Hạn chế vi phạm quy định sử dụng điện: Nâng cao ý thức người dân

(Baonghean) - Tình trạng vi phạm sử dụng điện, trong đó nạn trộm cắp điện ngày càng gia tăng, nhất là mùa nắng nóng không chỉ gây tổn thất điện năng, mất an toàn lưới điện mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Mặc dù ngành Điện và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhưng tình trạng này vẫn diễn biến khá phức tạp với hình thức ngày càng tinh vi…

Thủ đoạn tinh vi
Sáng 23/5, tổ kiểm tra, giám sát mua bán điện của Điện lực Diễn Châu đã phát hiện gia đình ông N.V.T ở xóm 1, xã Diễn Quảng vi phạm quy định sử dụng điện. Cụ thể là câu móc trực tiếp lên lưới 0,4 kV không qua đồng hồ đo đếm.  Mặc dù nhân viên kiểm tra, giám sát của điện lực và đại diện công an, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản vi phạm nhưng ông T vẫn tỏ thái độ chống đối, bất hợp tác. Đây không phải là lần đầu tiên ông T và gia đình có hành vi này, trước đó vào tháng 5/2014 qua kiểm tra điện lực đã phát hiện và lập biên bản xử lý hộ ông N.V.S (là bố ông T) vì hành vi tương tự và xử phạt với số tiền hơn 9 triệu đồng, thời điểm đó ông T, đại diện là con trai chủ hộ và là người trực tiếp sử dụng đã ký vào biên bản nhưng chưa nộp phạt thì nay lại tiếp tục vi phạm. 
Khắc phục sự cố điện trên đường dây trung thế ở Nghi Phú (Thành phố Vinh).
Khắc phục sự cố điện trên đường dây trung thế ở Nghi Phú (Thành phố Vinh).
Chị Nguyễn Thị Trúc Anh, nhân viên tổ kiểm tra, giám sát mua bán điện (Điện lực Diễn Châu) cho biết: Trong những năm qua, trên địa bàn tình trạng trộm cắp điện diễn ra khá phức tạp và những trường hợp đối tượng vi phạm khi bị phát hiện có thái độ chống đối, cản trở không phải là hiếm. Trong năm 2013, 2014, tổng số khách hành vi phạm quy định sử dụng điện trên địa bàn bị phát hiện là 141 vụ, tổng sản lượng truy thu, bồi thường là 349.744 kwh, số tiền truy thu bồi thường hơn 1 tỷ đồng, chuyển chính quyền để xử phạt hành chính là 42 triệu đồng.
Riêng 4 tháng đầu năm 2015, qua kiểm tra đã phát hiện 19 vụ, tổng sản lượng truy thu, bồi thường là 40.937 kwh, số tiền truy thu bồi thường là hơn 123 triệu đồng. Ngoài hình thức câu móc, các đối tượng còn tháo niêm phong công tơ để thực hiện các hành vi như: Phá chì niêm phong để cắt bớt cuộn dòng điện, tháo cầu điện áp công tơ, đấu ngược cực tính công tơ, khoan mặt sau của công tơ thực hiện đấu tắt cuộn dòng, … Bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số khách hàng sử dụng điện còn gian lận, nhiều hộ dân đăng ký hợp đồng mua điện phục vụ mục đích sản xuất nhưng thực tế lại sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc sinh hoạt để hưởng chênh lệch giá bán điện. Nhiều HTX nông nghiệp trong quá trình kê khai hàng tháng đều gian lận, tính toán cân đối sản lượng mục đích khác hoặc gian lận trong việc kê khai không trung thực số lượng hộ dùng điện là hộ nghèo, hộ thu nhập thấp để hưởng lợi về giá. 
Đối với những khu vực, điều kiện lưới điện trang bị hiện đại, hệ thống dây cáp bọc như ở Thành phố Vinh thì hiện tượng trộm cắp điện được thực hiện với hình thức tinh vi hơn, khó phát hiện hơn như đảo cực tính công tơ, đấu ngoài đo đếm… Theo số liệu thống kê của Điện lực Thành phố Vinh, trong năm 2013 có 12 trường hợp trộm cắp điện bị phát hiện, 4 tháng đầu năm 2015, điện lực thành phố cũng đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm với hình thức bứt niêm phong hộp công tơ, đấu trực tiếp vào bản cực dùng điện không qua đo đếm.
Theo số liệu từ Phòng Kiểm tra, giám sát điện năng Công ty Điện lực Nghệ An, trong năm 2014, các đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý 754 vụ trộm cắp điện, sản lượng điện năng thu về là 1.522.260 kWh, tương đương với số tiền 4.089.633.474 đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 193 vụ trộm cắp điện, số tiền truy thu, bồi hoàn gần 1 tỷ đồng.  Vào ngày 7/5/2015, qua kiểm tra, giám sát, ngành Điện đã phát hiện  công tơ của gia đình ông C.Đ.K xóm 2, Diễn Thọ (Diễn Châu) bị tác động vào hệ thống đo đếm (đấu tắt cuộn dòng điện) dẫn đến công tơ hoạt động không chính xác.  
Số tiền mà gia đình ông K bị truy thu, bồi hoàn lên đến hơn 100 triệu đồng. Theo tường trình của ông  thì “do không hiểu được sự việc sẽ nghiêm trọng đến vậy và vì cái lợi trước mắt nên đã nghe theo và đưa cho ông T (người lắp máy cho gia đình) số tiền 500 nghìn đồng để điều chỉnh công tơ”. Còn trường hợp của ông Đ.V.H ở khối 1, Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) bị phát hiện hành vi trộm cắp điện dưới hình thức thay đổi cực tính công tơ, tháo bỏ trung tính vào công tơ, lấy trung tính ngoài vào ngày 12/2/2015. Tuy mục đích lấy cắp điện chỉ phục vụ sinh hoạt gia đình nhưng cũng phải bồi thường  42.300 kWh, tương đương với số tiền gần 100 triệu đồng.
Những con số trên cho thấy tình hình trộm cắp điện đang diễn biến phức tạp và ngày càng táo tợn hơn,
không chỉ gây thất thoát cho ngành Điện mà còn dẫn tới sự mất công bằng trong sử dụng điện, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội.
Giải pháp nào?
Theo ông Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc Điện lực Diễn Châu thì “ngoài nguyên nhân là do hạn chế về nhận thức của người dân thì hiện nay, tại một số địa phương, nhất là các vùng nông thôn, đội ngũ dịch vụ điện năng đang tiếp tay cho hành vi trộm cắp điện. Như trên địa bàn huyện Diễn Châu thời gian qua, qua kiểm tra đại lý bán lẻ điện năng tại các xã phát hiện 26 nhân viên đại lý vi phạm sử dụng điện, truy thu bồi hoàn 53.027 kwh với số tiền 136.091.031 đồng”... Bên cạnh đó, do lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận bàn giao nguyên trạng từ các địa phương đã xuống cấp không đảm bảo vận hành, đường dây hạ thế một số xã quá tải, nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến tổn thất điện năng về kỹ thuật còn cao. Do vậy, ngành Điện cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn để khắc phục tình trạng thất thoát điện năng và hạn chế các hành vi trộm cắp điện.
Nhân viên Điện lực Diễn Châu kiểm tra công tơ bị thu hồi do hành vi trộm cắp điện.
Nhân viên Điện lực Diễn Châu kiểm tra công tơ bị thu hồi do hành vi trộm cắp điện.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng Kiểm tra, giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực Nghệ An cho hay: Ngoài việc  chỉ đạo các chi nhánh điện tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường, nắm bắt các thông tin phản ánh của nhân dân, quản lý đo đếm, giám sát lượng điện tiêu thụ của khách hàng… để hạn chế tình trạng vi phạm sử dụng điện, ngành Điện cũng đã ký kết chương trình phối hợp với công an và chính quyền các địa phương trong công tác bảo vệ hành lang ATLĐ và công tác kiểm tra, giám sát mua bán điện. Tuy nhiên, một số địa phương sự phối hợp vào cuộc chưa thật sự tích cực.
Việc xử phạt hành chính của các địa phương còn chưa nghiêm, chưa mang tính giáo dục răn đe. Ông Phạm Văn Nga, Giám đốc Điện lực Thành phố Vinh cho rằng: “Sau khi có thông báo của ngành điện về hành vi vi phạm của các cá nhân, chính quyền địa phương nơi cư trú, ngoài việc xử phạt hành chính theo Nghị định 68/2010 trước đây và Nghị định 134/2013 của Chính phủ đang hiện hành nên có hình thức nhắc nhở trên loa truyền thanh, phê bình tại các cuộc họp khối xóm để giáo dục, răn đe. Tại một số chi nhánh, yêu cầu người vi phạm sử dụng điện phải có biên lai  nộp phạt vi phạm hành chính mới được ngành Điện lắp đặt công tơ bán điện trở lại”.
Mặc dù ngành Điện đã tổ chức một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến các khách hàng sử dụng điện về các quy định của pháp luật bằng các biện pháp như ký bản cam kết, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, thế nhưng người dân, nhất là ở khu vực nông thôn hiểu biết rất mơ hồ về các quy định sử dụng điện nên họ coi hành vi câu móc điện là chuyện nhỏ. Vì vậy cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung cơ bản củaNghị định 137/2013/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư 27/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương về hướng dẫn công tác kiểm tra sử dụng điện và xử lý giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán điện và Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực … đến với người dân. 
Mỗi năm, toàn tỉnh Nghệ An tiêu thụ gần 1, 9 tỷ Kwh điện, nhưng lượng điện năng tổn thất là 10,98% (cả nước khoảng gần 9%)  trong đó tổn thất do trộm cắp điện (tính theo số vụ được phát hiện xử lý) chiếm khoảng 0,05%, còn trên thực tế  con số này khoảng 0,8%. Hạn chế lượng tổn thất này sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách không hề nhỏ cho Nhà nước, đồng thời tránh được tình trạng mất công bằng trong sử dụng điện. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành Điện mà đòi hỏi sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của lực lượng công an, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nơi cư trú. Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng điện và trong việc giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm sử dụng điện.
Khánh Ly - Thanh Nga
Ngày 17/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Theo đó, tại Khoản 9, Điều 2 nghị định này, quy định rõ mức phạt đối với hành vi trộm cắp điện tùy theo số lượng kwh. Trong đó, hành vi trộm cắp với số lượng từ 16.000 kwh đến dưới 18.000 kwh bị phạt tiền từ  40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng; trộm cắp với  số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh bị phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Riêng đối với hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, cơ quan quản lý sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Tin mới