Lộc biển đầu năm

(Baonghean) - Cảng cá Nghi Thủy (Cửa Lò) sáng sớm một ngày đầu năm mới tấp nập và nhộn nhịp. Trên bến cá, bà con ngư dân đang đứng ngóng chờ những chuyến ra khơi trở về với những khoang thuyền đầy ắp tôm cá - “lộc biển đầu năm” mang tới cho ngư dân hy vọng về một năm bội thu, trời yên biển lặng…
Chuyến đi đầu năm có một ý nghĩa đặc biệt với những ngư dân vùng biển, thế nên thiếu sao được lễ xuất hành, một nghi lễ truyền thống thường được ngư dân vùng biển Cửa Lò thực hiện tại các ngôi đền linh thiêng của vùng. Với gia đình anh Nguyễn Đình Thanh (khối 2, phường Nghi Thủy), lễ xuất hành năm nay có sự tham  gia của đầy đủ các thành viên trong đại gia đình. Trước bàn thờ Thần biển tại đền Cửa Lạch, mọi người ai cũng cầu mong chuyến khởi hành đầu năm được thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy thuyền. Đây cũng chính là đợt hạ thủy đầu tiên cho con tàu của gia đình. Vậy nên, mọi nghi lễ từ dâng hương, cầu khấn được gia đình thực hiện trang trọng, thành kính đúng với phong tục của người miền biển.
Bến cá Nghi Thủy ngày đầu năm mới.
Bến cá Nghi Thủy ngày đầu năm mới.
Anh Thanh vốn là “con nhà nòi” vì mấy đời gia đình anh đều làm nghề đi biển. Bảy năm trước, do cuộc sống quá khó khăn nên anh quyết định đi làm ăn ở Cộng hòa Séc. Gần mười năm bôn ba ở nước ngoài, có một số vốn kha khá trong tay, ai cũng nghĩ anh sẽ thảnh thơi nghỉ ngơi cho “bõ” những ngày vật lộn ở xứ người. Nhưng không, với bản tính hay lam hay làm,  về nước chưa được hai tháng, anh bàn với mấy anh em góp vốn đóng thuyền ra biển. Con thuyền 90CV với tổng giá trị gần 200 triệu đồng, đáng lẽ sẽ hạ thủy trong năm 2013 nhưng anh em bảo nhau đợi ra Giêng, năm mới để “lấy ngày”. Vậy nên, chiều mồng 2 Tết, khi các gia đình vẫn còn tràn ngập trong không khí đón Xuân, anh Thanh cùng các thành viên trong gia đình đã vượt sóng ra khơi.  Sáng ngày mồng 3, chuyến đi biển đầu tiên đã trở về với bốn tấn cá. Cùng với gia đình anh, gần một trăm con thuyền khác trong vùng cũng lần lượt xuất hành trong hai ngày mồng 3 và mồng 4 Tết. Và đến sáng mồng 5 thì bến cá phường Nghi Thủy đã nhộn nhịp cảnh buôn bán tấp nập. Từng chuyến tàu cập bến liên tục, mang theo những khoang cá đầy ắp đã báo hiệu một mùa bội thu, một năm mới nhiều may mắn.
Ngay cả người đi biển ngót nghét gần 20 năm như anh Nguyễn Phi Thường (khối 2, phường Nghi Thủy) cũng không thể ngờ rằng, năm nay những chuyến ra khơi đầu năm lại “được lộc” như thế. Ngay trong ngày đầu tiên đã thu hoạch được 4 tấn cá, những ngày sau xấp xỉ từ 3 đến 4 tấn. Với mức giá trung bình, một tấn khoảng 15 triệu đồng thì trừ đi tất cả các chi phí, mỗi chuyến đi một thành viên cũng được từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Chúng tôi cũng được gia đình anh Nguyễn Đình Thanh mời “xông đất” con tàu mới. Đứng trên boong tàu, vừa chỉ cho chúng tôi sản phẩm vừa về sau chuyến đi mới chiều hôm qua, anh chia sẻ: Nếu ngày nào cũng thuận lợi như thế này thì tính ra còn hơn đi lao động ở nước ngoài. Trên thuyền của anh Thanh hiện cũng có 4 lao động làm việc thường xuyên, mỗi một tháng một công nhân được trả lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Khoản thu nhập này, so với đi làm việc vùng khác có thể chưa cao nhưng vì mỗi một ngày chỉ làm việc vài ba tiếng khi tàu cập bến nên mọi người  còn có thể tranh thủ đi làm thêm nhiều việc khác. Quan trọng hơn, được lao động trên biển của mình, bằng nghề truyền thống cũng là một cách để người dân vùng biển giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. 
Mùa xuân, cũng là mùa thu hoạch chính do đó các cơ sở kho đông cũng tranh thủ thời điểm này để tập trung hàng cho năm 2014. Chị Trần Thị Nguyệt (ở khối 2, phường Nghi Thủy) có mặt tại bến cá này từ sáng ngày mồng 3 Tết, nói rằng: Hiện nay chỉ lo không có cá chứ hàng thì bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.  Nhìn khắp cả bến cá, chúng tôi đếm được có từ 4 đến 5 ô tô đợi mua hàng. Những chuyến ô tô liên tục vào ra, những khay hàng nặng cá được những bàn tay hối hả chuyển từ tàu xuống các khoang hàng khiến cho không khí ở cảng cá thực sự nhộn nhịp. Tính sơ sơ chỉ riêng mấy ngày đầu năm mới, hàng trăm tấn cá đã được tiêu thu hết, với tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng. Niềm vui được mùa cá cũng lan ra cả khu chợ, đến cả những người buôn bán nhỏ. Câu chuyện về những ngày mới ra quân vì thế cũng hồ hởi hơn, không chỉ nói về bánh chưng, bánh tét, nói về những ngày gặp gỡ bà con họ hàng, mọi người đã bắt đầu hi vọng cho năm Giáp Ngọ bội thu và tính đến chuyện đổi thuyền, nâng cấp thêm mã lực để có thể đánh bắt xa bờ.
Theo chân của chị Hồ Thị Hà và người buôn hàng lẻ, chúng tôi cũng đã vào khu chợ Hải Sản ở Thị xã biển Cửa Lò. Gánh hàng của chị Hà đơn giản lắm, chỉ một mớ tôm sắt, vài cân cá cháo và hai ba mẹt cá trích, thế nhưng bao giờ cũng đắt hàng. Một phần cũng bởi người sành ăn biết rằng, dù cá này không phải loại to, quý hiếm nhưng lại đích thực là cá biển, còn tươi ngon và không có chất bảo quản. Khu vực nướng cá cũng là một đặc trưng của chợ. Những mớ cá tươi ngon, vừa được đem từ dưới biển lên, chỉ sau mười đến mười lăm phút nướng với than hoa đã tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. Chỉ cần thêm một đĩa chanh muối, vài quả ớt xanh đã trở thành một thứ đặc sản mà không có gì sánh nổi. Một số người cũng tranh thủ mua cá thu về làm quà cho người thân ở xa. Mực khô, cá khô và tôm nõn cũng là những đặc sản được nhiều người lựa chọn. Cái hay là dù chỉ mới đầu năm mới nhưng giá cả rất ổn định, không có chuyện chặt chém, cũng không có chuyện nói thách. Hoặc cũng có thể, người vùng biển quan niệm rằng, đi  chợ đầu năm là để lấy may, lấy hên. Một số người thì muốn ra chợ để gặp lại khách quen, cầu mong một sự mở hàng may mắn, suôn sẻ suốt năm.
Ghé thăm bến cá và chợ Hải Sản đầu năm, chúng tôi cũng mang theo nhiều cảm xúc. Vui với niềm vui được mùa của bà con, mừng vì thấy những chuyến ra khơi “thuận buồm xuôi gió” và càng cảm nhận được hương vị mặn mòi của biển mới thấy yêu, thấy quý biển trời quê mình. Biển đã thực sự đem quả lộc đầu xuân! 
Về  Diễn Ngọc – Diễn Châu, một xã phát triển mạnh về nghề biển của Diễn Châu, gặp khí thế ra quân sản xuất đầu xuân thật tấp nập khẩn trương. Mồng 6 tết, vào gia đình nào cũng thấy nhà cửa khang trang, có tiện nghi sinh hoạt đắt tiền nhưng những người đàn ông đều đã lên thuyền đi biển. Hương trầm còn phảng phất  trong xóm làng nhưng ở các bến cá, tàu thuyền đã tấp nập ra khơi. Gặp ông Ngô Trí Đông, chủ cơ sở đánh bắt hải sản, vừa là Chủ tịch Hội nghề cá xã Diễn Ngọc đang chuẩn bị ra khơi, ông cho biết: "Gia đình tôi có 5 tàu thuyền, trong đó có 4 tàu xa bờ công suất từ 350 đến 500CV, năm 2013 đánh bắt tiêu thụ hơn 700 tấn hải sản, tạo việc làm cho 24 lao động. Sau Tết Giáp Ngọ, tôi đã làm một chuyến đầu năm,  đánh bắt thêm 10 tấn cá ngon”. Hiệp hội Nghề cá của xã có 400 hội viên, mọi người am hiểu ngư trường luồng lạch, sử dụng tốt la bàn, máy định vị, máy dò cá, đầu tàu xốc vác vươn khơi xa đánh bắt cá ở độ sâu 30m nước trở ra. Không những góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc mà còn có thu nhập bình quân từ 55 đến 70 triệu đồng người/năm. Trước và sau Tết Giáp Ngọ đã có 2/3 số hội viên đã ra khơi đánh bắt cá . Mỗi tàu thu từ 4 đến 5 tấn cá to. 
Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, ông Nguyễn Ngọc Vận khoe: "Các cơ sở  đóng tàu thuyền, đại lý xăng dầu, làm dịch vụ nghề cá, thu nhập năm qua đạt hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu là ông Ngô Duy Trinh, xóm Đông Lộc mở cơ sở chế biến bột cá xuất khẩu, thu hơn 400 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp Tâm - Trí - Mạnh kinh doanh máy động lực, phương tiện vận tải, làm dịch vụ nghề cá thu hơn 50 tỷ đồng. Xã có  8 cơ sở đóng tàu thuyền, năm 2013 đóng mới và sửa chữa được 60 tàu thuyền lớn nhỏ. Nhờ chuyển đổi nghề cá, khép kín từ khâu đánh bắt đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nên năm 2013, toàn xã có 400 tàu thuyền đã đánh bắt tiêu thụ hơn 15.000 tấn hải sản, trong đó có 4.000 tấn xuất khẩu, 2 triệu lít nước mắm, cao nhất huyện. Thu nhập bình quân 26 triệu đồng người/năm với tổng số nhân khẩu hơn 14.500 người. Xã có 75% số hộ giàu và khá. Ngay sau tết 4 ngày đã có 250 tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, phấn đấu trong 2 tháng trước và sau Tết, toàn xã đánh bắt hơn 3.000 tấn hải sản, trong đó có 400 tấn đánh bắt trong các ngày từ mồng 4 đến mồng 8 Tết.
Không chỉ Diễn Ngọc mà cả 9 xã ven biển của huyện Diễn Châu đều đã làm lễ  xuất bến đầu xuân. Trong suốt chiều dài 29 km bờ biển nối từ Diễn Trung đến xã Diễn Hùng, hàng trăm tàu thuyền ra khơi vào lộng. Trên bến, dưới Hàng cá, hàng thịt bò ở Chợ Rộc-Trung Thành-Yên Thành sức tiêu thụ kém. ( ảnh: Văn Trường). nhộn nhịp làm dịch vụ. Người thì đan lưới dệt xăm, mang hàng đi tiêu thụ, người xay đá, lấy dầu. Ông Thạch Đình Nghĩa, Chủ tịch Hội nghề cá Diễn Bích cho biết: "Vui xuân ăn tết xong, từ mồng 2 đến mồng 6 Tết,  hàng trăm ngư dân Diễn Bích ra khơi, phấn đấu thuyền đầy lưới nặng. Năm ngoái toàn xã có 194 tàu thuyền đã đánh bắt được 9.000 tấn hải sản; năm 2014 toàn xã phấn đấu đánh bắt 10.000 tấn, trong đó có 2500 tấn xuất khẩu!".
 Dự kiến trong đợt ra quân sản xuất đầu xuân năm 2014, ngư dân các  xã ven biển Diễn Châu đánh bắt 8.000 tấn hải sản, nuôi thả 100 ha tôm, tu sửa 150 ha ruộng muối, trồng 15 vạn cây phi lau, bạch đàn chắn sóng. Được biết, năm 2013, toàn huyện có 1.366 tàu thuyền, trong đó có 120 tàu xa bờ, mặc dù thời tiết không thuận nhưng đã đánh bắt, nuôi trồng, tiêu thụ hơn 32.000 tấn hải sản, trong đó có 5.000 tấn hải sản xuất khẩu, sản xuất chế biến 7,6 triệu lít nước mắm mang thương hiệu Vạn Phần, giá trị sản xuất nghề biển đạt hơn 540 tỷ đồng. 
Bài, ảnh: Hà - Ly

Tin mới