Lão nông với tủ sách "Vì dân"

(Baonghean) “Ông Long sách phải không? Từ đường Hồ Chí Minh các chú rẽ phải khoảng vài ba trăm mét nữa là tới nhà. Ở vùng này nói đến ông Long là ai cũng biết mà, ông ấy có nhiều sách cho bà con đọc lắm…”. Những người chỉ đường ở xóm Cầu Trôi, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, nói với chúng tôi như vậy.

Theo chỉ đường của người dân, chúng tôi đặt chân vào căn nhà cấp 4, 3 gian của ông Đặng Thanh Long trên triền đồi cách con đường nhỏ vào xóm Cầu Trôi một quảng đường ngắn.

Có khách lạ, ông Long vội vàng pha ấm nước chè, chậm rãi tiếp chuyện, xoay quanh cái tủ sách, mà dân làng lâu nay gọi ông là người “vác tù và hàng tổng”. Năm 1963, đang làm cán bộ xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, huyện điều động đi xây dựng kinh tế mới tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ.

Sau khi cuộc sống bà con nơi vùng kinh tế mới ổn định, năm 1998 ông chuyển gia đình ra xóm Cầu Trôi, xã Hương Sơn (Tân Kỳ) sinh sống. Những năm cuối thế kỷ 20, cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn lắm. Nguyên nhân là trình độ dân trí thấp, bà con thiếu kiến thức KHKT, nên chăn nuôi, sản xuất kém hiệu quả. Lúc đó ông Long là cán bộ Hội Làm vườn xã, vì thế bản thân luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao dân trí cho hội viên.

Qua rất nhiều cuộc họp, lớp tập huấn… về chăn nuôi, sản xuất, nhưng chẳng khác gì “khoát nước theo mưa” nói dân không thể nhớ được. Ông nghĩ, chỉ còn cách là cầm sách đọc, đọc đến đâu làm đến đó, thì mới làm thay đổi nhận thức người dân. Với suy nghĩ như vậy, ông Long quyết định bằng mọi cách xây dựng cho được tủ sách cho bà con đọc miễn phí. Năm 2000, trong một buổi họp xóm, ông mạnh dạn đề xuất với bà con đóng góp mỗi hộ 3.000 đồng để đóng tủ sách. Nghe xong, cả xóm ai cũng đồng tình, góp được 300 nghìn đồng, vừa đủ để đóng một tủ sách bằng gỗ đơn sơ. Có tủ, nhưng lấy sách ở đâu cho dân đọc là vấn đề không hề dễ chút nào. Vì không có tiền để mua sách mới. Chỉ có cách là đi xin sách cũ. Những ngày đầu, ông đến từng gia đình trong xóm để tận dụng sách cũ. Song gom mãi cả xóm cũng chỉ được 10 cuốn. Không ăn thua, ông cất công lên tận tủ sách huyện Tân Kỳ tham khảo, đề xuất ý kiến và được Phòng Văn hóa đồng ý cho ông mượn sách. Mượn được sách nào về là bà con đón đọc rất nhiều, nhưng mượn rồi lại phải đi trả, đường sá xa xôi rất vất vả.

Một lần đến Hội Nông dân huyện Tân Kỳ, ông Long đề xuất việc đi xin sách cho bà con đọc, được ông Chủ tịch Hội đồng tình và viết cho giấy giới thiệu đi xin sách cho nông dân tham khảo. Có cái gậy trong tay, ông Long đến từng cơ quan, ban ngành trong huyện xin sách cũ. Đi đến đâu cũng được cán bộ huyện ủng hộ, nhiệt tình tìm sách, nên sau mỗi chuyến đi huyện về là tủ sách bớt trống trải. Người cho nhiều nhất là ông Bí thư Huyện ủy Võ Văn Ngại, tặng một lúc 40 cuốn sách. Và chỉ trong 1 tháng, ông Long xin được 500 cuốn sách các loại: sách luật, sách kỹ thuật chăn nuôi, sản suất. Đưa được sách nào về là bà con đón đọc một cách tâm huyết, tạo nên sức mạnh tinh thần cho ông.

Không dừng lại ở đó, ông Long cất công xuống một số cơ quan ở TP. Vinh, như: Thư Viện tỉnh, một số cơ quan báo chí, xin sách cũ. Đi đến cơ quan nào người ta cũng ngạc nhiên với cách làm xưa nay hiếm, rồi nhiệt tình giúp đỡ. Tính đến thời điểm này, tủ sách của ông đã có trên 1.500 đầu sách các loại, giúp cho bà con nâng cao kiến thức trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước và nâng cao kiến thức trong sản xuất. Số sách đó, ông đặt ở hai tủ, hai địa điểm, thuận lợi cho bà con đọc. Một tủ đặt ở nhà văn hóa xóm và một tủ đặt tại gia đình mình. Được đọc sách miễn phí, hàng ngày bà con trong xóm, xã, đến ngồi đọc sách tại chỗ, có người còn mượn sách về nhà tranh thủ đọc.

Ông Cao Xuân Triết, ở xóm Cầu Trôi, bộc bạch rằng: Từ ngày ông Long có tủ sách, hầu như tuần nào tôi cũng đến đọc. Đọc sách có ích cho cuộc sống hàng ngày, kiến thức đã giúp cho chúng tôi hiểu hơn về kỹ thuật trồng cây, nuôi con vật như thế nào cho hiệu quả. Hàng ngày, tôi còn vận động cho các con, cháu và mọi người dân đến đọc sách để nâng cao dân trí. Ở vùng nông thôn, nếu không có người như ông Long thì bà con nông dân cả đời không được cầm quyển sách để đọc.

                                  Ông Đặng Thanh Long bên tủ sách của mình.

Bước sang tuổi 81, nhưng ông Đặng Thanh Long vẫn khỏe mạnh, hoạt bát, tính tình nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Niềm mong muốn lớn nhất của ông lúc này là ngày càng kiếm được nhiều sách để phục vụ bà con. Hôm chúng tôi tìm gặp, ông Long thổ lộ: “Mấy ngày nay, tôi định xuống Vinh đi một vòng đến các cơ quan, ban ngành để tiếp tục xin sách. Nhưng trời rét đậm kéo dài, chưa thể đi được”. Là một lão nông đặc sệt, việc làm của ông Long trong 12 năm qua hoàn toàn không có chế độ chính sách gì, nhưng hai chữ “vì dân” đã thôi thúc ông có việc làm như vậy.

Xuân Hoàng

Tin mới