Chấp hành nghiêm lịch nông vụ và cơ cấu giống

(Baonghean) - Nếu theo đúng lịch thời vụ thì ngày 5/1 tỉnh ta mới bắt đầu gieo mạ cấy lúa xuân, đồng thời trong cơ cấu giống, ngành Nông nghiệp cũng định hướng cho các địa phương không cơ cấu các giống có năng suất thấp, nhiễm nặng sâu bệnh như IR1820, IR17497 (13/2). Tuy nhiên, từ gần 2 tuần nay, tại nhiều vùng của một số địa phương như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn... nilon che phủ mạ đã giăng trắng đồng, với các giống lúa không theo khuyến cáo.

Được gieo từ hơn một tuần nay, hiện ruộng mạ của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (xóm 6, Hưng Đạo- Hưng Nguyên) đã phát triển khá xanh tốt. Vừa kéo tấm nilon che xung quanh ruộng mạ, chị vừa chia sẻ: “Hai sào ruộng của gia đình tui nằm trong vùng sâu trũng, từ trước đến nay chỉ làm được một vụ xuân, còn vụ hè thu đành để lúa chét, được yến mô hay yến đó chứ không dám đầu tư gieo cấy vì thường xuyên bị ngập lụt”. Cũng như mọi năm, vụ xuân năm nay chị Thủy tiếp tục sử dụng giống lúa Xi23, bắc mạ rất sớm so với lịch thời vụ của tỉnh, vì theo chị, ở vùng này chỉ có thể cấy giống lúa dài ngày, mạ bắc sớm để khi cấy, cây mạ đã to và khỏe, không bị ngập nước. Giống lúa này cũng cho năng suất 2,5 - 3 tạ/sào, giá giống rẻ hơn, gạo cũng ngon, khả năng chống rét lại tốt.

Bà con xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) làm đất chuẩn bị vụ Xuân.	Ảnh: C.S
Bà con xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) làm đất chuẩn bị vụ Xuân. Ảnh: Công Sáng
Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo- ông Phan Đình Hạnh cho biết: Hưng Đạo là một trong những địa phương sâu trũng nhất của huyện Hưng Nguyên. Toàn xã có xấp xỉ 500 ha lúa vụ xuân thì trong đó đã có khoảng 200 ha hay bị ngập. Do đó, dù lúc đầu không định đưa giống lúa Xi23 vào nhưng trước điều kiện đó, xã đã quyết định đưa giống lúa này vào gieo cấy ở gần 20 ha vùng sâu trũng thuộc xóm 6A. Và trong khi 90% diện tích lúa của Hưng Đạo được gieo thẳng thì diện tích này được bà con gieo mạ sớm để cấy. Theo ông Hạnh, sản xuất vụ xuân nếu không gặt kịp lụt tiểu mãn, thì rất cần loại lúa cây cao, cứng này để tránh bị ngập, ảnh hưởng đến năng suất. Vụ xuân 2013, Hưng Đạo đã đưa vào trồng thử nghiệm 10 ha giống lúa tái sinh BQ của Công ty Giống cây trồng Thái Bình ở vùng sâu trũng này, nhưng cơn bão số 2 đến đúng vào giai đoạn lúa trổ đã làm toàn bộ diện tích bị gãy đổ và hầu như không cho thu hoạch. Đồng thời, qua thực tế sản xuất nhiều năm qua, giống lúa dài ngày Xi23 không những chống chịu tốt với mưa lụt, mà còn thể hiện khả năng chịu rét rất tốt, bởi vậy bà con vẫn lựa chọn, gieo cấy mạ già để thu hoạch cùng lúc với các giống lúa ngắn ngày khác.
Tại Nghi Lộc, địa phương đã có khá nhiều diện tích mạ được gieo, ông Nguyễn Phú Đồng- cán bộ phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Trong vụ xuân, do việc gieo cấy thường gắn liền với tập quán nghỉ tết âm lịch nên huyện kiên quyết chỉ đạo các địa phương không để nông dân làm sai thời vụ. Tuy nhiên, Nghi Lộc có một diện tích khá lớn đất vùng màu và vùng thấp trũng ven sông, không chủ động nước, huyện chủ trương đưa giống lúa Xi23, AC5 vào gieo cấy vụ xuân sớm, được gieo mạ và cấy trước tết âm lịch. Theo đó, trà xuân sớm với các giống Xi23, NX30 bắt đầu gieo mạ từ ngày 5 - 10/12, các giống lúa lai BTE1, AC5 gieo mạ từ 25 - 30/12. Hiện cây mạ đang phát triển khá tốt.
Như vậy, có thể thấy rõ một điều, cũng như những năm trước, vụ xuân năm nay tại một số địa phương lại tiếp tục diễn ra tình trạng gieo mạ sớm hơn so với lịch thời vụ của tỉnh, cũng như các giống lúa không có trong định hướng của ngành Nông nghiệp vẫn được đưa vào gieo cấy. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, đến ngày 23/12, toàn tỉnh đã có khoảng 100 ha mạ được gieo, đủ cấy cho trên 3 nghìn ha lúa, tập trung ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và một ít ở Yên Thành, Quỳnh Lưu. Các địa phương trên cơ cấu những loại giống cũ mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo không đưa vào gieo cấy như IR1820, IR17497 (13/2), Xi23. Đây là những giống lúa đã cũ, dài ngày, có giống như IR1820 nếu gặp năm thời tiết lạnh kéo dài, thời gian sinh trưởng có thể lên tới 165 - 180 ngày. Do dài ngày, sẽ dẫn đến việc điều tiết nước cho sản xuất của các địa phương gặp khó khăn, các loại sâu bệnh có khả năng phát sinh và gây hại dây dưa, bởi nếu gieo cấy giống lúa mới, thì hiện đang là thời kỳ nghỉ đông  nhưng với các giống dài ngày, để có thể trổ và thu hoạch trong khung thời vụ cùng với các giống lúa khác nên buộc phải ra mạ sớm, thì thời gian để mầm mống các loại sâu bệnh bị tiêu diệt ít hơn.
Tuy nhiên, theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT), thì điều nguy hại nhất, đây là những giống lúa đã không được cơ cấu, khuyến cáo gieo trồng từ hàng chục năm nay, do đó các đơn vị sản xuất, cung ứng giống cũng như cơ quan quản lý không còn đưa vào chỉ đạo, tổ chức phục tráng, sản xuất giống đúng phẩm cấp. Giống được đưa vào dùng đều của nông dân tự để giống, xuống cấp hẳn về phẩm cấp, trong khi theo lý thuyết, giống giảm xuống một cấp sẽ bị giảm khoảng 15% năng suất.  Không những thế, hệ lụy kéo theo là tại một số địa phương như Hưng Đạo (Hưng Nguyên), Nghi Vạn (Nghi Lộc)... đã có hiện tượng nông dân làm theo “phong trào”, gieo mạ đối với cả những loại giống xuân chính vụ như BC15, AC5. Và nếu với các giống lúa dài ngày, dù ra mạ sớm nhưng thời gian trổ, thu hoạch vẫn trùng với các giống ngắn ngày được gieo cấy sau, thì các giống lúa này sẽ trổ sớm hơn, đặc biệt nếu gặp thời tiết ấm, sẽ rất dễ trổ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, hầu như năm nào cũng gặp rét, ảnh hưởng đến năng suất.
Tuy nhiên, thực tế là trừ một số ít diện tích người nông dân tự ý gieo mạ các giống lúa khác theo “phong trào” cùng các giống lúa dài ngày, phải thấy rằng hầu hết diện tích mạ dài ngày đã được gieo sớm đều phục vụ cho việc gieo cấy ở các vùng đất sâu trũng, có những đặc thù khó khăn riêng, không khai thác được năng suất cao. Bên cạnh tư tưởng còn bảo thủ, sản xuất theo kinh nghiệm của nông dân, cũng phải nhận thấy đây là cách làm phù hợp nhất mà người dân thấy được lúc này. Tuy có thể có một số giống có thể đưa vào thay thế như AC5, BC15... với thời gian sinh trưởng 145 ngày, cấy được trước tết, cây khỏe, gạo ngon, năng suất khá, nhưng để hoàn toàn phù hợp với điều kiện canh tác tại những diện tích này thì vẫn chưa được nông dân yên tâm đón nhận. Bởi vậy, để có thể nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở những diện tích được coi là “đặc thù” này, thiết nghĩ ngành chuyên môn cần có sự quan tâm, khoanh vùng, từ đó nghiên cứu tìm những loại giống phù hợp, tiến bộ hơn để thay thế các giống lúa dài ngày đã cũ. Trong khi chưa làm được, nên tổ chức chọn lọc, sản xuất những loại giống hiện đang sử dụng để đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện và hướng người dân dùng giống có phẩm cấp, được khuyến cáo đưa vào gieo cấy chứ không sử dụng giống “tự để” như hiện nay.
Công Sáng - Phú Hương

Tin mới