Ôn tập kỳ thi THPT QG: Không coi nhẹ kiến thức cơ bản trong SGK

(Baonghean) - Bước sang tháng 4, thời gian ôn tập của học sinh lớp 12 chỉ còn đúng 3 tháng. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, là giai đoạn “nước rút” buộc học sinh phải có một phương pháp học và ôn tập hợp lý để vừa củng cố toàn bộ kiến thức căn bản, đồng thời “bứt phá” để có thể giành điểm số ở những câu hỏi khó, có tính phân loại cao. Vấn đề đặt ra vẫn là ôn tập theo cách nào?… 
Thời điểm này, tại đường Phạm Kinh Vỹ và đường Bạch Liêu gần sát với trường Đại học Vinh (là nơi tập trung các lò luyện thi đại học nhiều nhất), các lớp luyện thi yên ắng hơn rất nhiều so các năm trước. Ngay cả vào lúc 5 giờ chiều vốn là giờ “vàng” của các lò luyện, nhưng hiện chỉ có một lớp học duy nhất ở cơ sở 3 lò luyện thi nằm trên đường Bạch Liêu. Quang cảnh khá yên tĩnh, bên trong lớp luyện thi có hơn 50 học sinh đang theo học môn Toán… Tìm hiểu được biết, thông thường một buổi học 2 tiếng, có mức học phí trung bình từ 30.000 - 35.000 đồng/buổi. Chủ một trung tâm luyện thi (ghi của thầy Điền - cô Loan) khu vực trường Đại học Vinh, cho hay: Từ ra Giêng các lớp ôn thi bắt đầu có học sinh đến đăng ký nhập học, trong đó chủ yếu là học sinh “lớp 13”  ôn thi lại. Nhưng số lượng không đông như các năm trước. 
Một buổi ôn tập của học sinh lớp 12,  Trường THPT chuyên (Đại học Vinh).
Một buổi ôn tập của học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên (Đại học Vinh).
Tìm hiểu ở một số trung tâm luyện thi khác, được biết, sở dĩ học sinh không còn mặn mà nhiều với các lò luyện thi như các năm trước, là do năm nay cách thức thi đã thay đổi nhiều. Học sinh lớp 12 thì đang ôn tập cho kỳ thi THPT chung, học sinh “lớp 13” bị trượt đại học cũng không còn nhiều như trước đây. Mặt khác, chính các em cũng băn khoăn, với hình thức thi mới thì liệu luyện tại các “lò” thi có còn phù hợp khi đề thi chủ yếu là bám sát chương trình cấp III, trong khi các thầy giáo ở lò luyện lại chủ yếu là giảng viên các trường đại học.  Em Nguyễn Thị Thùy Dung, học sinh lớp 12C, trường THPT Nguyễn Trường Tộ nói: “Trước đây khi đang có ý định đăng ký thi vào các trường đại học em cũng có tham gia một khóa ôn tập ở lò luyện thi gần trường Đại học Vinh. Nhưng sau đó, vì quyết định chỉ học nghề không thi đại học nữa nên em chỉ học ôn tập trên lớp và cố gắng dành thời gian để củng cố lại kiến thức trong sách giáo khoa. 
Lớp 12A9, Trường THPT chuyên - Đại học Vinh năm học này 100% học sinh trong lớp đều đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, theo các học sinh thì hiện còn rất ít bạn ôn tập ở các trung tâm luyện thi, nếu có thì cũng chỉ đến các lớp học có uy tín với lượng học sinh từ 15 - 20 em. Ngoài ra, bên cạnh ôn tập ở trường vào các buổi chiều, phần lớn các em chuyển sang hình thức ôn tập theo từng nhóm nhỏ, từ 3 - 5 học sinh/lớp, mặc dù mức học phí cho một buổi học cao hơn, từ 100.000 - 150.000 đồng/buổi/người.
Kỳ thi THPT quốc gia chung với quy định quá mới mẻ, nên cho đến thời điểm này mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy chế và hướng dẫn cách tổ chức thi, nhưng đa phần học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn và  hầu hết vẫn còn lúng túng trong việc ôn tập. Cũng chính vì thế, trong năm nay hầu hết các trường đã tổ chức thi thử sớm cho các em. Mục đích là để học sinh đánh giá được năng lực bản thân, để các em làm quen với kỳ thi chung và cũng là  giải pháp để nhà trường xây dựng chương trình ôn tập cho phù hợp. Tại trường THPT Thanh Chương, kỳ thi thử đầu tiên được tổ chức vào ngày 21/3 vừa rồi với trên 300 học sinh tham gia. Mặc dù kết quả chưa cao, nhiều học sinh còn “chưa có kỹ thuật làm bài để “nhặt” hết điểm, làm bài bỏ bước để có thể đạt được điểm tối đa”,  nhưng theo thầy giáo Lê Xuân Hường, Hiệu trưởng nhà trường, thì: Kỳ thi thử này có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp học sinh thử sức, biết trình độ, năng lực của mình để có kế hoạch ôn tập phù hợp. 
Kỳ thi thử mà Trường THPT chuyên (Đại học Vinh) vừa tổ chức với trên 5.000 học sinh của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tham gia cũng đã đem lại nhiều kết quả đáng suy ngẫm. Vì trên thực tế, dù có trên 65% bài thi đạt trên 5 điểm nhưng theo Tiến sỹ Lê Xuân Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Trong cách làm bài thi của các em vẫn có những hạn chế, kể cả với những học sinh  được đánh giá là học lực tốt”. Đó là, học sinh có thể đã nắm được kiến thức đầy đủ,  nhưng trong cách làm bài chưa chắc chắn, chủ quan và “thường mất điểm ở những câu dễ”. Quá trình làm bài vì các em không hiểu sâu vấn đề, không suy nghĩ kỹ câu hỏi để xác định trọng tâm, nên rơi vào tình trạng làm bài dài dòng, máy móc, diễn giải khó hiểu, tốn nhiều thời gian. Đây cũng là lỗi thường gặp ở những học sinh hay đi học ôn ở các trung tâm, các lớp luyện thi, vì đa phần ở những lớp này các thầy giáo chỉ dạy ôn theo từng dạng đề chứ không dạy theo kiến thức cơ bản, nên cách hiểu của học sinh không sâu, máy móc, thiếu sự chắc chắn. 
Tiến sỹ Lê Xuân Sơn cho biết thêm: Chỉ còn 3 tháng nữa, các em hãy đọc và xem kỹ nội dung, đề thi  minh họa của Bộ để thấy được trọng tâm kiến thức mình cần ôn tập. Chủ trương của Bộ năm nay đề thi chỉ xoay quanh kiến thức trong sách giáo khoa và lớp 12 nên học sinh chỉ cần học hành nghiêm túc dưới sự hướng dẫn giáo viên của trường là có thể tự tin làm tốt bài thi. Để làm tốt bài thi, các em không phải chú trọng quá nhiều những vấn đề lớn, mà chỉ cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa thì đã có thể dễ dàng được 7 điểm. Riêng với môn Toán, hiện nay tỷ lệ câu dễ nhiều nên học sinh không nên chủ quan, làm kỹ bài tập trong sách giáo khoa và phải quan tâm đến phần giảm tải của Bộ. Mỗi dạng bài tập toán đều có các bước khác nhau, trong khi làm bài phải nắm vững các bước thực hiện, các dạng toán để giải quyết triệt để, ngắn gọn và đầy đủ. Môn Toán là môn tự luận phải viết, trình bày rõ ràng, sau mỗi câu hỏi phải có kết luận cụ thể, giữa các câu hỏi phải có khoảng cách.
Lê Thị Thu Trang (Lớp 12 A1, Trường THPT chuyên (Đại học Vinh), Giải Nhì Học sinh giỏi Tiếng Anh Quốc gia, Thủ khoa Khối D, Kỳ thi thử đại học) nêu suy nghĩ: “Em nghĩ rằng, để có kết quả tốt không cần cứ phải đến các lò luyện thi nhiều mà quan trọng nhất là phải siêng năng. Riêng em hiện chỉ học hai môn Toán và Văn, tiếng Anh em tự ôn tập ở nhà. Để làm tốt bài tiếng Anh, chúng ta cần chú trọng vào từng phần câu hỏi. Ví như trong phần tự luận thì cần phải viết đúng chính xác cấu trúc, ngữ pháp, bám chặt vào đề, trả lời trực tiếp vào câu hỏi và có vốn từ phong phú. Về phần thi trắc nghiệm.  nếu gặp  câu hỏi tương đối dễ, chúng ta nên trả lời ngay để tiếp tục qua câu khác. Không nên phí thời gian cho một câu hỏi nào đó, hoặc chưa hiểu rõ, hoặc quá khó. Nhớ ghi số thứ tự của câu đã bỏ qua vào giấy nháp để dễ nhận diện”. 
Học sinh lấy kết quả thi thử tại Trường THPT chuyên (Đại học Vinh).
Học sinh lấy kết quả thi thử tại Trường THPT chuyên (Đại học Vinh).
Bạn Lê Hà, cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, giải Nhất học sinh giỏi Địa lý toàn quốc 2 năm học 2012 - 2013, 2013 - 2014 chia sẻ: Để làm tốt một bài Địa lý chúng ta không chỉ học trong sách giáo khoa mà phải luôn nắm bắt, tìm hiểu các thông tin, sự việc, các vấn đề “nóng” của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với mỗi bài học sau khi học xong kiến thức cơ bản phải lập lại sườn bài ngắn gọn rồi áp chúng vào các trang Át lat sẽ hiểu và nhớ được kiến thức lâu hơn. Nắm vững kiến thức cơ bản, tuyệt đối không học vẹt, mọi câu hỏi đều bắt nguồn từ sách giáo khoa, tuy nhiên sẽ được nâng cao, hoặc cách điệu hoặc phức tạp hóa lên. Vì vậy phải biết lật lại vấn đề, lật lại câu hỏi trong khi đọc sách giáo khoa. Thời gian làm bài chỉ có 180 phút, trong khi đề từ 10 - 12 ý nên cần phải phân bổ thời gian hợp lý. Mỗi ý làm từ 10 - 12 phút, trong đó dành 2 - 3 phút đọc, định hướng và lập dàn bài.
Giáo viên Hứa Thị Hoa Mai, dạy môn Lịch sử Trường THPT Lê Viết Thuật (Nguyên là Giải Nhì học sinh giỏi Sử Quốc gia năm 2003) hướng dẫn: “Để học và ôn thi hiệu quả môn Lịch sử, các em học sinh cần phải có phương pháp học phù hợp và tâm lý thoải mái. Cụ thể, về tâm lý: Không tạo cho mình quá nhiều áp lực. Hãy học khi tâm lý thoải mái, quan niệm học không chỉ để thi mà còn để biết, học để trang bị những kiến thức cần thiết về lịch sử xã hội và những kiến thức đó cho ta nhiều bài học trong cuộc sống. Về kiến thức, cần nắm những kiến thức cơ bản, tổng quát, sau đó chia nhỏ thành các giai đoạn lịch sử (nên học theo sơ đồ cây, sơ đồ tư duy). Học bài nào thuộc bài đó, đối với những bài có diễn biến thì chỉ tập trung vào những sự kiện cơ bản, trọng tâm, không thuộc quá nhiều tiểu tiết... Ngoài thuộc kiến thức cơ bản, học sinh cần phải rèn luyện kỹ năng viết và phân tích sự kiện, bảng tổng hợp, niên biểu...”.

Liên quan đến kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch và phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2014 - 2015 và không được cắt xén chương trình đã quy định: "Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, đồng thời quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức ".

Ngoài ra,  Bộ cũng yêu cầu các trường phải tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch, thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho tự học.

Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN

Tin mới