"Cô Tấm" ở Phá Đáy

(Baonghean) - 18 tuổi, cô giáo trẻ Lương Thị Mùi lên với vùng cao Phá Đáy, tự nguyện ở lại dạy chữ cho con em dân bản không lương, không phụ cấp, không trường, không lớp. Bảng là những tấm phên liếp ghép lại, phấn là những hòn than, học trò là những đứa trẻ ở mọi độ tuổi sống trong sự xa lánh, kỳ thị… Nhưng tấm lòng của cô, tình yêu thương của cô đã thắp sáng ước mơ cho những đứa trẻ nơi đây. Người dân Phá Đáy coi cô giáo Mùi như cô Tấm bước ra từ câu chuyện cổ tích, đem lại nguồn sáng cho cả vùng đất bị bỏ quên.

Bây giờ bản Phá Đáy, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu đã khác nhiều so với những năm trước đây. Con đường quanh co men theo những kẽm (vách đá) dựng đứng dài 5km từ bản Nông Trang đi vào đã được trải nhựa. Thung lũng Phá Đáy  xanh những mía, lúa nước và các loại hoa màu. Trước đây bản chỉ vẻn vẹn 10 gia đình là những bệnh nhân phong, nay đã tăng lên 31 hộ. Phá Đáy tuy vẫn còn nghèo và chưa có điện nhưng ánh sáng văn minh đã về, tất cả con em trong bản đều được đi học… Trưởng bản Lữ Văn Thiết dẫn chúng tôi về nhà văn hóa của thôn và cho biết: Nơi đây chính là 2 phòng học và căn phòng ở của cô giáo Lương Thị Mùi, người đã “khai sáng” cho vùng đất này. Bây giờ cô giáo và gia đình đang tạm chuyển ra thuê ở gần trung tâm xã để tiện cho việc dạy học.

Trưởng bản Thiết là người mới chuyển vào Phá Đáy những năm sau này, để chúng tôi rõ về câu chuyện vùng đất, con người nơi đây, ông đã đưa chúng tôi đến gặp anh Lương Xuân Thủy, công an viên của bản. Anh Thủy chính là một trong những học trò đầu tiên của cô Mùi. Anh Thủy kể: Thập niên 90 của thế kỷ trước, Phá Đáy còn chưa là bản, chỉ là thung lũng, biệt lập với bên ngoài. Lúc đó, người dân còn có cái nhìn ghẻ lạnh đối với những bệnh nhân phong, người dân Phá Đáy mua cái gì cũng không ai bán, bán gì cũng không ai mua.
Từ thung lũng ra đến trung tâm xã phải mất hơn nửa ngày trèo đèo vượt núi, cuộc sống hoàn toàn tự cung tự cấp. Năm 1997, Phá Đáy có 25 đứa trẻ từ 1-14 tuổi, tất cả đều không được đến trường, nhỏ thì lủi thủi chơi một mình, lớn thì theo cha mẹ lên nương rẫy. Chưa đứa trẻ nào được và dám rời khỏi thung lũng bốn bề núi đá bao vây. “Mình và đám bạn được học chữ thực sự là chuyện cổ tích mà cô Mùi chính là “nàng tiên”. Cuối năm đó, cô Mùi lên thăm cha mình là ông Lương Văn Hạnh rồi ở lại, đến nhà vận động các bậc phụ huynh cho trẻ đến học chữ…”, anh Thủy chia sẻ.
Để biết rõ hơn chuyện cổ tích về cô giáo Mùi băng rừng, vượt núi đưa con chữ về cho đám trẻ ở Phá Đáy, chúng tôi ngược về Trường Mầm non xã Châu Bính gặp chính “huyền thoại sống” ở đó. Cuối buổi chiều, trời mùa đông miền núi tối nhanh hơn. Sau giờ trả trẻ, cô Mùi đang cùng các cô giáo khác dọn vệ sinh trường lớp. Da xanh và xạm, cô giáo Mùi dường như cứng hơn cái tuổi 34 của mình. Kể lại những ngày đầu về Phá Đáy thuở ấy, đôi mắt cô sáng long lanh… Cô Mùi là kết quả của mối tình giữa hai bệnh nhân phong người miền núi. Họ đã gặp nhau và nên duyên tại Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai. Như nhiều đứa trẻ khác ở trại phong, cô Mùi lớn lên trong tình yêu của cha, mẹ, các y bác sỹ và mọi người xung quanh. Lên 10 tuổi, cha cô đã có những biểu hiện lành bệnh và trở về quê cũ ở huyện Quỳ Châu rồi lên Phá Đáy sinh sống. Vì nhiều lý do khác nhau cô Mùi cũng chỉ kịp học đến lớp 9, ước mơ trở thành cô giáo đành dở dang. 
Cô Lương Thị Mùi bên các em học sinh.
Cô Lương Thị Mùi bên các em học sinh.
18 tuổi, Lương Thị Mùi lần đầu tiên trở về quê cũ chăm cha ốm đau, cô Mùi cũng không thể hình dung cuộc sống nơi vùng núi đá này buồn khổ đến vậy. Cuộc sống xơ xác, tối tăm. Người với người cô độc như con thú giữa rừng hoang và thương nhất là đám trẻ đói rách, lấm lem bùn đất. Trong hành trang mang theo của Mùi có vài tờ báo cũ, cho đám trẻ xem thì thấy tất cả đều chăm chú và thích thú nhưng chúng đều cầm ngược. Cô mới vỡ lẽ  chúng không hề biết chữ, hỏi thăm người lớn thì cũng không ai đọc, viết nổi tên mình. Cô Mùi trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm và nung nấu quyết tâm dạy chữ cho đám trẻ nơi đây. Trao đổi ý định với các phụ huynh, người già thì họ lấy làm mừng và quyết định chọn ngôi nhà rộng nhất để cô Mùi tổ chức dạy cho các cháu. Nứa phên ghép lại thành bảng, than gỗ làm phấn, lớp học diễn ra bất kể ngày đêm.
TIN LIÊN QUAN
Được chừng 5,6 tháng, thấy đám trẻ có thể ghép chữ được rồi, cô Mùi xin phép đưa cha về xuôi. Xa đám trẻ cô buồn một, người dân Phá Đáy buồn mười. Hy vọng của những người phong dồn cả vào con, em mình. Cô Mùi đã mở ra nguồn sáng đi lên cho đám trẻ. Mai mốt cô về xuôi rồi, e rằng đời con cũng tăm tối như đời cha mẹ chúng. Người già Phá Đáy, phụ huynh đám trẻ tìm cô Mùi năn nỉ cô ở lại. Cô Mùi tâm sự với bà con: “Cháu kiến thức cũng có hạn, dạy thêm nữa cũng chẳng đáng được bao nhiêu”. Bà con nói như khóc: “Cô biết được bao nhiêu thì cứ dạy chúng bấy nhiêu. Ở đây nghèo khó, bà con chỉ có khoai sắn, củ mài. Cô ở đây bà con ăn gì san sẻ với cô như thế. Mong cô thương đám trẻ để chúng nên người…”.
Thế là cô quyết định ở lại gắn bó với đám trẻ nơi này. Ngày đi khai hoang kiếm sống, đêm đêm cô trò vật lộn với cái chữ, phép tính. Ước chừng dạy cho trẻ đến kiến thức lớp 3 là cô Mùi hết “vốn”. Bí quá, cô đánh liều ra Trường Mầm non, Tiểu học Châu Bính, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện xin sách giáo khoa cũ và học hỏi thêm kỹ năng truyền đạt. Thấy cô giáo Mùi có tấm lòng yêu mến, thương các em học sinh nghèo nên các thầy cô giáo cũng nhiệt tình giúp đỡ, Phòng Giáo dục Đào tạo cấp sách, vở và dụng cụ cho các em học sinh không có điều kiện tới trường.
Đám trẻ Phá Đáy ngày càng được mở mang trí tuệ dưới sự dìu dắt của cô Mùi và chính sự nỗ lực của cô mà Phá Đáy đã được biết đến nhiều hơn, được quan tâm, đầu tư. Năm 2001, bản Phá Đáy được thành lập, cuối năm 2002, bản Phá Đáy được Đại sứ quán Đức tại Việt Nam quyết định tài trợ 80 triệu đồng mở rộng 4km đường độc đạo hiểm trở nhất vào bản Phá Đáy, xây dựng mới 2 phòng học kiên cố. Năm đó, Sở GD & ĐT quyết định đặc cách cho cô giáo Lương Thị Mùi hợp đồng dài hạn hệ mầm non. Cũng trong năm nay, cô giáo Mùi đã tìm được hạnh phúc riêng cho mình. Đầu năm 2003, hạnh phúc đơm hoa kết trái, khi con trai đầu lòng là cháu Nguyễn Lương Nguyên Hảo chào đời. Năm 2006, khi Phá Đáy không còn cháu nào trong độ tuổi mầm non, tiểu học nữa, cô Mùi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện điều ra công tác ở trường mầm non xã.
Khi chúng tôi đang trò chuyện thì cậu con trai của cô Mùi nay học lớp 4 sang trường đón mẹ. Ôm con, nét mặt rạng ngời, cô giáo Mùi cho biết: “Bản thân thấy rất hạnh phúc khi đám trẻ Phá Đáy năm xưa đã trưởng thành. Giờ chỉ mong mình mạnh khỏe để gắn bó với mái trường, gắn bó với trẻ và được đi học nâng cao trình độ”.
Được nghe chuyện về cô giáo Mùi, người đã dành cả tấm lòng, tuổi thanh xuân của mình vì con em Phá Đáy, ròng rã hàng năm trời dạy không công cho học sinh… để thấy rằng, trong cuộc sống này vẫn còn nhiều tấm lòng cao cả, có nhiều người viết nên chuyện cổ tích giữa đời thường mà cô Mùi chính là một trong số đó. 
Thành Chung

Tin mới