Ngành tài chính - ngân sách đã về đích cuối

(Baonghean)- Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 thực hiện trong bối cảnh chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp; cải thiện môi trường kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra, giảm thu cân đối ngân sách trung ương...  

Tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2015 ước đạt 6,68%, vượt mục tiêu đề ra (6,2%), cao hơn 4 năm gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,63% so với năm 2014, thấp kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Lạm phát ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, DN phát triển, tổng cầu và sức mua được cải thiện; an sinh xã hội (ASXH) tiếp tục được đảm bảo... Kết quả ấy đã đưa nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015 cập bến thành công, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH trong những năm tiếp theo.

Giữ vững cân đối ngân sách
Năm 2015, với việc giá dầu thô thế giới giảm sâu và khó dự báo, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ,  ngành đánh giá, dự báo tình hình và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản điều hành NSNN ứng với từng biến động. Trong đó, xác định trong điều kiện thuận lợi do mặt bằng giá dầu thấp, cần thúc đẩy phát triển SX-KD, phấn đấu tăng thu nội địa để bù đắp số giảm thu do giá dầu giảm, điều hành NSNN cơ bản theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách đã đạt kết quả tích cực: Tại thời điểm tháng 9/2015, trên cơ sở đánh giá sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty lớn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng; ngân sách trung ương (NSTW) hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi NSĐP tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, Chính phủ chỉ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần nhà nước tại DN để bù giảm thu NSTW; số còn lại sẽ phấn đấu để tăng thu thêm trong điều hành.
Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các DN, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu; công khai số nợ thuế của từng địa phương, DN. Đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Nhờ vậy, kết quả thu NSNN đã đạt khá hơn dự báo. 
Đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Trong những ngày cuối cùng của năm 2015, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt chỉ đạo thu NSNN để hoàn thành đến mức cao nhất thu NSTW, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoản 10 nghìn tỷ đồng thu thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối NSTW năm 2015. 
Tìm được giải pháp phù hợp
Bên cạnh quyết liệt tăng thu NSNN, việc quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm cũng rất được chú trọng. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, quán triệt chủ trương chặt chẽ, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí NSNN năm 2015, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương điều hành chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán được giao; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo.
Chủ động thực hiện rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, đảm bảo phân bổ tập trung, chống dàn trải, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài; không mua xe công, trừ xe chuyên dùng, xe ô tô phục vụ công tác chung,... 
Như vậy, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực; mặc dù có những thời điểm nguồn thu ngân sách tập trung chậm, việc huy động vốn khó khăn, nhưng chi NSNN vẫn đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và các nhiệm vụ quan trọng đột xuất như: khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ, thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng, an ninh, các nhu cầu chi về an sinh xã hội. Cơ quan tài chính các cấp và Kho bạc Nhà nước đã tăng cường kiểm soát chi thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN, vốn TPCP, kinh phí tổ chức hội nghị, đi công tác nước ngoài,... đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Cân đối NSTW và ngân sách chính quyền địa phương các cấp được đảm bảo.
Được mùa cá ở Phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) - Ảnh Trần Tố
Được mùa cá ở Phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) - Ảnh Trần Tố
Thực hiện nghiêm Luật NSNN
Với kết quả thực hiện năm 2015 nêu trên, nhiệm vụ tài chính - NSNN cả giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006 - 2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001 - 2005. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP). Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN (giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 68%, trong đó năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%). 
Tổng chi NSNN 5 năm 2011 - 2015 ước xấp xỉ mục tiêu 5 năm đã đặt ra. Quy mô chi NSNN năm 2015 ước tăng trên 70% so với năm 2010. Tỷ trọng tổng chi NSNN so GDP giảm dần từ mức trên 30% GDP năm 2010 xuống khoảng 26% GDP năm 2015. Chi NSNN cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về phát triển KT-XH, góp phần tích cực phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo ASXH, giữ vững trật tự, an toàn, ổn định xã hội.   
Tuy nhiên, do việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng với áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn; bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao, dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới.
Năm 2016, nhiệm vụ tài chính - NSNN có mục tiêu tổng quát là huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thúc đẩy phát triển KT-XH; từng bước cơ cấu lại NSNN, ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh cải cách khu vực sự nghiệp công, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác quản lý, giám sát tài chính, đảm bảo an toàn nợ công.
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu về thu cân đối NSNN là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, dự toán chi NSNN là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 126,1 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2015. Vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành, các địa phương phải đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao, giữ bội chi NSNN ở mức 4,95% GDP (giảm 0,05% so dự toán năm 2015), số tuyệt đối là 254 nghìn tỷ đồng (tăng 28 nghìn tỷ đồng so năm 2015).
Sông Hồng

Tin mới