Tập thơ Nhật ký trong tù được công nhận là Bảo vật Quốc gia

(Baonghean.vn) - Sau một thời gian hoạt động ở Cao Bằng cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 13/8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường sang Trung Quốc. Với danh nghĩa là Đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ Quốc tế chống xâm lược của nước ta, nhà yêu nước và cách mạng Hồ Chí Minh nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế lúc bấy giờ.

Sau nửa tháng trời đi bộ, vừa đến Túc Vinh - một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Người liền bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giữ. Suốt 13 tháng bị giam cầm, qua gần 30 nhà tù thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, bị đối xử tàn tệ, sống trong thiếu thốn cơ hàn, người tù Hồ Chí Minh bằng trí tuệ, nghị lực và tinh thần lạc quan cách mạng của mình, đã vượt qua tất cả để sống còn, trở về nước tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của mình !

Tập thơ Nhật ký trong tù được công nhận là Bảo vật Quốc gia ảnh 1

                                              Chân dung Bác Hồ (1945).

 

Điều đáng ngạc nhiên, thời gian bị cầm tù này, Hồ Chí Minh đã hoàn tất tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) bằng chữ Hán, gồm 133 bài thơ, phần lớn là thơ tứ tuyệt. Cuốn sổ tay bìa xanh, ghi “nhật ký” trang đầu tiên có 4 chữ Ngục Trung Nhật Ký bằng chữ Hán, cạnh hình vẽ hai cánh tay với bàn tay nắm chặt, bị xích, kèm 4 câu:

Thân thể tại ngục trung,

Tinh thần tại ngục ngoại.

Dục thành đại sự nghiệp

Tinh thần cánh yếu đại!

Bốn câu thơ có tính chất đề từ, đủ phản ánh cả nội dung, tư tưởng, cốt cách, bút pháp... của cả tác phẩm bất hủ này.

Tập thơ Nhật ký trong tù được công nhận là Bảo vật Quốc gia ảnh 2

      Bìa công trình nghiên cứu về Nhật ký trong tù và bản dịch trọn vẹn của tác phẩm.

 

Sau khi ra đời, Nhật ký trong tù đã bị “chìm” vào giữa bộn bề của lịch sử ngót 20 năm, để rồi vào giữa năm 1960, tác phẩm xuất hiện dưới hình thức bản dịch tiếng Việt, đến tay đông đảo bạn đọc, qua bản dịch nghĩa và dịch thơ rất thành công của một tập thể dịch giả, do Viện Văn học chủ trì.

 

Với Nhật ký trong tù, cũng như với bất kỳ tác phẩm lớn nào của nhân loại, có cả một lịch sử tiếp nhận vô cùng phong phú, sinh động, thú vị, kể cả những cuộc tranh luận, phản bác... Trong số hàng ngàn bài viết, chuyên luận, cuốn sách bàn về Nhật ký trong tù, đáng kể nhất cho đến nay có lẽ là công trình khá bề thế gần 700 trang in: Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù và Nhật ký trong tù bản dịch trọn vẹn, do NXB Giáo dục in lần đầu năm 1990, tái bản nhiều lần sau đó.

 

Riêng chuyên khảo Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù trong công trình vừa nêu, ra đời sau gần 2 năm biên soạn (1988-1989), được xây dựng dựa trên đề cương khoa học với 3 hướng triển khai chính:

- Đi sâu thêm vào tính chất hướng nội của tác phẩm, từ đó suy tìm tư tưởng thẩm mỹ của nhà thơ;

- Soi nhìn tập thơ dưới góc độ thi pháp học và một số phương hướng tiếp cận hiện đại;

- Xét giá trị ngôn từ liên văn bản Hán - Việt trong yêu cầu của tiếp nhận văn học.

Đề cương do GS. Nguyễn Huệ Chi khởi thảo cùng 17 giáo sư, nhà nghiên cứu cộng tác thực hiện...

 

Đáng chú ý nữa, ở phần phụ lục, có trích in lại một phần công trình Hồ Chí Minh với Trung Quốc (NXB Giải phóng quân Trung Quốc, Bắc Kinh, 1986), của PGS. Hoàng Tranh - Viện trưởng Viện KHXH tỉnh Quảng Tây - phần nói về những ngày bị tù đày của Bác Hồ trên đất Quảng Tây. Ở đây, tác giả đã chịu khó tìm gặp lại hầu hết các nhân chứng từng có tiếp xúc với Bác trên con đường người tù cộng sản bị giải tới giải lui hơn 1 năm trời này.

 

Sức lan tỏa của tập Nhật ký trong tù đã và chắc chắn sẽ còn sâu rộng nữa. Bằng chứng, tác phẩm đã được dịch qua nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Nga. Còn nhớ, khi nhà thơ lớn của Liên Xô, ông Paven Antôcônxki trao cho Bác Hồ bản dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Nga, Người với tất cả sự khiêm tốn và hóm hỉnh vốn có, đã bộc bạch chân thành: “Tôi viết những bài thơ ấy để làm gì? Chỉ vì lí do ở trong tù, tôi không thể làm gì khác. Họ tước đoạt của tôi hết cả... Và buồn... Tất nhiên, không thể nào ngờ rằng, trên cơ sở những bài thơ này, đến bao giờ đó, người ta lại đưa tôi vào hàng các nhà thơ !”.

 

Được tin Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đợt đầu cho 30 hiện vật lịch sử; riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh có 5 tác phẩm bằng chữ viết, trong đó có Nhật ký trong tù, khiến đông đảo cán bộ, nhân dân, giới trí thức nước nhà, cùng bè bạn gần xa càng thêm nức lòng !

Kim Hùng

Tin mới