Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

bna_ Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình nhà màng của Doanh nghiệp Hưng Long 1 Farm.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT thăm mô hình nhà màng của Doanh nghiệp Hưng Long 1 Farm. Ảnh: Phú Hương

P.V: Chúng ta đang hướng mục tiêu nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại giá trị sản xuất cao, bền vững. Đồng chí có thể cho biết kết quả đạt của ngành trong thời gian qua?

Đồng chí Phùng Thành Vinh: Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo các mục tiêu đề ra trong quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh Nghệ An, định hướng đến năm 2030, cũng như các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh về công tác quy hoạch, kế hoạch, chính sách, các chương trình, đề án về ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển và tình hình thực tế giai đoạn hiện nay.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các chính sách này đã và đang được thực hiện hiệu quả, đi vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương.

bna_ Dẫy chueyenf sản xuất sữa TH.JPG
Dây chuyền chế biến sữa TH tại Nghĩa Đàn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trong quá trình thực hiện, cùng với đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, ngành rất thành công trong việc thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC như TH, Vinamilk; Masan... Bên cạnh đó, diện tích canh tác ứng dụng công nghệ tăng lên, tính đến hết năm 2023 Nghệ An có tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC trên 32.280,9 ha, chiếm 9,8% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các tiến bộ KHCN, CNC vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; Giá trị sản xuất bình quân trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà.

Giai đoạn vừa qua, Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021. Đây là 1 trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng CNC được thành lập sớm nhất trên cả nước. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng; xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực miền Trung. Dự ước tổng vốn đầu tư là 3.340 tỷ đồng.

Ngành xác định rõ, sản xuất nông nghiệp CNC là nền tảng đáp ứng đòi hỏi mới của người tiêu dùng: sản phẩm phải “xanh”, đảm bảo tiêu chuẩn và hữu ích. Không chỉ sản phẩm mà cả quá trình sản xuất cũng phải “xanh” và thỏa mãn những tiêu chí chất lượng và chuẩn mực được thừa nhận - cam kết. Đồng thời, đây còn là giải pháp để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu…

Vì vậy, ngành đã tập trung thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng CNC; tiếp tục triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Vinamilk; các dự án sản xuất rau, củ, quả CNC tại các huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, thành phố Vinh...; trồng cam, dược liệu ở các huyện Yên Thành, Kỳ Sơn...

Hiện nay, ngành Nông nghiệp và PTNT đang tích cực tham mưu UBND tỉnh thu hút các nhà đầu tư mới (Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao DOVECO,...) để phát triển bền vững cây dứa, là một trong những cây ăn quả chủ lực tỉnh gắn với chế biến và xuất khẩu.

bna_ Nhà máy sản xuất đường lỏng Glucose.jpg
Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đang trình tham mưu UBND tỉnh chủ trương xây dựng Đề án Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC tại Nghĩa Đàn, cùng với việc đẩy mạnh hoàn thành Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC vùng Bắc Trung Bộ đưa vào hoạt động sẽ tạo động lực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp, thu hút đầu tư và thực hiện tốt định hướng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH Mía đường Nasu...; có 35 hợp tác xã ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp... Đó là những điển hình đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

P.V: Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nào?

Đồng chí Phùng Thành Vinh: Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng CNC liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến.

bna_ Máy tự động đóng gói sản phẩm.JPG
Thiết bị đóng gói sản phẩm của HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường ở Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là CNC, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, thực hành tốt (GAP), xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; làm tốt công tác nhân rộng mô hình có hiệu quả vào sản xuất đại trà, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

bna_ ĐL.jpg
Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi ở Đô Lương áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản có lợi thế của tỉnh, bao gồm các sản phẩm OCOP.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả; tăng cường chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ mô hình duy trì sản xuất, ổn định, hiệu quả và bền vững.

P.V: Xin cám ơn đồng chí!

Tin mới