Hợp tác xã “bà đỡ” của nông dân

(Baonghean) - Nghệ an hiện có 866 liên hiệp HTX, HTX, thu hút 65,17 vạn xã viên tham gia; giải quyết việc làm cho 4,93 vạn lao động thường xuyên; doanh thu sản phẩm và dịch vụ đạt trên 975 tỷ đồng (tăng trưởng 2,5 lần so với năm 2002)... đặc biệt, HTX nông nghiệp đang là loại hình hoạt động phục vụ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mới.

Vụ hè thu 2013 này là vụ mùa thứ 3 bà con xã viên HTX Phú Hậu (xã Diễn Tân - Diễn Châu) tham gia cấy lúa giống BC15 cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân như thế không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo tiền đề quan trọng để địa phương xây dựng cánh đồng mẫu trong những năm tiếp theo.

Trên cánh đồng Nguôi, thời điểm giữa mùa thu hoạch lúa hè thu, khí thế đông vui như ngày hội. Những bông lúa nặng trĩu, vàng óng đang được bà con nông dân bó gọn, chất lên xe bò lốp nối đuôi nhau về làng. Vụ hè thu năm nay, Diễn Tân được đánh giá là vụ được mùa đồng đều trên tất cả các giống lúa; năng suất bình quân toàn xã đạt trên 60 tạ/ha, trong đó lúa giống BC15 đạt 65- 66 tạ/ha nên nông dân rất phấn khởi.

Ông Đinh Huân (ở xóm 3) chia sẻ: "Vụ này gia đình tôi cấy 4 sào lúa giống, nguồn thu nhập cả năm cũng chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa. Trung bình mỗi vụ thu hoạch gần 2 tấn thóc, chỉ để vài tạ ăn, còn lại bán ra thị trường. Tuy nhiên, giá thóc lên xuống bấp bênh nên nguồn thu không ổn định, thậm chí có năm thóc tụt giá, thu không đủ chi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, khi tham gia mô hình sản xuất lúa giống BC15 cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình đã "giải tỏa" được nỗi lo về đầu ra.

Lúa thu hoạch đến đâu phơi khô kén, rê sạch, đạt tiêu chuẩn là công ty thu mua hết, giá nhập luôn cao hơn thị trường tự do. Như vụ hè thu năm ngoái, giá công ty mua vào là 8.500 đồng/kg, trong khi bán giá thóc bên ngoài chỉ được từ 5.500- 6.000 đồng/kg. Vụ đông xuân vừa rồi sản xuất 4 sào lúa, nhập cho công ty được 1,7 tấn với giá 8,5 triệu đồng/tấn được hơn 14 triệu đồng. Đến vụ hè thu gia đình tôi vẫn đăng ký cấy 4 sào lúa giống BC15, nếu công ty nhập với giá như vụ trước là phấn khởi rồi ".

Đang nhanh tay gặt lúa ở ruộng kế bên, ông Đinh Huân, chị Trần Thị Loan cũng phấn khởi khoe: "3 năm nay tôi đều đăng ký với HTX tham gia làm lúa giống BC15 trên diện tích mỗi vụ 1,5 sào. Sản xuất lúa giống vất vả hơn, vì phải tuân thủ đúng quy trình do công ty đưa ra, nhưng tính ra thấy kinh tế hơn hẳn so với bán thóc thịt. Giống nguyên chủng được công ty cung ứng nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng, năng suất vụ nào cũng đạt cao và tương đương với lúa lai. Sản xuất lúa giống có lợi hơn nhiều so với lúa hàng hóa như chi phí giảm, mà năng suất cao hơn ít nhất là 20 kg/sào, giá bán cũng cao hơn 25% so với thóc thịt. Chúng tôi rất phấn khởi và yên tâm với mối liên kết sản xuất lúa giống như hiện nay".

HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn (Đô Lương) cung ứng thóc giống cho bà con xã viên.

Ông Lưu Văn Ngữ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Hậu cho biết: HTX Phú Hậu được giao quản lý 152 ha đất nông nghiệp (chủ yếu là đất lúa), trong đó có 50 ha chuyên sản xuất lúa giống. Sau nhiều năm thực hiện tốt khâu dịch vụ hỗ trợ bà con xã viên trong sản xuất như làm đất, thủy lợi, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, dự báo phòng trừ sâu bệnh... Ban quản trị HTX nhận thấy đất đai ở đây phù hợp với việc sản xuất lúa giống, vụ xuân năm 2011, HTX đã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tiến hành thử nghiệm sản xuất lúa giống KN2 trên diện tích 15ha (với 70 hộ xã viên tham gia).

Theo hình thức liên kết, công ty giống cung cấp giống lúa nguyên chủng, HTX tiến hành gia công sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất lúa giống do công ty đưa ra. Kết quả ban đầu cho thấy đất đai rất phù hợp với việc sản xuất giống, năng suất, giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với lúa thương phẩm. Mặt khác lại có đầu ra ổn định nên bà con xã viên rất ủng hộ, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Trên cơ sở đó, 3 năm trở lại đây Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình đều đặt vấn đề, ký kết với HTX sản xuất lúa giống BC15. "Trong dịch vụ sản xuất lúa giống siêu nguyên chủng, chẳng những HTX mà kể cả các hộ xã viên cũng được hưởng lợi từ dịch vụ này.

Để trở thành đối tác cung ứng lúa giống, Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình luôn có yêu cầu cao Theo anh Đặng Trọng Xuyến, cán bộ phòng sản xuất giống - Tổ trưởng tổ thu mua của công ty: "Trình độ thâm canh lúa cũng như kinh nghiệm và bản tính chịu khó của bà con xã viên Diễn Tân giúp họ áp dụng tốt quy trình sản xuất lúa giống hết sức nghiêm ngặt mà công ty đề ra, dẫn đến việc triển khai hợp đồng của Tổng công ty với người dân thông qua HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hậu 3 năm qua luôn thuận lợi, chất lượng sản phẩm tốt, đạt yêu cầu".

HTX dịch vụ Nông nghiệp Văn Sơn (xã Văn Sơn - Đô Lương) có diện tích canh tác 210,46 ha, trong đó có 170 ha đất 2 lúa. Từ năm 1996, HTX đã chính thức hướng xã viên  sản xuất  các loại lúa giống với diện tích trên 40 ha cho Công ty Giống cây trồng Nghệ An, Bắc Giang, Phú Thọ. Ông Nguyễn Đăng Hà - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông nghiệp Văn Sơn cho biết: Lúc mới bắt tay vào sản xuất lúa giống, Ban quản lý HTX cũng như người dân còn nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn vì phải áp dụng đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu ra giống đến công đoạn đóng gói.

Nhưng chẳng bao lâu, nhiều xã viên đã chuyển hẳn sang chuyên canh sản xuất giống lúa hàng hóa. Cũng từ đó đến nay, Ban quản trị HTX luôn lựa chọn các doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ ổn định để ký hợp đồng sản xuất lúa giống cho bà con xã viên. Vì thế, mô hình sản xuất lúa giống hàng hóa của xã hiện nay khá bền vững. Trong nhiều năm qua xã Văn Sơn đã  trở thành "địa chỉ đỏ" của Viện Cây lương thực và Công ty Giống cây trồng Bắc Giang. Như vụ hè thu năm 2013, HTX đã ký kết làm 30 ha lúa giống Khang dân cho Công ty Giống cây trồng Bắc Giang, 40 ha lúa giống HTC9 cho Viện Cây lương thực... Hiện nay, hầu hết xã viên đã nắm chắc và thực hành thuần thục quy trình sản xuất lúa giống. Sắp tới, sau dồn điền, đổi thửa bà con sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa giống cho các công ty.

Cùng với sản xuất lúa giống, nhiều hộ nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng nội bộ mà cải thiện được kinh tế, xóa đói, giảm nghèo như hộ anh Lê Văn Quát ở xóm 3, ông Lê Văn Yên ở xóm 10... Câu chuyện ông Yên nhờ nguồn vốn vay của quỹ tín dụng nội bộ mà đầu tư được cho 4 con đi xuất khẩu lao động ở các nước, được các xã viên kể lại như một kỳ tích. Trước kia, do kinh tế khó khăn, gia đình ông Yên nợ HTX 10 tấn lúa, nhiều năm vẫn chưa có điều kiện thanh toán. Đến cuối năm 2005, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay quỹ tín dụng nội bộ 150 triệu đồng, ông Yên đã đầu tư cho người con trai cả đi xuất khẩu lao động ở Nga. Gia đình đã trả hết nợ 10 tấn thóc. 3 năm sau, gia đình ông đã  đầu tư tiếp cho 3 người con sau đi xuất khẩu lao động  ở các nước khác. Đến nay, cả 4 người con đều đã có nhà cửa khang trang, có vốn để đầu tư kinh doanh, mở xưởng mộc sản xuất, cuộc sống ổn định...

Hay như gia đình anh Trần Đức Lợi (ở xóm 3), từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ, muốn mở rộng sản xuất, nhưng khi đi vay vốn thì lại gặp trở ngại vì không có tài sản bảo đảm thế chấp… Từ nguồn vốn vay 120 triệu đồng của quỹ tín dụng HTX, anh Lợi đã đầu tư lập trang trại VAC, cải tạo chuồng nuôi gần 200 con lợn nái và lợn thịt, đào 3,5 ha ao thả cá các loại...; trong 3 năm sản xuất, không những trả được nợ vay mà trang trại của anh Lợi còn cho lãi ròng gần 200 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng;

Thực hiện theo điều lệ của HTX, trong đó HTX được phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi của xã viên và nhân dân, HTX dịch vụ Nông nghiệp Văn Sơn đã thành lập quỹ tín dụng nội bộ nhằm huy động nguồn vốn trong nhân dân và trên cơ sở đó sử dụng nguồn vốn này cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã vay, để đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Đến nay, quỹ tín dụng nội bộ đã cho trên 300 lượt hộ gia đình, cá nhân vay vốn với tổng số tiền luân chuyển gần 7 tỷ đồng. Qua đó đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn về vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Không chỉ hoạt động tốt trong lĩnh vực tín dụng, quỹ nội bộ còn thành công trong hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm. Đây là một trong những nguồn vốn chủ yếu, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nguồn vốn hoạt động của quỹ. “Có được điều đó là nhờ Hội đồng quản trị, ban điều hành đã linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất để làm tăng số dư tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vay vốn của xã viên.  Mục tiêu của quỹ tín dụng là huy động nguồn vốn tại chỗ để cho vay trên tinh thần hợp tác, tương trợ cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tiện lợi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đặc biệt là góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn". - Ồng Nguyễn Đăng Hà cho biết.

Có một thời, người dân không mặn mà với kinh tế tập thể, thì những năm gần đây, nhiều hộ dân lại mong muốn trở thành xã viên của hợp tác xã, được góp vốn, góp tư liệu sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Sự thay đổi trong nhận thức này xuất phát từ chỗ các HTX, nhất là HTX nông nghiệp đã cải thiện được hình ảnh khi tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho xã viên, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Thông qua HTX, các xã viên được doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, được đầu tư một phần vật tư nông nghiệp, cập nhật thông tin về thị trường...

Từ thực tế, các mô hình liên kết doanh nghiệp - HTX tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, đối với người dân được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật canh tác nên sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng cao hơn; giá thành ổn định, hiệu quả, thu nhập được nâng lên rõ rệt. Đối với doanh nghiệp, đã kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nguyên liệu đưa vào chế biến, tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Đối với HTX, nâng cao được trách nhiệm, uy tín của Ban quản trị HTX, duy trì ổn định hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ, xã viên...

Với xu hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, nhất là khi HTX chuyển đổi hoạt động thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2003,  các HTX cần  phải đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa HTX với các thành phần kinh tế khác. Không những thế, trong quan hệ truyền thống HTX và xã viên, các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng cần chủ động ký kết hợp đồng với người sản xuất, tạo sự tin cậy giữa hai bên, gắn kết chặt chẽ trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng; đảm bảo ràng buộc trách nhiệm ở các khâu, gắn sản xuất với bảo quản, sơ chế, chế biến hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, các HTX cần có các hình thức hỗ trợ người sản xuất như: ứng trước vốn, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản, sơ chế; khuyến khích người sản xuất có ý thức trách nhiệm tạo ra nguồn hàng ổn định và đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, như vậy sẽ nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập cho bà con xã viên.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Tin mới