Kể thêm về Trần Hữu Thung

(Baonghean) - Đã có khá nhiều bài viết về tác giả bài thơ “Thăm lúa” nổi tiếng .Tôi muốn nhìn thêm một khía cạnh mà cũng là bản chất về Trần Hữu Thung như nhà văn Bùi Hiển (bạn chí cốt của anh) đã nói: “Nhà thơ nông dân”.

Quê anh Thung ở Diễn Minh, Diễn Châu, đất đai phần nhiều là đồng chiêm trũng nhưng có hòn lèn Hai Vai với cảnh trí nổi tiếng. Khách đi đường đến Ngã ba phố huyện nhìn lên vẫn nom rõ và tưởng như núi Hai Vai cứ rõi theo mình. Có lần, anh kể với bạn bè: “Đấy là nơi cứ chiều hôm chim và dơi từ khắp nơi bay về chao liệng rồi ngủ đêm. Chúng cho nguồn phân bón ruộng rất quý đối với những người đàn ông chịu khó leo trèo để tìm nhặt. Nhưng rồi có trường hợp, một chàng trai khi đặt chân lên cái tai đá thì không may nó gãy. Anh rơi nhào từ trên cao xuống rồi không cứu được!”. Mỗi lần Trần Hữu Thung kể chuyện ấy với bạn bè, mắt anh cứ rơm rớm nước.

Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Hữu Thung vừa học xong bậc Phổ thông thì về hoạt động văn hóa ở làng, là tay bẻ vè, đặt ca dao có hạng. “O Bưởi”, “Hai Tộ hò khoan”…, rất đông trẻ em và học sinh trong vùng thuộc lòng thơ anh, đọc ra rả.

Giặc Pháp từ Nam phần Trung Bộ đánh ra. Bình Trị Thiên thành vùng bị địch chiếm, Phân hội Văn nghệ Liên Khu Tư do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Chi hội trưởng từ Huế chuyển ra. Các văn nghệ sĩ sớm nổi tên tuổi: Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Phan Thanh Nam, Nguyễn Trung Anh… cùng về hội tụ. Chi hội Văn nghệ đóng trụ sở ở Đô Lương. Còn Trường Thiếu sinh quân thì đóng ở Hương Sơn. Các nhà nghiên cứu lừng danh Hải Triều, Nguyễn Tiến Lãng… thường vượt cả sông La, sông Lam, sang bên này nói chuyện về chủ nghĩa Mác. Cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra gian khổ từ đầu nên miền tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh càng là vùng thánh địa của Tổ quốc Việt Nam trong một thời đạn lửa. Một dải đất từ Lường qua Rạng xuống Sa Nam thấm đẫm dấu chân và cả mồ hôi của các thi nhân, nghệ sĩ, học giả lừng danh ở thời đầu kháng chiến chống Pháp, là một phần hình ảnh của cuộc hội tụ non sông lúc bấy giờ.

Trần Hữu Thung được điều lên đó. Một học trò biết chắt chiu từng con chữ được gặp những cây bút có tâm hồn, tài nghệ vốn đã lừng danh, thật như con cá trắm được thả vào một vùng hồ to rộng. Và ở anh, văn nghệ bình dân được hòa vào văn chương bác học. “Chỉ tiếc là mình không đủ sức mà tiếp nhận trí tuệ, tài năng của những con người là bậc thầy như vậy”. Anh đã từng thổ lộ với niềm luyến tiếc không sao tránh khỏi như thế. Rồi anh được chọn đi học lớp Văn nghệ kháng chiến ở Quần Tín (khoảng đầu năm 1948).

Quần Tín xưa  thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, và bấy giờ là đất Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hồi đó Trần Hữu Thung ở chung nhà với Bùi Hiển. Và theo nhà văn sớm được bạn đọc biết đến bởi tập truyện “Nằm vạ” này nói thì Trần Hữu Thung rất dễ hòa nhập vào cuộc sống thôn quê dù là nơi ngoại tỉnh có khác biệt về tiếng nói, về tập quán sinh hoạt. Hễ thấy việc cần giúp là anh xắn tay vào. Hồi ấy bên hàng xóm nơi họ ở trọ có anh chàng lấy hai vợ. Một hôm vì chị cả và chị lẻ cãi nhau, ông chồng không can được, tức quá chạy vào buồng thắt cổ. Khi một trong hai chị phát hiện ra rồi hô hoán lên thì các anh Thung và Hiển chạy sang. Anh Thung liền bắc ghế đỡ kẻ xấu số ấy xuống rồi sờ lên ngực thấy còn nóng thì cả Hiển nữa, cùng làm các động tác xoa bóp, hồi sức nhưng không cứu được. Sau này Bùi Hiển kể lại trong hồi ký “Bạn bè một thuở” rằng: Bấy giờ Thung lắc đầu, ngao ngán: “Lão ni còn trẻ, vợ nậy vợ bé mần chi cho thêm rắc rối. Hai đùi lão chắc nịch, tròn vo, chết uổng !”. Nhưng “Thung cứ tỏ ra ân hận mãi về chuyện có lẽ do mình chưa chú ý học về các phương pháp cấp cứu người khi họ bị nạn”.

Hồi ấy trước làng Quần Tín cũng có con nông giang từ bara sông Chu chảy về. Anh Thung nói, thật giống như cảnh trí nơi Trung Phường quê mình. Không chiều nào anh không ra đấy hụp lặn, có khi dòng nước đẩy xuống gần nơi các nữ học viên Cẩm Lai, Cẩm Thạnh, Thanh Hương, Hoài Trinh, Nhạn, Tín… thường rủ nhau ra tắm. Mãi khi nghe tiếng cười rộ lên anh chàng mới giật thót mà quay trở lại. Cũng có khi ra đến nơi thấy một ông già đang vất vả đẩy cày vì con trâu cũng gầy, đi uể oải, Thung chạy đến, đỡ lấy, làm giúp. Anh dong thẳng dây mũi, con vật bước nhanh hơn. Còn anh thì quên cả tắm.

Rồi bài thi cuối khóa học ở Quần Tín của Trần Hữu Thung là chuyện vè: “Cò trắng phát thanh”. Bùi Hiển nhớ là: “Giọng văn của bài vè mộc mạc, khỏe khắn, khiến Ban Giám khảo nhà trường chú ý, tặng giải cao”.

Từ “Cò trắng phát thanh” đến “Thăm lúa”, chất vườn tược, ruộng nương, làng xóm với bàn tay người dân quê mới rõ nét, giàu sức sống và dễ mến làm sao khi thơ Trần Hữu Thung cứ từng bước thăng hoa.

Chu Trọng Huyến (TP. Vinh)

Tin mới