Hiệu quả từ giống bí xanh HN99

(Baonghean) - Việc trồng thành công mô hình bí xanh trên đất Thanh Chương theo hướng tập trung hàng hóa đã mở ra triển vọng mới trong việc tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đề án nâng cao thu nhập xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên,  người dân vẫn cần  liên kết "4 nhà" để cây bí xanh được phát triển bền vững, người trồng bí yên tâm sản xuất...

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Thanh Chương có thể phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, vụ xuân năm 2013, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đã xây dựng mô hình trồng thí điểm 3 ha bí xanh HN 99 trên diện tích 3ha tại 2 xóm Liên Tân, Liên Châu - xã Thanh Liên. Đây là giống do Viện cây Lương thực và Thực phẩm lai tạo, trồng trên chân đất chủ động nước, quy trình trồng có che phủ nilon, giàn dùng bằng tre hoặc thân cây mét có thể dùng được từ 1- 2 năm, bí bấm ngọn khi được 2 lá thật, còn các khâu kỹ thuật khác không khó, bà con có thể áp dụng một cách dễ dàng. Theo nhận định của các hộ dân tham gia thực hiện mô hình, giống bí xanh HN99 có đặc tính chịu hạn khá tốt, thân cây to, độ bám đất sâu nên dù khí hậu khắc nghiệt khả năng sinh trưởng và phát triển của bí vẫn cao. Một ưu điểm nổi trội quyết định năng suất thu hoạch của giống bí này là khả năng đẻ nhánh nhiều và tỷ lệ đậu quả cao... Thành công bước đầu của mô hình tại xã Thanh Liên đã tạo được niềm tin cho bà con nông dân quanh vùng.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Hồng (xã Thanh Lĩnh) chăm sóc bí xanh.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Hồng (xã Thanh Lĩnh) chăm sóc bí xanh.
Trên xứ đồng Nương Cậy thuộc xóm Liên Châu (xã Thanh Liên), anh Phan Bá Ngọc cùng vợ  đang buộc ngọn bí lên giàn cho biết: “Diện tích 5 sào này trước đây chúng tôi chủ yếu trồng lúa và ngô, nếu tính toán chi li thì thu nhập rất thấp. Nay trồng bí xanh theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, một sào bí cho thu nhập cao hơn gấp 4 lần so với trồng lúa. Lúc đầu chúng tôi cũng băn khoăn, sợ sẽ khó khăn nhưng thực tế trồng, chăm sóc trong thời gian qua thì giống bí này rất dễ làm. Ngoài việc chịu rét tốt, giống bí xanh HN99 ít gặp sâu bệnh. Đặc biệt quả rất lâu lên phấn (lâu già), có thể bán ở giai đoạn non đến tận khi trưởng thành  mà vẫn không bị chua, ảnh hưởng đến chất lượng. Như vụ xuân năm 2013, chúng tôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng quả to, đặc ruột, trung bình 2 quả đạt 1,7 kg; có quả nặng hơn 1kg. Năng suất đạt gần 3 tấn/sào, với giá bán 3.500 đồng/kg tại ruộng sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 8 triệu đồng/sào/vụ. Phấn khởi hơn nữa là bí xanh đang dễ tiêu thụ, xe của lái buôn đến tận ruộng thu mua nên thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”.
Anh Phạm Văn Dần - Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Liên cho biết thêm: "Mặc dù khi mô hình trồng bí xanh HN99 gặp đúng thời tiết hạn hán, diện tích trồng không chủ động được nguồn nước tưới nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế vẫn vượt trội. Bình quân 1 ha đạt 60 tấn, với giá bán tại ruộng từ 3.000- 3.500 đồng/kg, mỗi ha thu được trên 180 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 150 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng các loại cây màu khác. Sang vụ xuân năm 2014, xã vẫn duy trì diện tích 3 ha để ổn định thị trường". 
Những ngày này trên xứ đồng Cồn Mọi thôn Hồng - xã Thanh Lĩnh, 30 hộ dân chia thành 8 cụm cũng đang tập trung chăm sóc bí xanh vì cây đang ở thời kỳ phát triển ngọn mạnh, bắt đầu ra quả bói. Ai cũng phấn khởi, hăng say lao động bởi vùng đồng rộng 2 ha này đã được xã đầu tư hỗ trợ đường điện, giếng khoan để quy hoạch thành vùng thâm canh sản xuất bí hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Hoa đang khẩn chương sửa lại choái, kiểm tra tình hình sâu bệnh trên gần 1 sào bí cho biết: "Khi nhận thấy bí xanh là một loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây ngô nên từ năm 2008 tôi đã chuyển sang trồng một năm gối 2 vụ loại cây này. Vụ hè thu năm ngoái giá bí lên cao chúng tôi ai cũng thắng lớn,  thương lái vào mua tận ruộng với 7.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí gần 1,5 triệu đồng tôi đã cầm chắc 16 triệu đồng/ 8 thước đất. Có những thời điểm giá bí xanh lên đến hơn 10.000 đồng/kg ". 
Theo anh Nguyễn Tư Hùng - Cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương: Trước thành công của mô hình bí xanh tại xã Thanh Liên, UBND huyện đã tổ chức cho cán bộ huyện và lãnh đạo các địa phương trực tiếp tham quan mô hình để đánh giá rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Ngoài việc ghi nhận hiệu quả kinh tế, các đại biểu và người dân trực tiếp sản xuất đã trao đổi kinh nghiệm thâm canh, cách phòng trừ sâu bệnh và thu hái bảo quản... Theo đó, bí xanh thích hợp với nhiều chân đất, nhưng tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ chủ động tưới tiêu. Trong quá trình sinh trưởng cần ngắt bớt nhánh ngang, mỗi cây để 1- 2 quả, nếu có điều kiện thâm canh chỉ để tối đa 3 quả. Khi dây bí leo lên cần phải để dây ở tư thế tự nhiên, không lật úp hoặc vặn dây, chú ý buộc ở nách lá, bắt dây cho đều giàn để khỏi rợp hoa, quả. Giàn cắm chéo như mái nhà để tranh thủ không gian, tận dụng hợp lý ánh sáng. Trong phòng trừ sâu hại bệnh, đáng quan tâm nhất là bọ xít đen, bọ nhảy và rệp. Để phòng trừ có thể phun thuốc trong giai đoạn đầu và bắt bằng thủ công khi bí đã đậu quả... Với đặc điểm ưu việt của quả bí xanh còn là loại quả có thể dự trữ cho thời kỳ giáp vụ và cung cấp cho thị trường các vùng khan hiếm rau xanh.
Bài, ảnh:  Ngọc Anh

Tin mới