Tăng trưởng tín dụng đang “ấm” dần

(Baonghean.vn) - Sau những tháng ảm đạm đầu năm, đến thời điểm này, tín dụng ở một số ngân hàng đã bắt đầu ấm dần lên. Thông tin từ một số ngân hàng cũng như tổng hợp tình hình từ NHNN chi nhánh Nghệ An cho thấy một số ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn mức bình quân của cả nước.

Mặc dù lãi suất huy động liên tục biến động giảm nhưng tổng nguồn vốn trên địa bàn Nghệ An vẫn tăng cao, đến đầu tháng 7/22013 đạt 50.850 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 6.707 tỷ đồng, bằng 15,2%. Cho đến thời điểm này, nguồn vốn huy động liên tục tăng trưởng ổn định, chủ yếu tăng nguồn tiền gửi tiết kiệm (tiền gửi tiết kiệm đạt 42.410 tỷ đồng, chiếm 84,5% tổng nguồn vốn huy động). Điều đó cho thấy, các ngân hàng hiện nay nhìn chung dư giả nguồn, vấn đề là tăng trưởng tín dụng như thế nào để phát huy hiệu quả.

Đến nay, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 85.250 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 7.911 tỷ đồng, bằng 10,2%. Có thể nói rằng đây là con số khả quan so với mặt bằng chung của cả nước. Trong khi cả nước tăng trưởng tín dụng bình quân chỉ đạt 3%, và mục tiêu 12% vào cuối năm nay là khó khăn thì con số 10% của Nghệ An là rất tốt.

Giao dịch tại Vietcombank Vinh

Tại Ngân hàng Vietcombank Vinh, tình hình cho vay đang tiến triển tốt. Bà Huệ Anh – Giám đốc Vietcombank Vinh thông tin đến 30/6 dư nợ của đơn vị đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay của chúng tôi là 12%. Trong khi toàn hệ thống tăng trưởng âm thì con số 18% là nỗ lực lớn của ngân hàng. Agribank – đơn vị luôn nằm trong top đầu của hệ thống ngân hàng trong huy động và cho vay hiện nay cũng duy trì mức tăng trưởng tín dụng tốt. Hiện Agribank chi nhánh Nghệ An có mức tăng trưởng tín dụng trên 125, đạt 9.581 tỷ đồng, trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 75%.

Còn tại ngân hàng SHB chi nhánh Nghệ An, anh Nguyễn Sỹ Minh – Trưởng phòng kế toán chia sẻ: “Đến 31/5 dư nợ SHB Nghệ An đạt 816 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Như vậy, với đà tín dụng đang ấm dần lên như vậy thì mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 22% vào cuối năm nay của chúng tôi là rất khả quan.”

Điều đáng nói, trong tổng dư nợ thì cho vay trung, dài hạn đang tốt hơn, doanh nghiệp đang có chiến lược dài hơi hơn với đồng vốn của mình. Nếu như thời gian trước dư nợ ngắn hạn là chủ yếu thì từ đầu năm lại nay, tỷ lệ ngắn hạn và trung- dài hạn gần như ngang ngửa, thậm chí trung dài hạn có chiều hướng tăng với 44.500 tỷ đồng, chiếm 52,2% tổng dư nợ, tăng 11,4% so với đầu năm. Cùng với việc tìm khách hàng tốt để đẩy mạnh cho vay thì nhiều ngân hàng cũng đặc biệt chú trọng các giải pháp để giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất đã giảm mạnh (lãi suất huy động VND giảm 2 - 3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3 - 4%/năm); lãi suất không còn là nguyên nhân chính cản trở tín dụng mà quan trọng hơn là do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu.

Anh  Nguyễn Đình Sinh – GĐ Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát cho biết: Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nhờ nhiều giải pháp tìm kiếm đầu ra tốt nên đơn hàng vẫn đều đặn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tháng 3/2013 Hưng Phát vay từ ngân hàng Quân đội MB chi nhánh Nghệ An gần 1 tỷ đồng, lãi suất 11,5%. Mức lãi suất này nhìn chung hợp lý, giảm nhiều so với đầu năm, doanh nghiệp đã dễ thở hơn.

Tại ngân hàng SHB bình quân lãi suất cho vay cũng giảm khá mạnh, hiện ở mức 12%/năm. Hiện nay với mức lãi suất cho vay hợp lý, giảm nhiều so với đầu năm, số đơn vị có tăng trưởng tín dụng âm cũng giảm hơn. Ông Cao Văn Hợi – Phó GĐ Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết, các tổ chức tín dụng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động vốn và cho vay theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước. Đến nay, các NHTM đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ từ mức 15% về mức 13%, với tổng dư nợ điều chỉnh trên 17 ngàn tỷ đồng, dư nợ có lãi suất lớn hơn 13%/năm gần 22 ngàn tỷ đồng, chiếm 25,6% dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ có lãi suất lớn hơn 15%/năm gần 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% dư nợ toàn địa bàn. Một số ngân hàng có điều chỉnh sớm, phù hợp như Vietcombank Vinh, Agribank Nghệ An...

Đối với lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/NĐ-CP và Thông tư 14/2010/TT – NHNN. Đến 30/6/2013, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 24 ngàn tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 23,2% so với đầu năm. Khách hàng dư nợ ước đạt 465 nghìn khách hàng, trong đó chủ yếu là hộ kinh doanh, cá thể chiếm gần 100%, số lượng doanh nghiệp khoảng 500 doanh nghiệp.

Hộ ông Đặng Ngọc Khuyến ở Cẩm Sơn – Anh Sơn vay vốn NH Agribank phát triển kinh tế trang trại có hiệu quả

Trong bối cảnh thanh khoản dư giả hiện nay, việc đẩy tín dụng đang được nhiều ngân hàng quan tâm nhưng chất lượng tín dụng vẫn đặt lên hàng đầu bởi đó mới là đích đến của các tổ chức tín dụng. Một cán bộ tín dụng cũng nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn còn trong tình trạng khó khăn nên việc đẩy tăng trưởng tín dụng lên là cần thiết, nhưng vẫn cần đảm bảo các điều kiện thích hợp, không nên bắt buộc bằng mọi giá để đạt được, mà ngân hàng cần quan tâm đến chất lượng. Do đó, hiệu quả kinh tế vẫn là mục tiêu hàng đầu khi thẩm định cho vay. Quan trọng là cần cho vay ra đúng địa chỉ, đúng thời điểm, đảm bảo các tiêu chuẩn.

Thu Huyền

Tin mới