Doanh nghiệp nội bỏ ngỏ thị trường đồ chơi

(Baonghean) Ngày Quốc tế Thiếu nhi là dịp các bậc cha mẹ thể hiện sự quan tâm đối với con cái của mình, nhất là trong mua sắm đồ chơi cho con. Nhưng cũng như mọi năm, các mặt hàng đồ chơi trong nước tỏ ra lép vế so với hàng Trung Quốc với mẫu mã phong phú nhưng dễ bị hư hỏng, dùng nguyên liệu sản xuất độc hại...

 

Dạo quanh thị trường đồ chơi, một đặc điểm dễ nhận thấy là dù ở chợ hay siêu thị, cửa hàng dọc các con phố đều tràn lan hàng Trung Quốc, hàng sản xuất trong nước vắng bóng. Tại Công ty CP Thiết bị trường học, cả một khu vực rộng ở tầng 1 được bố trí làm gian hàng đồ chơi của bé như búp bê vải, búp bê barbie, vỉ bếp, gối ôm hình thú, hộp xếp hình, đàn organ máy bay xe tăng, ô tô hay rô bốt các loại...

 Doanh nghiệp nội bỏ ngỏ thị trường đồ chơi ảnh 1

     Sản phẩm sản xuất trong nước đơn điệu về chủng loại.

Tuy nhiên, đỏ mắt tìm kiếm giữa "ma trận" đồ chơi, chẳng thấy đâu bóng dáng của hàng Việt. Lên tầng 2, hàng Việt chủ yếu là đồ dùng dạy học tại các trường mẫu giáo, còn đồ chơi của trẻ thì đa phần là vật dụng bằng nhựa: bóng ném, hoa quả. Một vài sản phẩm làm bằng chất liệu gỗ được coi là an toàn đối với trẻ thì đơn điệu về chủng loại, chỉ có một vài sản phẩm như đoàn tàu xe lửa, bộ ghép hình kỹ thuật, khay hoa quả hay bảng tính... nhưng giá cả khá cao so với hàng "made in China ". Một bộ ghép hình kỹ thuật giá 378.000đ, đoàn tàu có giá 175.000đ. Chị Yến - giáo viên Trường ĐH Vinh cho hay: "Mỗi khi mua đồ chơi cho trẻ mình đều cân nhắc. Ngày Quốc tế thiếu nhi này, thay vì chọn bộ đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc, mình quyết định mua cho cô con gái nhỏ một tập truyện tranh cổ tích".

Tại siêu thị Metro cũng tổ chức một loạt các chương trình với những ưu đãi dành riêng cho thiếu nhi với các hoạt động vui chơi: vẽ tranh, viết chữ đẹp, em là họa sĩ. Tuy nhiên, cũng như một số siêu thị khác, đồ chơi trẻ em tại đây chủ yếu là hàng cao cấp với giá khá cao, có nguồn gốc ngoại nhập từ Malaysia, Indonesia, Canada, Hong Kong, Thái Lan... Trao đổi xung quanh vấn đề thị trường đồ chơi nội, một cán bộ quản lý ở đây cho rằng: Bên cạnh dân số trẻ, mức sống của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, chính vì vậy các hộ gia đình có điều kiện hơn để mua sắm cho con cái. Tiềm năng tiêu thụ của thị trường đồ chơi Việt Nam là rất lớn, khiến các hãng sản xuất đồ chơi của nước ngoài, nhất là Trung Quốc chiếm lĩnh.

Thế nhưng, dù trong nước cũng đã có các cơ sở sản xuất sản phẩm đồ chơi trẻ em gặt hái được những thành công nhất định, như sản phẩm thú nhồi bông của làng nghề Tam Hiệp (Hà Tây cũ), sản phẩm của công ty CP chế biến gỗ Đức Thành (TP HCM) đã được xuất khẩu. Thế nhưng, thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam có không nhiều doanh nghiệp tham gia, sản phẩm đồ chơi sản xuất trong nước còn đơn điệu, chưa đủ sức hấp dẫn con trẻ cũng như các bậc phụ huynh. Đây chính là nguyên nhân để cho hàng ngoại ngày càng lấn át hàng nội trên thị trường đồ chơi dành cho thiếu nhi.

Thu Huyền

Tin mới