Xuất khẩu thủy sản: Thách thức mục tiêu 6,5 tỷ USD

Ngay từ đầu năm, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 6,4 - 6,5 tỷ USD - một con số không quá lớn nhưng là thách thức đối với toàn ngành. Trước những khó khăn bề bộn cả trong và ngoài nước, mục tiêu này không dễ thành hiện thực, đặc biệt trong bối cảnh rào cản thị trường ngày một gia tăng đối với hai mặt hàng chủ lực tôm và cá tra.

Khó khăn bủa vây

6 tháng đầu năm 2013, sản lượng thủy sản đạt khoảng 2,7 triệu tấn; trong đó khai thác thủy sản gần 1,3 triệu tấn, tăng 3,5%; nuôi trồng 1,4 triệu tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đó, giá trị sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 83.000 tỷ đồng, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm ngoái…

Mặc dù một số chỉ tiêu sản xuất, nuôi trồng tăng so với cùng kỳ, nhưng theo ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản thì giá trị xuất khẩu thủy sản không tăng. Về cuối năm, tình hình sẽ không có nhiều biến chuyển, sản xuất thủy sản vẫn gặp khó khăn về vốn. Các hộ nuôi và doanh nghiệp (DN) rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, dẫn tới nhiều hộ "treo" ao. Thời tiết nắng nóng, thiếu nước ngọt là những nguyên nhân chính gây bệnh trên tôm với diện tích thiệt hại gần 50.000 ha. Tâm lý lo ngại dịch bệnh và tình trạng thiếu vốn trầm trọng khiến người nuôi lo ngại và thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, ngư dân vẫn gặp trở ngại trong quá trình khai thác hải sản trên các vùng biển chủ quyền…

  6 tháng đầu năm, nuôi trồng thủy sản đạt 1,4 triệu tấn - Ảnh: Phan Thanh Cường 

"Những hạn chế này sẽ dẫn đến nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản bị hạn chế. Đó là một thách thức lớn đối với mục tiêu xuất khẩu năm nay" - ông Quý cho biết.

Trong nước khó khăn dồn dập, thị trường xuất khẩu lại thêm nhiều rào cản khiến các DN thủy sản như bị bủa vây trong khốn khó. Hết việc cá tra bị kiện vì bán phá giá, đến tôm rơi vào vụ kiện chống trợ cấp. Mới đây nhất, Mexico cũng vừa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam, vì lo sợ dịch bệnh trên tôm nuôi có thể lây lan… Các cơ quan quản lý cũng như từng DN đã nỗ lực hết mình để theo đuổi các vụ kiện, giải nguy cho con cá, con tôm Việt; nhưng kết quả vẫn chưa đến đâu, thậm chí có thể sẽ xấu hơn trong những tháng còn lại của năm 2013.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, một trong 9 DN đang xuất khẩu cá tra vào Mỹ, cho biết thị trường này đang diễn biến phức tạp. Indonesia đã không được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chọn làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam mà chọn Bangladesh, Ấn Độ và Philippines. Theo bà Lệ Khanh, nếu DOC chọn Philippines làm quốc gia thay thế thì mức thuế còn cao hơn cả Indonesia. Đây là thách thức lớn đối với ngành công nghiệp cá tra Việt Nam.

 

Cần sắp xếp lại

6 tháng cuối năm, dự báo kinh tế thế giới chưa có khả năng phục hồi nên khó khăn về xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều. Việc thắt chặt chi tiêu công, tín dụng và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục tác động lớn đến sản xuất thủy sản. Trong khi đó, thời tiết 6 tháng cuối năm luôn tiềm ẩn những diễn biến bất thường (sự xuất hiện của các cơn bão, mưa, lũ…) và 6 tháng cuối năm cũng là thời điểm giá nguyên liệu đầu vào (như điện, xăng dầu…) chịu nhiều sức ép. Nếu các yếu tố này cùng lúc ập đến, sẽ càng khiến các DN xuất khẩu thủy sản khó xoay trở.

Theo các chuyên gia, trước những khó khăn đã và đang hiện hữu, đặc biệt đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra, hơn bao giờ hết các cơ quan chức năng cũng như chính các DN cần phải nhanh chóng bắt tay, giải quyết từng bước những khó khăn, tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Mới đây, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đã đưa ra dự báo, xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 vẫn có thể cán đích, đạt 6,5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với năm 2012.

Theo ông Hòe, mặc dù hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm gặp nhiều khó khăn với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp ở thị trường Mỹ, nhưng cơ hội cho xuất khẩu thủy sản gia tăng trị giá so với năm trước vẫn khá cao. Cơ hội của xuất khẩu thủy sản nằm ở các yếu tố lãi suất giảm, DN có cơ hội tiếp cận dòng vốn rẻ. "Vấn đề là các DN có biết nắm bắt cơ hội hay không, có biết phát huy lợi thế của mình trên thị trường thế giới hay không? Đó mới là cốt yếu", ông Hoè nhấn mạnh.

Thực tế ngay từ đầu năm, khi đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 6,4 - 6,5 tỷ USD, ngành thủy sản đã đề ra các biện pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa. Sẽ tập trung rà soát, quy hoạch lại diện tích nuôi trồng thủy sản, đảm bảo điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; tiếp tục đa dạng hóa đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh triển khai áp dụng VietGAP trên quy mô toàn quốc… Bên cạnh đó, khuyến khích hoạt động xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát…

Hy vọng, với những biện pháp trên, cùng với quyết tâm của từng DN xuất khẩu, sẽ là động lực quan trọng đưa ngành thủy sản đạt kết quả như kỳ vọng.

Theo (Thủy sản Việt Nam) - LC

Tin mới