Lan toả những tấm gương vượt lên nghịch cảnh, xây dựng cuộc sống hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Xét về giới, phụ nữ thuộc phái “chân yếu, tay mềm”, với phụ nữ khuyết tật lại càng khó khăn, song nhiều chị đã vượt lên nghịch cảnh, biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để tạo lập hạnh phúc và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.

Cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp hơn

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) bị khuyết tật ngôn ngữ, mất khả năng phát âm do mắc bệnh u máu và trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ khối u khi còn nhỏ.

Vừa bệnh tật, vừa chịu tổn thương về tinh thần do mặc cảm, song do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, cộng với ý thức trách nhiệm của người chị cả trong nhà, chị Thanh đã vượt qua tất cả cùng mẹ tìm kế sinh nhai. Sau một thời gian buôn rau, bán dưa cà, đậu phụ, vào năm 2015, chị được Hội Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ xây dựng mô hình thu mua, bảo quản, cung ứng hải sản.

bna_ MH10.jpeg
Chị Nguyễn Thị Thanh (thứ 7, từ trái sang ảnh trên và thứ 2 từ trái sang ảnh dưới bên trái và người đứng bên phải ảnh dưới bên phải) kết nối với doanh nghiệp trao tặng mô hình sinh kế cho phụ nữ khuyết tật ở thị trấn; tổ chức chương trình bát cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo; thăm hỏi, động viên phụ nữ khuyết tật ở xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: CSCC

Trãi qua 7 năm khởi nghiệp, đến nay, chị đã đầu tư 2 kho đông lạnh gắn với chế biến hải sản, sản phẩm của chị cung ứng cho một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh tăng thu nhập cho gia đình, chị còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

“Mình cố gắng được thì hãy cố gắng để những người thân có cuộc sống tốt hơn và có điều kiện giúp đỡ được nhiều người hơn” - chị Nguyễn Thị Thanh

Chính suy nghĩ đó, hàng năm, chị trích hàng trăm triệu đồng từ lợi nhuận và kêu gọi sự đồng hành hỗ trợ những người bạn hàng cùng kinh doanh hải sản hỗ trợ vốn, trao tặng các mô hình sinh kế và tặng quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện; nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi tại xã An Hòa. Năm 2022, chị được nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa tặng kỷ niệm chương tôn vinh nữ doanh nhân có trái tim vàng vì cộng đồng.

bna_ MH11.jpeg
Ngoài tự giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, chị Phan Thị Hiền, ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (áo trắng) còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương. Ảnh: CSCC

Chị Phan Thị Hiền, ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại rất khó khăn. Bằng suy nghĩ: Học để có việc làm, có thu nhập, tự chủ cuộc sống, chị đã nỗ lực học, tốt nghiệp trường cao đẳng dược và mở quầy thuốc tây. Đặc biệt, từ nghề làm bánh ong truyền thống của quê hương, chị đã trăn trở tìm kiếm, lan tỏa sản phẩm bánh ong ra thị trường thông qua kết nối, quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Dần dần sản phẩm bánh ong Diễn Thái được người tiêu dùng trong tỉnh và khắp cả nước biết đến. Để tăng lượng sản phẩm đưa ra thị trường, chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và mua máy móc phục vụ chế biến; thành lập tổ liên kết sản xuất gồm 15 thành viên tham gia nhằm tăng số lượng và chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Riêng gia đình chị, mỗi năm sản xuất khoảng 4 - 5 tấn bánh ong, doanh thu mỗi năm khoảng 450 triệu đồng. Hiện tại sản phẩm này đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP.

Chị Thanh và chị Hiền là 2 trong số 30 tấm gương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên tiêu biểu trong toàn tỉnh được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tôn vinh vào ngày 20/6/2023 vừa qua.

bna_ MH5.jpg
Chị Lương Thị Tằm, ở bản Tam Liên, xã Tam Quang, huyện Tương Dương là người khuyết tật nhưng luôn có ý chí vượt lên hoàn cảnh để làm chủ cuộc sống. Ảnh: CSCC

Bà Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Xét về giới, phụ nữ thuộc phái “chân yếu, tay mềm”, với phụ nữ khuyết tật lại càng khó khăn hơn trong việc tìm kế sinh nhai cũng như tổ chức cuộc sống. Song trong họ, nhiều người vô cùng giàu nghị lực sống và tâm hồn cao đẹp. Họ giống như cây xương rồng trên cát, dù trong điều kiện sống khắc nghiệt nhất, vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa, những người phụ nữ ấy đã vượt lên bóng tối, thắp sáng cho cuộc sống bằng chính nghị lực của họ.

Các chị đã vượt lên bệnh tật éo le và cảnh ngộ khó khăn tạo lập hạnh phúc, đã biến những điều không thể thành có thể, biến tuyệt vọng thành hy vọng để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Các chị xứng đáng là tấm gương sáng cho không chỉ riêng phụ nữ khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội noi theo.

bna_ MH15.jpeg
Hội LHPN xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu trao hỗ trợ phương tiện sinh kế cho phụ nữ khuyết tật. Hội LHPN huyện Con Cuông trao hỗ trợ gạo cho phụ nữ khuyết tật. Ảnh: CSCC

Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 69.000 người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật có khoảng hơn 17.000 người.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11, ngày 08/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về việc giúp đỡ người khuyết tật; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI đề ra chỉ tiêu 80% phụ nữ khuyết tật được hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có nhiều hỗ trợ thiết thực đối với phụ nữ khuyết tật, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.

Hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật; tuyên truyền các chủ trương chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ yếu thế để phụ nữ khuyết tật tiếp cận. Đặc biệt, năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức “Hội thảo kết nối mạng lưới và huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Qua đó tăng cường sự kết nối, huy động nguồn lực tổng hợp từ các ngành và xã hội hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống.

bna _ Hội LHPN tỉnh tổ chức diễn đàn tôn vinh phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên.jpeg
Hội LHPN tỉnh tổ chức diễn đàn biểu dương gia đình tiêu biểu và tôn vinh phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên. Ảnh: CSCC

Theo đó, nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật được các cấp hội triển khai, như hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua cho vay vốn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Bên cạnh đó, nhiều cấp hội cũng đã sáng tạo, tổ chức nhiều phong trào, mô hình tiết kiệm, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khuyết tật mô hình sinh kế, tặng sổ tiết kiệm, làm nhà ở, nhận đỡ đầu con của phụ nữ khuyết tật…

"Hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật “để không ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội các cấp, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh" - Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật “để không ai bị bỏ lại phía sau” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội các cấp, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh - đây là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra.

Do vậy đặt ra cho Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, như hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, mái ấm tình thương, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ các hộ gia đình và phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của địa phương để phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hướng dẫn phụ nữ khuyết tật tham gia các lớp dạy nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định; tổ chức kết nối để phụ nữ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội phù hợp nhằm tạo điều kiện, cơ hội phát triển bình đẳng đối với phụ nữ khuyết tật.

Tin mới