Kiếm nửa triệu mỗi ngày từ săn dế cơm sau lũ ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nước lũ dâng cao, dế di chuyển vào bãi nổi, leo lên các bụi cây dọc bờ sông để tránh ngập. Người dân các xã dọc sông Lam đổ xô đi bắt dế. Có những người, kiếm được từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày từ bán loại dế cơm này.

bna_đi bắt.jpg
Người dân dọc sông Lam đi săn dế sau mưa lũ. Ảnh: Thanh Phúc

Mưa lớn những ngày cuối tháng 9 khiến nước lũ dâng cao, dế cơm từ các hang hốc sát bờ sông phải di chuyển vào bãi nổi, leo lên các bụi cây để tránh ngập. Người dân các xã dọc sông Lam từ Anh Sơn xuống Hưng Nguyên đổ xô đi bắt dế. Có những người, mỗi ngày kiếm được từ 500.000 - 1 triệu đồng từ bán dế.

Chừng 10 ngày nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đều tranh thủ sáng sớm hoặc giữa trưa ra bãi bồi sông Lam để bắt dế. Dụng cụ mang theo là can nhựa 10 lít, xẻng, chai nhựa khoét lỗ. Tại các bãi đất dọc sông rộng mênh mông, hàng trăm ụ đất mới nổi lên, dấu hiệu của tổ dế. Múc nước sông vào can nhựa, gạt lớp đất bên trên, khi thấy miệng lỗ, anh đổ nước vào, bị ngập, con dế béo tròn chui ra khỏi tổ, chị vợ nhanh chóng bắt dế bỏ vào chai nhựa đeo bên mình.

bna_đổ dế.png
Cách săn dế phổ biến nhất là đổ nước vào hang. Ảnh: Thanh Phúc

“Giờ nước lũ đang rút dần, tổ dế cũ bị bồi lấp, dế làm tổ mới. Do đó, việc săn dế cũng dễ dàng hơn vì tổ mới dễ nhận biết, chỉ cần đổ nước vào là dế bò ra khỏi hang, không mất công đào. Tuy nhiên, đi săn dế phải nhanh tay nhanh mắt, nếu chậm nó sẽ nhảy đi chỗ khác hoặc sẽ chui vào hang sâu thì rất khó để bắt”, chị Hằng cho biết.

Không chỉ chị Hằng mà săn dế mùa nước nổi đã trở thành nghề thời vụ của người dân dọc sông Lam như Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Thanh Đồng, Ngọc Sơn… Có những người đi săn dế chỉ là thú vui, về “ăn chơi” nhưng phần lớn săn dế để bán, kiếm thêm thu nhập trong những ngày mưa gió. Có những người, chỉ một buổi đi săn cũng bắt được vài trăm con dế, theo giá thị trường là 2.000-3.000 đồng/con cũng mang lại nguồn thu 500.000 - 700.000 đồng.

bna_ghép lại.jpg
Thành quả một ngày đi săn dế của nhóm anh Ngũ Văn Quân (xóm Thạch Sơn, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc

Mấy ngày nay, nhóm của anh Ngũ Văn Quân (xóm Thạch Sơn, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương) tích cực đi săn dế. Nước sông dâng cao, anh cùng nhóm bạn chèo thuyền dọc sông Lam để bắt dế. Có những ngày, nhóm của anh bắt được 700-1.000 con dế.

Anh Quân cho biết: “Mùa nước nổi, dế bò ra khỏi hang, bám vào các cành cây, các đám dây leo, cây bụi để tránh ngập. Do đó, không mất công đào bắt, đổ nước, chỉ cần dùng sự nhanh nhạy, khéo léo để chụp dế bỏ vào túi lưới mang theo. Dế bắt được chừng nào đều có các quán hàng thu mua hết. Ngày cao điểm, mỗi người cũng kiếm được 500.000 - 700.000 đồng”.

bna_bán dế.jpg
Dế cơm được bán với giá 1.500 - 3.000 đồng/con. Ảnh: Thanh Phúc

Săn dế sau lũ cũng là nghề thời vụ của người dân xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường (Nam Đàn), Long Xá, Châu Nhân (Hưng Nguyên). Bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm 1, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lũ, bà con lại ra bãi cát bắt dế về ăn hoặc bán. Nước lũ dâng cao bao nhiêu thì dế càng nhiều và dễ bắt bấy nhiêu. Rất nhiều người trong làng đi đào dế, nhất là vào thứ Bảy và Chủ nhật, người lớn, trẻ con đều kéo nhau ra bãi săn dế. Người ít cũng bắt được vài ba trăm con dế một buổi. Nhà đông người, có khi bắt được cả nghìn con mỗi ngày, dễ kiếm được tiền triệu”.

Đi dọc đê ven sông Lam quãng này, trên bãi là những nhóm từ 3-5 người cầm theo can nhựa, cuốc, xẻng và túi lưới đi săn dế. Ở những mô đất cao, nước lũ không thể gây ngập thì đó là nơi có nhiều dế, mùa này dế vừa lên bãi tránh lũ, vừa đào hang làm tổ sinh sản nên rất dễ săn bắt.

bna_3.jpg
Có nhiều người bắt dế để ăn chơi, là thú vui nhất là các nhóm trẻ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo kinh nghiệm của những người đi săn dế lâu năm thì dế ít hay nhiều phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào mưa lụt nhiều và có nhiều sương mù là năm đó dế lên hang nhiều.

Săn dế có nhiều cách, nếu đúng ngày mưa lũ, dế bám trên cành cây thì chỉ cần bắt, chụp, vợt; còn bình thường thì dùng cách đổ nước hang cho dế chui ra, hoặc dùng cuốc bổ từng nhát rồi lần theo xuống hang, hoặc dùng sợi dây thép gắn lò xo luồn vào bên trong để bắt…

bna_món ngon.jpg
Dế cơm chế biến được nhiều món ngon: chiên giòn, tẩm bột rán, xào lá chanh... Ảnh: Thanh Phúc

“Nhà tôi có 3 sào đất bãi, mùa này trồng ngô, nước dâng cao nên ngập mất 30%, thu nhập từ ruộng bấp bênh lắm. Cũng may, mùa nước lũ, nghề săn dế cũng mang lại cho gia đình nguồn thu khá, giúp trang trải nhiều khoản", ông Nguyễn Bá Hạnh, người dân xã Thượng Tân Lộc cho biết.

Nếu như trước đây, dế cơm chỉ là món ăn chơi của các gia đình thì nay, đã lên hàng “đặc sản” được thương lái thu mua với giá cao. Nếu dế cái, con to, béo tròn được mua với giá 3.000 đồng/con; dế đực giá rẻ hơn, chỉ 1.500-2.000 đồng/con; nếu bán theo cân thì có giá 300.000 - 500.000 đồng/kg. Vào mùa dế, có những thương lái thu mua được cả tạ dế cơm/ngày. Dế sau khi thu gom, được sơ chế bằng cách vặt cánh, ngắt đuôi, lôi hết ruột ra và rửa sạch, đóng hộp nhập cho các quán nhậu, cấp đông nhập ra các tỉnh, thành khác.

bna_sơ chế.jpg
Sơ chế dế ở cơ sở thu mua Nga Tài (xã Phúc Sơn, Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nga Tài, một thương lái ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) chuyên thu mua dế vùng Anh Sơn, Đô Lương cho biết: “Mùa dế chỉ kéo dài khoảng 2 tháng, trong đó, dế nhiều nhất là những ngày lũ lớn. Như 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày tôi thu mua của người dân trong vùng khoảng 20 - 30kg/ngày. Cơ sở của tôi cũng tạo việc làm thời vụ cho khoảng 3 lao động sơ chế dế, với mức thu nhập 20.000 đồng/giờ làm”.

Clip: Thanh Phúc

Tin mới