Thiếu thuốc "đặc trị" bệnh chồi cỏ

(Baonghean) - Bệnh chồi cỏ hại mía hoành hành trên địa bàn tỉnh ta nhiều năm qua. Mặc dù từ năm 2008 tỉnh đã huy động tổng lực các ngành tham gia, các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài chữa trị bệnh này nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả. 

Ruộng mía bị bệnh chồi cỏ  ở Thọ Hợp (Quỳ Hợp).
Ruộng mía bị bệnh chồi cỏ ở Thọ Hợp (Quỳ Hợp).
Chị Ngô Thị Thoa ở xóm Mó, xã Nghĩa Xuân - Quỳ Hợp dẫn chúng tôi ra cánh đồng mía cho biết: Chăm sóc mía cả mấy tháng trời mà trông cứ như đám “cỏ voi”, vụ này rồi lại mất mùa. Theo chị Thoa thì vụ mía năm nay trồng 2 ha mía nhưng 1 ha bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Năng suất bình quân thường đạt 70 tấn/ha, nhưng bị bệnh chồi cỏ sẽ giảm mất 30 tấn mía, với giá 800 đồng/kg, tính ra bị mất 24 triệu đồng/ha. Để phòng, chống bệnh chồi cỏ, theo khuyến cáo, gia đình chị đã đào gốc mía cũ trồng giống mía mới nhưng chỉ đến vụ thứ 3 lại sinh sôi chồi cỏ. Mỗi lần trồng mới chúng tôi lại phải thêm tốn chi phí thêm tiền cày, tiền phân bón, tiền giống trên 30 triệu đồng/ha. Xóm Mó có trên 147 ha mía thì hiện có gần 15 ha bị bệnh chồi cỏ, gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng mía.
Ông Thái Bá Lâm - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết: Xã trồng trên 500 ha mía, nhiều năm đã áp dụng các biện pháp triệt tiêu bệnh chồi cỏ như phun các loại thuốc đặc trị theo khuyến cáo, đào phá tiêu hủy giống mía cũ, trồng mía mới nhưng bệnh chồi cỏ vẫn tàn phá. Hiện toàn xã có trên 40 ha mía bị nhiễm bệnh, ước tính năng suất chỉ đạt trên 20 tấn/ha (giảm năng suất từ 30-40 tấn mía/ha). Trong quá trình phòng trừ bệnh chồi cỏ, khó khăn đặt ra hiện nay là nhiều diện tích chưa được thâm canh giống mía sạch. Người dân cứ lấy giống mía cũ thoái hóa trong vùng cho tiện, vì vậy chồi cỏ cứ sinh sôi... 
Từ năm 2008 đến nay, Công ty cổ phần mía đường Na su đã hỗ trợ bà con Quỳ Hợp một phần kinh phí cho nông dân phá huỷ mía chồi cỏ để trồng lại bằng nguồn giống sạch bệnh. Tuy nhiên, bệnh chồi cỏ vẫn hoành hành. Niên vụ này Quỳ Hợp trồng trên 7.000 ha mía, thì trong đó có trên 800 ha mía bị bệnh chồi cỏ. Hiện các giống bị nhiễm bệnh gồm giống My 55-14, ROC10, F134, F156... Việc dập dịch chồi cỏ hại mía hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Bởi một số diện tích đã được Công ty cổ phần mía đường Na su nhập giống mía sạch bệnh từ Thanh Hoá, và cả Trung Quốc đã khảo nghiệm cho nông dân trồng, nhưng sau đó cũng bị bệnh chồi cỏ.
Tại huyện Nghĩa Đàn, nhiều xã mía đang bị bệnh chồi cỏ hoành hành. Ông Hào Quang ở xã Nghĩa Hội - Nghĩa Đàn chia sẻ: Để đối phó với bệnh chồi cỏ, từ năm 2009 đến nay gia đình tôi đã thay thế 3 lần các loại giống mía mới nhưng hiện nay vẫn có hơn 6 sào bị nhiễm nặng, có nguy cơ giảm 70% năng suất. Quan sát thấy bệnh chồi cỏ ở các ruộng mía thường xuất hiện theo từng đám, đẻ nhiều nhánh, thân nhỏ trông giống như bụi sả. Ông Lê Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) nói thêm: Toàn xã có trên 400 ha mía, đến thời điểm này có khoảng trên 30 ha bị bệnh. Hàng năm xã thường xuyên khuyến cáo người dân cứ 2 - 3 vụ mía là thay giống mới một lần, tuy nhiên bệnh chồi cỏ vẫn không thể triệt tiêu được. Chúng tôi đang rất cần các ngành quan tâm, nghiên cứu để giúp dân trị bệnh chồi cỏ. Đặc biệt là Công ty cổ phần mía đường Na su cần hỗ trợ thêm kinh phí để người dân có điều kiện thay thế các giống mía sạch bệnh. Huyện Nghĩa Đàn hiện có gần 8.500 ha mía, tổng diện tích bị bệnh chồi cỏ khoảng trên 800 ha. Huyện chỉ biết khuyến cáo bà con là đối với diện tích bị nhiễm nặng thì cần phải phá bỏ để trồng lại, với những diện tích đang còn khả năng cho thu hoạch thì vẫn tiếp tục đầu tư để “cứu vớt”.
Theo các nhà chuyên môn, bằng kỹ thuật PCR, Viện Bảo vệ thực vật (BVTV) đã xác định được nguyên nhân gây bệnh chồi cỏ là do Phytoplasma (dịch khuẩn bào, thể trung gian giữa virus và vi khuẩn) gây nên. Bệnh lây lan chủ yếu qua hom giống và môi giới truyền bệnh là rầy xanh. Những ruộng mía chăm sóc kém, thời gian lưu gốc từ năm thứ 2 trở đi thường bị nặng, ruộng sử dụng giống đã bị nhiễm chồi cỏ để trồng mới sẽ bị nhiễm nặng ngay từ năm đầu. Đây là loại dịch nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh. Sở NN & PTNT đã phối hợp với các nhà khoa học, các công ty mía đường và các địa phương xây dựng phương án phòng trừ bệnh chồi cỏ hại mía. 
“Điệp khúc” phá mía trồng lại cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Người trồng mía đang rất mong các nhà khoa học sớm nghiên cứu, tìm được các loại thuốc “đặc trị” phòng chữa bệnh chồi cỏ mía hiệu quả.
Bài, ảnh : Văn Trường
Biện pháp phòng trừ bệnh chồi cỏ mía
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, với những diện tích bị nhiễm bệnh nặng và trung bình (từ 20% khóm mía bị bệnh trở lên): Thu hoạch đến đâu dùng máy cày phá gốc đến đó, cày hai lần và hướng cày lần sau vuông góc với lần trước. Trong khi cày, bà con phải làm đất và bón từ 600 - 1.000 kg vôi bột để xử lý đồng ruộng. Sau khi cày, rũ sạch gốc mía, phát quang bờ bụi quanh ruộng, thu gom toàn bộ gốc mía cùng tàn dư khác trên đồng để chôn lấp hoặc đốt, không để sót mía mọc tái sinh. Với những diện tích bị bệnh nhẹ, thì dùng cuốc, xẻng đào lật gốc, làm sạch đất nơi gốc mía bị bệnh, thu gom và đốt như trên. Ở những nơi có điều kiện thì có thể dùng thuốc trừ cỏ phun diệt khóm mía bị bệnh theo hướng dẫn của cán bộ BVTV.
Trong suốt quá trình sinh trưởng mía, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm những cây bị bệnh và đào bỏ kịp thời; đặc biệt giai đoạn tháng 9 - tháng 11 là kỳ cao điểm của bệnh chồi cỏ trong năm, cần tập trung xử lý triệt để những cây mía bị nhiễm bệnh.
Phú Hương

Tin mới