Giữ bình yên biên cương

(Baonghean) - Bất kể đêm đông giá rét, hay ngày hè nắng cháy thịt da, nơi địa đầu Tổ quốc, bước chân của các chiến sỹ Biên phòng Nghệ An đã có mặt khắp các bản làng, biên giới để làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng  bản làng biên giới  yên vui, bà con các dân tộc có cuộc sống ấm no hạnh phúc. 
Chúng tôi được tham gia một buổi tuyên truyền pháp luật của đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Keng Đu tại bản Kèo Cơn, xã Keng Đu (Kỳ Sơn). Hôm nay người phổ biến các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho dân bản là Trung uý Xeo Văn Thắng, người con của đồng bào Khơ mú. Bà con dân bản tiếp thu rất nhanh bởi các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được “bộ đội” Thắng chuyển tải bằng ngôn ngữ phổ thông, kết hợp dịch sang tiếng nói của đồng bào Khơ mú. Anh Thắng cho biết: “Mỗi địa bàn, mỗi thành phần dân tộc khác nhau, trình độ dân trí khác nhau và đặc thù riêng, vì vậy, trong quá trình tuyên truyền, cán bộ, chiến sỹ BĐBP phải rất linh hoạt, đưa các ví dụ sát đúng với cuộc sống hàng ngày, gần gũi với bà con dân bản. Các đồn biên phòng tuyến biên giới cũng đã chú trọng lựa chọn những đồng chí có năng lực là người con của đồng bào các dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán, văn hoá, ngôn ngữ để tuyên truyền đến người dân…”.
Bộ đội biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Bộ đội biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Đã thành thông lệ, vào tối thứ Năm hàng tuần, Đại uý Già Bá Trừ, Đồn Biên phòng Na Ngoi (Kỳ Sơn) và anh em trong đội công tác vận động quần chúng lại lặn lội đến từng gia đình trên địa bàn đơn vị quản lý để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các chiến sỹ biên phòng đã nghiên cứu soạn thảo, lựa chọn nội dung, chủ đề tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của đồng bào vùng cao, ngay cả viếc lấy ví dụ cũng phải thật cụ thể, sát với cuộc sống của bà con và cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thượng tá Mai Văn Cường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Loi cho biết: Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, tình trạng vi phạm quy chế biên giới hàng năm đều giảm, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng tốt hơn.
Đề án tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 - 2016 được Chính phủ triển khai nhằm từng bước nâng cao kiến thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới. Ngay sau khi có đề án UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai kế hoạch thực hiện đến các huyện thị, địa bàn biên giới. Để thực thi có hiệu quả đề án, mỗi huyện, thị biên giới lựa chọn 1 xã làm điểm để triển khai rồi tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn. Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai đề án của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới, tổ chức họp các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong địa bàn để tổ chức triển khai đề án đến tận từng thôn bản. Cùng với đội ngũ cốt cán ở cơ sở, BĐBP Nghệ An đã trực tiếp tuyên truyền một cách sâu rộng, nhằm chuyển tải nội dung đến bà con nhân dân một cách có hiệu quả.
Bằng những cách làm cụ thể như: sân khấu hoá các nội dung tuyên truyền, trực tiếp đi biểu diễn ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa; tổ chức phát tờ rơi, cử cán bộ đến từng gia đình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân vùng biên giới, bên cạnh đó, kết hợp giữa tuyên truyền cộng đồng và giúp đỡ từng trường hợp cụ thể... Với trách nhiệm và tình thương của những người lính ở biên cương, những  người lầm lỗi càng chí thú làm ăn và sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ BĐBP góp phần gìn giữ bình yên nơi mảnh đất địa đầu. Trường hợp của anh Lương Văn Phèng, bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn là một ví dụ điển hình.
Năm 2010, Phèng bị bắt giữ do phạm tội buôn bán chất ma tuý, Phèng bị phạt 7 năm tù và chấp hành cải tạo tại trại giam số 3 (Tân Kỳ). Nhờ cải tạo tốt Phèng được ra tù trước thời hạn, trở về địa phương làm lại cuộc đời. Anh nhận được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Loi. Và nhờ những người lính quân hàm xanh thường xuyên đến động viên, giúp đỡ về mặt tinh thần cũng như hướng dẫn phát triển kinh tế, chỉ sau một thời gian ngắn, Lương Văn Phèng quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện, anh đã xây dựng được cơ nghiệp với ngôi nhà khang trang, đàn trâu 6 con và 1 ao cá cùng ruộng vườn đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Anh còn tình nguyện trở thành thành viên tích cực trong tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con nơi anh sinh sống. 
Xác định công tác  tuyên truyền về pháp luật cho nhân dân, nhất  là nhân dân khu vực biên giới, hải đảo, là nhiệm vụ chính trị,  công tác thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trong quá trình triển khai  đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ  biên phòng phải  bám địa bàn, gần dân, hiểu dân, áp dụng những hình thức mềm dẻo như tọa đàm, sinh hoạt, giao lưu văn nghệ hoặc giúp dân sản xuất để trực tiếp tuyên truyền...  qua đó, nâng cao nhận thức, hướng dẫn bà con giải quyết mọi quan hệ, khó khăn theo đúng quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất, góp sức cùng những những người lính biên phòng giữ gìn bình yên biên cương.
Hải Thượng

Tin mới