). Hiện giá ure thế giới đã tăng lên mức tương đương thời điểm tháng 1-2/2023.

Ở Trung Quốc, giá ure xuất xưởng của Trung Quốc đầu tháng 8 tăng 7-12% so với tuần cuối tháng 7 lên mức 2453-2625 nhân dân tệ/tấn. Đối với hàng xuất khẩu, giá ure hạt đục và hạt trong đều tăng 35-55 USD/tấn so với tuần giữa tháng 7.

Với việc giá ure tăng mạnh, giá các loại phân bón chủ chốt khác như Kali, DAP, MOP, NPK trên thị trường thế giới đều tăng.

da-320230105210910.jpg
Cảng xuất hàng của nhà máy Đạm Cà Mau.

Tại Việt Nam, từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đều có thông báo điều chỉnh giá lệnh tăng theo xu hướng giá thế giới, tiếp đà tăng liên tục từ khoảng giữa tháng 7 đến nay.

Nhận định về thị trường phân bón trong thời gian tới, ông Lê Trọng Phúc, Tổng Giám đốc CTCP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) nhận định, giá phân bón trong nước cũng đã và đang có chiều hướng tăng theo giá thế giới. Ông Phúc cũng cho biết, theo thông lệ, trong 3 tháng 7,8,9 dương lịch hàng năm là thời kỳ thấp điểm của phân bón bởi vụ Hè Thu đã qua, vụ Đông Xuân chưa tới. Chính vì thế nên thường thị trường phân bón trong nước thời điểm này mọi năm sẽ trầm lắng. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, hiện Nga và Ucraina đang xúc tiến xuất khẩu ngũ cốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, giá ngũ cốc có thể tăng lên. Bên cạnh đó, giá gạo trên thị trường thế giới cũng tăng sau lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ. Tất cả các yếu tố này sẽ tác động khiến giá phân bón sẽ tăng lên trên toàn cầu và cả Việt Nam.

Ông Phúc cũng nhận định, khi vào cao điểm mùa vụ tháng 9 và tháng 10 (phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm), nhu cầu phân bón mới tăng cao. Tuy nhiên mức tăng này cũng chỉ là tăng nhẹ, không thể tạo nên “cơn sốt” như hai năm 2021 và 2022 vừa qua.

Tin mới