Không có chuyện phân biệt các ứng cử viên trong quá trình hiệp thương

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, việc hiệp thương lựa chọn những ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 hoàn thành. Tuy nhiên danh sách về ứng cử viên tự ứng cử và chất lượng của ứng viên vẫn đang là mối quan tâm của rất nhiều cử tri.

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huy - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Huy phát biểu tại hội nghị hiệp thương lần thứ để chốt danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiemejj kỳ 2016 - 2021
Ông Nguyễn Văn Huy phát biểu tại hội nghị hiệp thương lần thứ để chốt danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

P.V: Thưa ông, tiêu chí nào để “sàng lọc”, lựa chọn những người ứng cử ?

Ông Nguyễn Văn Huy: Trước hết, đó là trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Thứ hai, chính vì vậy, đòi hỏi những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải có tính đại diện cho lĩnh vực, ngành, tổ chức, đơn vị; khối Đảng, chính quyền, khối dân.... Tính đại diện còn thể hiện ở cơ cấu nữ, trẻ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trí thức, nông dân, công nhân, trí thức...
Trên cơ sở các căn cứ đó, thông qua 3 vòng hiệp thương ở các cấp để thống nhất, lựa chọn những người xứng đáng ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo tinh thần vừa đảm bảo tiêu chuẩn, vừa đảm bảo về cơ cấu, tính đại diện.
P.V: Thưa ông! Có hay không viêc phân biệt đối xử giữa những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử trong quá trình hiệp thương? 
Ông Nguyễn Văn Huy: Chúng tôi khẳng định không có sự phân biệt đối xử giữa những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử trong quá trình hiệp thương lựa chọn. Mọi quy trình, nội dung công việc trong quá trình hiệp thương được thực hiện công khai, bình đẳng, dân chủ và theo đúng pháp luật.
Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, trong đó quy định công dân có đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử, tỉnh ta đã đảm bảo quyền được ứng cử của người dân, không có sự phân biệt người trong tổ chức các cơ quan nhà nước, đại diện cho các doanh nghiệp, các tổ chức hay người tự ứng cử tự do. 
Và ở cả 4 cấp, Nghệ An đều có người tự ứng cử, trong đó có 5 người ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV; 1 người ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021; 4 người ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 64 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Trong số những người tự ứng cử này có người đại diện cho một tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh và kể cả là người hoạt động tự do. Tất cả những người ứng cử đều được các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục ứng cử theo quy định; đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ hai, thứ ba để xem xét, lựa chọn. 
Những người ứng cử (dù là những người ứng cử được giới thiệu hay tự ứng cử) có đầy đủ tiêu chuẩn, có sự tín nhiệm cao của cư tri nơi công tác và nơi cư trú nhưng không đủ điều kiện về cơ cấu thì sẽ được hội nghị hiệp thương vòng 3 quyết định đưa khỏi danh sách chính thức ứng cử viên cho cuộc bầu cử sắp tới. 
Và những người ứng cử tín nhiệm thấp thì đương nhiên không có đủ điều kiện để đưa vào danh sách chính thức. 
P.V: Vậy có sự không dân chủ và hình thức ở hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Huy: Có thể khẳng định, các hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử được thực hiện công khai, minh bạch và rất dân chủ. Tại các hội nghị, cử tri bày tỏ rất rõ ràng, sòng phẳng, không có sự thiên vị; có những ý kiến phát biểu thẳng thắn, nêu ý kiến về một số người ứng cử không bao giờ hoặc ít tham gia vào các sinh hoạt ở cộng đồng và làm các nghĩa vụ đối với khu dân cư; thiếu gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, quy định ở khu dân cư... 
Chứ không có chuyện các điểm hiệp thương dàn dựng để hạ thấp uy tín của người ứng cử như một số người thắc mắc.
Đối với những người ứng cử này cử tri đã bày tỏ sự không tín nhiệm của mình thông qua hình thức bỏ phiếu kín. Trong số đó, có 1 người, cử tri tín nhiệm 0%; có người chỉ đạt tín nhiệm dưới 5%, dưới 10%, dưới 50%. Nếu trong một phạm vi khu dân cư nhỏ hẹp nơi mình sinh sống mà anh không nêu gương, không được cử tri bày tỏ sự tín nhiệm thì không thể đại diện cho cử tri cả nước, cử tri cả tỉnh, huyện và xã để làm tròn vai trò của người đại biểu dân cử được.
Chúng tôi cũng đã tiếp nhận được ý kiến cho rằng sự không dân chủ trong hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến cá nhân của người ứng cử và hoàn toàn không có ý kiến mang tính đại diện cử tri, đại diện nhân dân ở khu dân cư.
Mặc dù vậy, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ và khẳng định, các hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp hoàn toàn dân chủ, đúng pháp luật. 
  Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN

Tin mới