HĐND tỉnh Nghệ An quyết tâm tiên phong chuyển đổi số

(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số giờ đây không còn là một lựa chọn, mà trở thành yếu tố có ý nghĩa quyết định nếu không muốn bị tụt hậu. HĐND tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu là một trong những cơ quan tốp đầu của tỉnh thực hiện hoạt động chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nhanh chóng bộ máy hành chính - công vụ

1 trong 3 đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khai trương giao diện mới trang thông tin điện tử "Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An". Ảnh tư liệu: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khai trương giao diện mới trang thông tin điện tử "Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An". Ảnh tư liệu: Thành Duy

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình về Chuyển đổi số Quốc gia. Theo đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Đối với Nghệ An, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai Đề án Xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy vậy, những kết quả đạt được mới chỉ đặt nền móng bước đầu cho quá trình chuyển đổi số. Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vẫn còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, thực hiện Chương trình hành động của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tới đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, với quyết tâm cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, Nghệ An xác định giải pháp có tính đột phá là chuyển đổi số nhanh chóng, toàn diện hoạt động của bộ máy hành chính - công vụ của tỉnh. Năm 2022, tỉnh cũng đã chọn chuyển đổi số là chủ đề của công tác cải cách hành chính.

Giao diện Trang thông tin điện tử
Giao diện Trang thông tin điện tử "Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An".

Trong bối cảnh đó, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2021 của Thường trực HĐND tỉnh vào chiều 27/12: HĐND tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số với tinh thần đi đầu, tiên phong trong thực hiện nội dung này.

Khâu đột phá của HĐND tỉnh

HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có những bước đi trong lộ trình chuyển đổi số, trước hết là trong chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp; thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; tiếp xúc và giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo; quản lý hệ thống văn bản bằng phần mềm VNPT-IOffice.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, tài liệu các cuộc họp, phiên họp của Thường trực, các Ban, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đều được hạn chế in ấn mà gửi cho các thành viên dự họp thông qua hộp thư điện tử công vụ. Trong năm 2022, HĐND tỉnh sẽ trang bị máy tính bảng cho các đại biểu và chính thức tổ chức các kỳ họp không giấy.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, từ ngày 7 - 9/12/2021. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, từ ngày 7 - 9/12/2021. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Tháng 9/2021, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử “Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”, ra mắt giao diện mới thân thiện với tất cả các loại thiết bị đầu cuối, thu hút độc giả cả về nội dung và hình thức, trở thành diễn đàn của cơ quan dân cử ở địa phương và tăng cường sự kết nối giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh với cử tri, Nhân dân, doanh nghiệp. Tài liệu kỳ họp, nghị quyết của HĐND tỉnh, ý kiến, kiến nghị của cử tri và trả lời của cơ quan có thẩm quyền đều được đăng tải để đại biểu HĐND tỉnh, độc giả, cử tri tra cứu, theo dõi.

Trao đổi với Báo Nghệ An, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Trong năm 2022, HĐND tỉnh sẽ xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026”; bao gồm nhiều nội dung, trong đó, trọng tâm là Kế hoạch chuyển đổi số, hệ thống hóa và triển khai đồng bộ việc số hóa hầu hết các hoạt động của HĐND tỉnh; lấy việc tổ chức các kỳ họp không giấy, kết hợp trực tiếp với trực tuyến làm khâu đột phá; nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, theo dõi việc trả lời kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giám sát và thực hiện các kiến nghị giám sát bằng phần mềm.

“Đồng thời, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin gắn với tập huấn, hướng dẫn nâng cao kỹ năng Tin học văn phòng, sử dụng phần mềm, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tuân thủ nghiêm các quy định về bảo mật, an toàn, an ninh mạng; khai thác tối đa các tiện ích của phần mềm quản lý văn bản VNPT-IOffice; Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

Trong năm 2022, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành Kỳ họp không giấy, các thao tác của đại biểu sẽ thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng. Ảnh Thành Cường
Trong năm 2022, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành Kỳ họp không giấy, các thao tác của đại biểu sẽ thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng. Ảnh: Thành Cường

Chuyển đổi số đang làm thay đổi rất nhanh chóng hành vi của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua tốc độ chuyển đổi càng diễn ra nhanh hơn. Do đó, mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đây là vấn đề mang ý nghĩa sống còn, bởi nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Tin rằng, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ sớm thực hiện thành công chuyển đổi số nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; đáp ứng tốt nhất cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, qua đây tạo sức lan tỏa để quá trình chuyển đổi số ở Nghệ An sẽ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.

Số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số; trong khi đó, chuyển đổi số là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa; áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem số hóa như một phần của quá trình chuyển đổi số.

Tin mới