Hơn 300km đường tỉnh xuống cấp, Giám đốc Sở GTVT 'kêu' khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tại phiên chất vấn chiều 8/12, Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền cho biết, qua khảo sát có trên 300km đường tỉnh đang xuống cấp, nhưng do nguồn kinh phí của tỉnh rất khó khăn nên hằng năm chỉ sửa chữa được một số vị trí cấp bách.

Chiều 8/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị xã.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Thành Cường

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh chất vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ và Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải 2 nội dung: Công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ; Việc bố trí nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., các đại biểu còn chất vấn nhiều nội dung mà cử tri quan tâm.

Đại biểu Vi Văn Quý (đơn vị Quỳ Hợp) nêu vấn đề, tuyến Tỉnh lộ 532 từ các xã Châu Lộc - Liên Hợp - Châu Hồng - Châu Thành (Quỳ Hợp) đã xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề này đã được cử tri và đại biểu phản ánh tại nhiều diễn đàn và cũng đã được UBND tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, sự quan tâm còn khiêm tốn, nếu không nói là nhỏ giọt.

Đại biểu Vi Văn Quý - đơn vị Quỳ Hợp nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Vi Văn Quý - đơn vị Quỳ Hợp nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Tổng chiều dài của tuyến đường là 28,5km, nhưng hàng năm UBND tỉnh chỉ điều tiết từ nguồn duy tu bảo dưỡng từ 1 đến 2km. Căn cứ theo chiều dài của tuyến đường thì phải mất 14 năm mới đến được điểm cuối của tuyến đường. Theo quy định của Nhà nước, các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản thì cần phải điều tiết nguồn lực để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đường này.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quý, ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh, đây là ý kiến hoàn toàn đúng. Tỉnh lộ 532 trước đây là đường huyện, đến năm 2016 được nâng cấp lên thành đường tỉnh. Trước khi được nâng cấp lên thì tuyến đường cũng đã xuống cấp. Hơn nữa, đây là tuyến đường từ xã Châu Lộc đến xã Châu Thành, đây là vùng có nhiều mỏ đá, lưu lượng phương tiện chở khoáng sản rất lớn nên tuyến đường càng bị ảnh hưởng và ngày càng xuống cấp.

Ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT trả lời nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT trả lời nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Từ khi tiếp nhận đến nay, ngành Giao thông vận tải đã sửa chữa được hơn 9km, sửa chữa 1 cầu, 1 tràn với tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí sửa chữa định kỳ, được bố trí trong vốn sự nghiệp giao thông. Nên để đảm bảo sửa chữa được toàn bộ hơn 28km là rất khó khăn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết thêm rằng, hiện nay ngành đang quản lý trên 40 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 932km. Hiện theo tính toán của ngành qua khảo sát thì có trên 300km đường tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, nguồn kinh phí sửa chữa định kỳ của tỉnh rất khó khăn nên hàng năm chỉ sửa chữa được một số vị trí cấp bách.

Theo ông Hoàng Phú Hiền, năm 2021, ngành Giao thông vận tải đã kiến nghị HĐND tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 28 bố trí thêm khoảng 60 tỷ đồng nên năm 2022, ngành đã đưa vào kế hoạch sửa chữa Tỉnh lộ 532. Dự kiến vào năm 2023, sẽ bố trí thêm một số đoạn, khoảng tầm 3km nữa. Tuy nhiên, để đảm bảo sửa chữa được các tuyến đường sẽ rất khó khăn. Vì thế, giải pháp trước mắt là ngành sẽ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, bố trí biển báo đảm bảo việc đi lại thuận lợi.

Tuyến Tỉnh lộ 532 xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh tư liệu

Tuyến Tỉnh lộ 532 xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh tư liệu

Đối với giải pháp lâu dài sẽ rà soát lại các vị trí hư hỏng lớn, ưu tiên bố trí kinh phí khắc phục, đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho nhân dân. Tại kỳ họp này, ngành Giao thông vận tải cũng kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành quan tâm hỗ trợ ngành Giao thông vận tải và các địa phương để có nguồn vốn để bố trí sửa chữa, cải tạo hơn 28km tuyến Tỉnh lộ 532.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết, sau khi Sở Giao thông vận tải xét thấy cần phải đầu tư đưa vào kế hoạch đầu tư công thì Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh cân đối kinh phí trong khả năng để tạo điều kiện hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa tuyến đường.

Đại biểu Lữ Thị Khuyên (đơn vị Con Cuông) nêu câu hỏi: Tại Nghị quyết số 33/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, mục tiêu xác định cơ cấu hỗ trợ đối ứng cho các dự án ODA, các dự án sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và đưa vào sử dụng các dự án phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc bố trí vốn đối ứng chưa đảm bảo, đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân và các giải pháp trong thời gian tới?

Đại biểu Lữ Thị Khuyên - đơn vị Con Cuông nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Lữ Thị Khuyên - đơn vị Con Cuông nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Khuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết, nguyên tắc bố trí vốn các dự án ODA trước khi có Luật Đầu tư công thì có tình trạng kéo dài. Tuy nhiên, sau khi có Luật Đầu tư công thì các dự án ODA đã đảm bảo đầy đủ nguồn vốn đối ứng.

Trong giai đoạn 2021-2025, Nghệ An có 19 dự án ODA, trong đó có 9 dự án đã hoàn thành thi công (6 dự án đã làm thủ tục quyết toán và 3 dự án đang làm thủ tục quyết toán). Đối với các dự án còn lại, trong đó có 3 dự án liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án phát triển hạ tầng toàn diện tỉnh Nghệ An, Dự án quản lý cơ sở đất đai và dự án LRAM) đã đảm bảo đủ nguồn vốn đối ứng và các nội dung liên quan theo quy định.

Tin mới