Gian nan cuộc chiến chống tảo hôn ở huyện rẻo cao

Gian nan cuộc chiến chống tảo hôn ở huyện rẻo cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn, từ năm 2023 huyện Kỳ Sơn đã kết hợp công tác tuyên truyền và triển khai xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Thế nhưng sau các bản làng mờ sương, những cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa các ông bố, bà mẹ  "trẻ con” vẫn diễn ra.

Xử phạt hành chính vẫn tăng

Chúng tôi gặp cô gái trẻ Lương Thị B. quê bản Phia Khăm 2, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) trong ngôi nhà chòi dựng tạm tại khu vực chăn nuôi thuộc bản Khánh Thành (xã Nậm Cắn), nơi B. đang sống cùng bố mẹ chồng bởi chồng cô đang đi làm ăn xa.

Với chiếc bụng bầu sắp sinh, B. ngồi lặng lẽ ở bếp lửa nơi góc nhà, sau phút ngập ngừng, dè dặt, cô gái dân tộc Khơ Mú kể quen chồng là Ven Văn Đ. (SN 2005) qua mạng Facebook và theo về sống cùng tại bản Khánh Thành từ năm 2022 lúc mới 16 tuổi. Vì chưa đủ tuổi kết hôn nên cả hai chưa tổ chức đám cưới, cũng không báo với chính quyền.

z4813469771980_d3b36751e81b88d6a329713204915154.jpg
Cô gái trẻ Lương Thị B. quen chồng qua mạng và theo về sống ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn khi mới 16 tuổi. Ảnh: Đào Thọ

Tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, những trường hợp tảo hôn như Lương Thị B. diễn ra khá nhiều, tập trung ở các bản của đồng bào Mông, thậm chí có những trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi mới 13-14 tuổi.

Theo chia sẻ của chị Vừ Y Nải- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Cắn: Mặc dù chính quyền đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; tích cực phối hợp với ngành chức năng và các nhà trường tập trung tuyên truyền, vận động, triển khai ký cam kết không vi phạm tảo hôn cho các hộ dân và học sinh, Nậm Cắn cũng là đơn vị đầu tiên của huyện Kỳ Sơn thí điểm xử phạt hành chính, nhưng nạn tảo hôn vẫn tái diễn. Năm 2022, toàn xã có 17 trường hợp tảo hôn thì năm 2023 có 19 trường hợp trong đó có 11 trường hợp đã bị xử phạt hành chính.

z4835407674469_e3cd4919204d523b0510caa35102a5d9.jpg
Hội nghị tuyên truyền pháp luật, phòng chống tảo hôn ở xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn. Ảnh: CSCC

Thực trạng tương tự cũng diễn ra ở xã Huồi Tụ, nơi có 4 hệ dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống trong đó đồng bào Mông chiếm 97%. Ông Mùa Bá Giờ- Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong năm 2023, UBND xã đã phân công cán bộ đi tuyên truyền, ký cam kết, rà soát thống kê tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 13/13 bản. Đồng thời gửi giấy mời các hộ có con tảo hôn để xử phạt hành chính.

Gần đây nhất ngày 3/10/2023, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Vừ Vả Nênh, SN 1986 ở bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ với mức phạt 2 triệu đồng vì có con gái là Vừ Y M., SN 2007 lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Bản cam kết không vi phạm tảo hôn được dán ở mỗi nhà dân.jpg
Bản cam kết không vi phạm tảo hôn được dán ở từng nhà dân. Ảnh: CSCC

Ấy thế nhưng, tình trạng tảo hôn vẫn không giảm (năm 2021 có 16 trường hợp, năm 2022 có 26 trường hợp và năm 2023 xã Huồi Tụ có tới 36 trường hợp tảo hôn). UBND xã đã ra quyết định xử phạt 14 trường hợp với số tiền là 28.000.000 đồng (còn 22 trường hợp chưa xử phạt do công dân đi làm ăn xa chưa liên lạc được).

Ghé thăm bản Phà Bún, khi được hỏi tình trạng tảo hôn, Trưởng bản Hờ Tồng Lầu thở dài: Cán bộ, ban quản lý bản cũng tuyên truyền nhiều rồi nhưng khó lắm, trai gái yêu nhau trong trường học rồi về ở với nhau thôi, rồi lại rơi vào vòng đói nghèo luẩn quẩn, bố mẹ ngăn cấm cũng không được.

Trong năm 2023, bản có 3 trường hợp tảo hôn, Ban quản lý bản kết hợp với người đứng đầu dòng họ khó khăn lắm mới vận động được 1 trường hợp 17 tuổi từ bỏ ý định lấy vợ vì chưa đủ tuổi kết hôn.

z4848562178608_8f17bb3034e6ff89fdc42b2c36a9f090.jpg
Trưởng bản Phà Bún (xã Huồi Tụ) Hờ Tồng Lầu (mặc áo trắng) chia sẻ về nạn tảo hôn. Ảnh: KL

Tại xã Tây Sơn, Bí Thư Đảng uỷ xã Vừ Vả Rênh cũng cho biết: Bình quân mỗi năm xã chỉ đạo tuyên truyền 3-4 đợt về tận từng thôn, bản bằng cả tiếng phổ thông và tiếng của đồng bào, kết hợp xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó hộ có con tảo hôn bị phạt từ 1-2 triệu đồng, riêng cán bộ đảng viên có con tảo hôn phạt 3 triệu để làm gương nhưng thực trạng tảo hôn vẫn không giảm. Năm 2022 có 21 cặp tảo hôn, năm 2023 đến thời điểm hiện tại có 24 cặp.

z4848562163436_2175d61c15c4f1d529b54f0dd949978b.jpg
Cán bộ tư pháp xã Tây Sơn ( Kỳ Sơn) cập nhật tình hình tảo hôn trên địa bàn. Ảnh: KL

Nhận thức rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của tảo hôn, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã ban hành Chỉ thị số 07 CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

UBND huyện ban hành Công văn số 614/UBND ngày 21/7/2022 tuyên truyền pháp luật phòng ngừa tảo hôn và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân gia đình với nhiều giải pháp trong đó có việc chỉ đạo thành lập các CLB, các mô hình phòng chống tảo hôn tại các bản.

FotoJet5.jpeg
Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn phối hợp với các địa phương tuyên truyền và hướng dẫn người dân ký cam kết phòng chống tảo hôn. Ảnh: CSCC

Năm 2023, để nâng tính răn đe phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Công văn số 445 UBND-TP về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tảo hôn. Trong đó yêu cầu các xã tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm về tảo hôn từ ngày 01/01/2023 đến nay; đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Trong 03 năm (2020-2022), toàn huyện Kỳ Sơn có trên 516 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, từ tháng 1 đến tháng 9, có 235 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã Na Ngoi , Huồi Tụ , Nậm Càn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn...

Nhiều khó khăn

Theo ông Hờ Bá Rùa- Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế; phong tục tập quán đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng và quan niệm nên kết hôn sớm để có thêm nhân lực lao động trong gia đình.

Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn, các bậc cha mẹ mải mưu sinh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên; tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra dẫn đến kết hôn sớm.

Mặt khác, với sự phát triển của mạng Internet, giới trẻ vùng cao cũng dễ tiếp cận thông tin, hình ảnh không lành mạnh trên mạng xã hội nên xu hướng mang thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng.

FotoJet2.jpeg
Các ngành chức năng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tuyên truyền phòng chống tảo hôn trong trường học. Ảnh: KL

Nhiều năm gắn bó với công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn, Chị Mùa Y Lý, người dân tộc Mông, cán bộ tư pháp xã Tây Sơn chia sẻ: các cặp vợ chồng “trẻ con” thường không đến UBND xã đăng ký kết hôn mà tự chung sống với nhau khi đến tuổi mới đi đăng ký. Nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà, nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng rồi đâu lại vào đấy bởi tư tưởng “không cho ta cũng lấy” đã ăn sâu vào suy nghĩ của những đứa trẻ và phần nào đó còn có sự thoả hiệp của cộng đồng nơi sinh sống.

“Theo phong tục người Mông trai gái thường về ở với nhau 3 ngày mới tổ chức cưới, khi chính quyền biết thì “sự đã rồi”. Một số trường hợp khi bị ngăn cản còn doạ ăn lá ngón để tự tử.

Việc kết hôn, sinh con khi chưa đủ tuổi không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ và bé mà còn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những đứa trẻ. Khi chưa có giấy đăng ký kết hôn thì chính quyền không thể làm giấy khai sinh cho các em, không được hưởng quyền lợi được đóng Bảo hiểm y tế và miễn phí Bảo hiểm y tế theo quy định.”- chị Mùa Y Lý cho hay.

z4848602412083_71d5774e48cad54d5d94fce9785269e7.jpg
Địa hình hiểm trở, dân cư sống thưa thớt cũng gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: KL

Theo lãnh đạo phòng Tư pháp huyện, bên cạnh các nguyên nhân do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu; trình độ dân trí, nhận thức, ý thức pháp luật của đa số người dân còn nhiều hạn chế… phải nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như việc xây dựng các nội dung và đề tài về hôn nhân và gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên... cho học sinh tại các trường học trên địa bàn còn hạn chế.

Mặt khác, sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc còn thiếu kiên quyết; còn nể nang bởi những mối quan hệ ràng buộc trong cộng đồng, dòng họ cũng là những nguyên nhân dẫn tới công tác phòng chống giảm thiểu tảo hôn chưa hiệu quả.

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình. Cụ thể khoản 1, điều 8 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d, khoản 2, Điều 5 của Luật này.

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Cần giải quyết từ gốc rễ

Tảo hôn không chỉ đi ngược với tinh thần con người được quy định trong tại khoản 2, điều 17, Hiến pháp năm 1992 và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Chỉ thị 6-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng gia đình trong tình hình mới mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy đối với gia đình và xã hội.

Bởi vậy, để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn, huyện rẻo cao Kỳ Sơn cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị nhằm giải quyết hủ tục từ gốc rễ.

z4848562124543_623d554a7a26b4eb661736e2b1232a6d.jpg
Nhiều phụ nữ người dân tộc Mông ở huyện rẻo cao ở Kỳ Sơn lấy chồng, có con từ khi còn rất trẻ. Ảnh: KL

Từ thực tiễn của địa bàn có 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống ở 19 thôn, bản, trong đó dân tộc Mông chiếm 90%, trường hợp trai, gái về ở chung khi chưa đủ tuổi kết hôn vẫn thường diễn trong những bản làng nằm rải rác dưới chân núi Phuxailaileng (năm 2022 có 22 trường hợp tảo hôn, 2023 tăng lên 44 trường hợp), ông Vừ Bá Lỳ- Bí thư Đảng uỷ xã Na Ngoi cho rằng: Cấp uỷ, chính quyền địa phương phải kiên trì phối hợp với ngành chức năng địa bàn bám dân, bám bản để tuyên truyền từng bước thay đổi nhận thức cho bà con. Bởi có đổi thay được nếp nghĩ của người dân thì mới mong bài trừ được hủ tục.

“Với các trường hợp tảo hôn xảy ra trên địa bàn, ngoài áp dụng các quy định xử phạt hành chính, xã quán triệt cán bộ thôn bản không đi dự đám cưới của các gia đình có con tảo hôn. Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự”- ông Vừ Bá Lỳ nhấn mạnh.

z4848562136367_b75b9fed666f118bfd6a2f9475b88a36.jpg
Lấy chồng sớm, cuộc sống của phụ nữ người Mông ở Kỳ Sơn khá vất vả. Ảnh: KL

Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Mùa Bá Giờ cũng đồng tình rằng: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, thì công tác tuyên truyền vẫn là nòng cốt. Trong đó đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người Dân tộc thiểu số, già làng, trưởng xóm, bản, người có uy tín, người đứng đầu các dòng họ, hòa giải viên, cộng tác viên ở cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình ngay tại thôn, bản.

Tuy nhiên, lãnh đạo xã Huồi Tụ “nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng thì chưa đủ sức răn đe. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng có thể áp dụng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử lưu động theo quy định của pháp luật vài trường hợp để làm gương, mới hy vọng tạo ra chuyển biến trong nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết: Luật Hình sự quy định hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi bị xử lý hình sự, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, xử phạt hành chính, phòng sẽ tham mưu cho huyện chỉ đạo các ngành chức năng xử lý hình sự một vài trường hợp nhằm tăng tính răn đe.

99584049am_1-2.jBĐBP Nghệ An đến từng gia đình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Ảnh1.jpeg
Bộ đội Biên phòng Nghệ An đến từng gia đình tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Ảnh tư liệu: Hải Thượng

Về phía huyện Kỳ Sơn, ông Lỳ Bá Thái- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ cho biết: Cùng với các giải pháp thúc đẩy kinh tế, xã hội, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, cấp ủy Đảng, chính quyền đề cao vai trò gương mẫu của đảng viên, trước hết là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức cấp xã trong việc giáo dục con cháu, gia đình không để xảy ra vi phạm về tảo hôn.

Cán bộ, đảng viên có con em tảo hôn cuối năm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tảo hôn ở địa phương. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Loirubuon-a5.jpeg
Kết hôn sớm, nhiều cặp vợ chồng trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Ảnh tư liệu: CTV

Bên cạnh đó việc thực hiện các nhiệm vụ, nội dung cụ thể đặt ra tại tiểu dự án 2, dự án 9 về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi cũng được kỳ vọng là giải pháp mang tính toàn diện nhằm đổi thay nhận thức và thu hút sự chung tay của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để đẩy lùi nạn tảo hôn tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn- địa bàn có 203.409 km đường biên tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào với 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới.

Tảo hôn là hành vi vi phạm pháp luật bị cấm theo mục b, khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:

“Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.

Ngoài ra, hành vi tổ chức tảo hôn còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 183, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

“Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

Tin mới