Khi bóng đá Việt Nam dần 'đồng bộ’ với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bắt đầu từ mùa bóng 2023 này, mọi công việc chuẩn bị sẽ được hoàn tất để đến cuối năm, V-League chính thức đồng bộ với lịch thi đấu của bóng đá thế giới với mùa giải 2023-2024.

Đội tuyển Việt Nam không lấy lại được ngôi vua AFF Cup 2022 từ tay người Thái chắc chắn sẽ khiến cho công cuộc chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt phải được triển khai tích cực hơn, đồng bộ hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Không còn con đường nào khác, bóng đá Việt chuyên nghiệp hơn nghĩa là phải hội nhập toàn diện với bóng đá khu vực, châu lục và thế giới.

Bắt đầu từ mùa bóng 2023 này, mọi công việc chuẩn bị phải được hoàn tất để đến cuối năm, V-League chính thức đồng bộ với lịch thi đấu của bóng đá thế giới với mùa giải 2023-2024. Bên cạnh V-League, tất nhiên, mọi hoạt động thi đấu, tập huấn của các đội tuyển đều tuân thủ theo lịch của FIFA, nghĩa là không có chuyện nghỉ tết, nghỉ lễ theo truyền thống lâu nay của Việt Nam. Tất nhiên, trong khuôn khổ thời gian cho phép, cơ quan chuyên trách bóng đá Việt sẽ phải biết cách để làm sao mọi hoạt động bóng đá vừa tuân thủ lịch của FIFA vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nên nhớ, mùa bóng ở châu Âu chẳng hạn, người ta vẫn bố trí thi đấu không giống nhau. Trừ bóng đá Anh với nhiều giải đấu lâu đời, lịch thi đấu kín mít, thi đấu cả ngày lễ, tết thì nhiều nền bóng đá khác cầu thủ vẫn được nghỉ ngơi theo luật định, ngày tết dương lịch chẳng hạn.

Đội tuyển Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh tư liệu

Đội tuyển Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh tư liệu

Không phải ngẫu nhiên, sau AFF Cup 2022, ông Park Hang-seo lại không kéo dài hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam rất thành công dưới thời ông thầy Hàn Quốc là điều không cần bàn cãi. Nhưng việc các đội tuyển dần bị bắt bài, không thể vượt qua người Thái, đòi hỏi một cuộc cách mạng mới về lối chơi, về con người.

Ông Park Hang-seo cầm quân với nhiều bài vở khoa học, hiện đại, kết hợp với việc phát huy tính tập thể, sự đoàn kết cộng đồng sức mạnh của các tuyển thủ, dựa nhiều vào bài toán tâm lý, khích lệ, tình “bố con” thắm thiết. Các đội tuyển lại có thời gian tập trung dài ngày, lợi cũng có mà hại cũng có. Nếu bóng đá Việt thực sự chuyên nghiệp với sự đồng bộ hóa với bóng đá thế giới thì thử hỏi làm sao có thể “phá lịch” để dành thời gian cho các đội tuyển như lâu nay? Tình cảm “bố-con”, ông thầy và những học trò cưng sẽ có “đất” nào để diễn?

Vậy nên, ông Park Hang-seo dừng lại là đúng thời điểm để bóng đá Việt bước sang một trang mới, phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh mới. Người ta đang nói đến một ông thầy mới lừng lẫy, quen thuộc với bóng đá Việt sẽ tiếp tục sự nghiệp đưa bóng đá Việt vươn tầm. Ông thầy này sẽ chỉ tập trung quân trong những dịp nhất định theo thế giới, sẽ ghép các cầu thủ chuyên nghiệp từ các đội để thi đấu giao hữu hoặc các giải chính thức, xong lại nhả quân về các đội bóng. Ông thầy sẽ luân phiên theo dõi cầu thủ qua các vòng đấu V-League hay Cup quốc gia, các giải đấu châu lục, khu vực và “chấm” quân. Không có chuyện lên tuyển rồi thị phạm các bước từ đầu như lâu nay. Cũng không có chuyện một số cầu thủ không đạt phong độ tốt tại câu lạc bộ lại được mời lên tuyển. Nói thế để thấy yêu cầu với đội ngũ huấn luyện viên là rất cao, với tuyển thủ lại càng cao mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra.

Khi và chỉ khi có một ông thầy giỏi thực sự thì mới biết tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát huy những nhân tài bóng đá. Ông Park Hang-seo là một người dụng công, miệt mài với công việc nhưng ông cũng may mắn khi có được một lứa cầu thủ tâm huyết, tài năng. Nhưng nếu xem lại toàn bộ chiến dịch Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, xem 2 kỳ AFF Cup thì dễ thấy lứa tuyển thủ vàng này đã phát huy hết công suất vốn có, tâm huyết vốn có và gần như bất lực trước các đối thủ hàng đầu châu lục, kể cả đối thủ hàng đầu khu vực là Thái Lan và gặp khó trước không ít các đội bóng khác.

Hùng Dũng là một cầu thủ giỏi, nhưng vị trí tiền vệ trụ do anh đảm trách không thể nói là tạo được sự an tâm và đội tuyển cần một cầu thủ mạnh mẽ, giàu thể lực, va chạm, giàu tính chiến đấu và có uy lực cao hơn. Hoàng Đức đầy tự tin, tinh tế trước bất cứ đối thủ nào là điểm mạnh hiếm có. Nhưng cầu thủ này không dồi dào thể lực, tính sáng tạo cũng không cao. Hãy xem Theerathon của Thái Lan thi đấu để thấy tuyển thủ này có những ưu trội gì mà chúng ta mơ ước? Hãy xem Chanathip thi đấu và cống hiến để thấy Quang Hải đang dần đánh mất mình ra sao?

Hy vọng ông thầy mới của bóng đá Việt sẽ đồng bộ thực sự với bước đi lên chuyên nghiệp hiện nay, để biết soi tìm người tài, phát hiện người tài, tập hợp nhân tài làm nên sức mạnh mới. Quá trình tôi luyện, quá trình thành công và thất bại sẽ hun đúc nên những cầu thủ tài năng như cách Theerathon của Thái Lan cho chúng ta bài học sâu sắc, đến mức thán phục, công nhận để mà học hỏi, tiến bộ. Sẽ là rất đáng lo nếu sau Quang Hải không có một ngôi sao mới mọc trên sân cỏ, kể cả những cầu thủ thời ông Park Hang-seo nay đạt được bước tiến vượt bậc không ngờ.

Tin mới