Lãnh đạo phải đi tiên phong trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)- Lãnh đạo phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Trọng tâm của chuyển đổi số, trước hết của mọi đầu tiên, là chuyển đổi số trong tư duy và hành động của lãnh đạo.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Internet xuất hiện tuy chỉ mới 3 thập niên nhưng đã làm thay đổi toàn bộ thế giới với những bước phát triển chóng mặt. Vai trò internet quan trọng đến mức quyền truy cập internet được Liên hợp quốc quy định là quyền con người. Cùng với internet, loài người không ngừng phát minh ra các sáng chế mới. Trong số đó công nghệ kỹ thuật số đã trở thành một phương tiện uy lực hàng đầu.

Giờ đây, giữa 2 điểm bất kỳ trên trái đất cách nhau hàng ngàn km con người có thể giao tiếp tức thì bằng hình ảnh. Khi sử dụng smartphone, máy tính, TV… là con người tự động rơi vào không gian kỹ thuật số. Trong không gian kỹ thuật số, ngồi tại một địa điểm nhưng con người có thể làm việc với đối tác ở bất cứ một điểm nào khác trên trái đất; bất cứ bước chân nào của con người cũng có thể theo dõi được từ vệ tinh qua google map. Công nghệ số định vị vệ tinh toàn cầu đã đưa nền quốc phòng các quốc gia vào kỷ nguyên chạy đua kỹ thuật số. Các cuộc chiến tranh được quyết định từ vũ trụ. Quân đội nước nào kém hơn về công nghệ tất sẽ thất bại. Quốc gia nào chậm chuyển đổi số cũng đối mặt với tụt hậu. Chuyển đổi số đã “luật hoá” “quyền công dân kỹ thuật số” như là quyền con người.

Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu về công nghệ số. Chính phủ Hoa Kỳ đã “pháp luật hoá” tiến trình chuyển đổi số bằng “Chiến lược Chính phủ Kỹ thuật số. Hoa Kỳ cũng là quốc gia đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự. Bộ quốc phòng Mỹ đã hé mở tài liệu “Army Digital Transformation Strategy”, trong đó chỉ rõ “Chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của quân đội” phải triển khai toàn diện về công nghệ, quy trình và con người. Mục tiêu đến năm 2028 phải có một “Quân đội Kỹ thuật số” toàn diện, có khả năng vượt trội trong các hoạt động đa miền.

EU cũng có những bước tiến dài trong chuyển đổi số. Quyết tâm thực hiện “Thập kỷ Kỹ thuật số”, Uỷ ban EU đề xuất một chiến lược chuyển đổi số độc lập. Mục tiêu chuyển đổi số phục vụ con người của EU được đề cao qua việc “luật hoá” khái niệm “quyền công dân kỹ thuật số” như là quyền con người với 3 quyền cốt lõi: Con người ở trung tâm, Tự do lựa chọn, An toàn và bảo mật.

Viện dẫn hai khu vực tiên tiến về chuyển đổi số là Hoa Kỳ và EU để thấy phải tiến hành chuyển đổi số khẩn trương và toàn diện cho Việt Nam. Dưới đây đề cập đến 5 lĩnh vực trọng tâm của chuyển đổi số.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật số tiên tiến

Hạ tầng cơ sở kỹ thuật số là nền tảng quyết định sự phát triển kỹ thuật số. Vì vậy, khắp mọi nơi từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, tại mọi địa điểm đều phải được phủ sóng Wi-Fi tiếp cận được internet với tốc độ cao, với khả năng chuyển tải dữ liệu lớn.

Việt Nam là nước sử dụng chứ chưa phải là nước sáng chế công nghệ kỹ thuật số. Muốn theo kịp tiến bộ toàn cầu thì Việt Nam cần mua ngay công nghệ mới nhất có trong thương mại, chứ không chờ công nghệ mới nhất đang trong giai đoạn nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Cụ thể là Việt Nam phải triển khai ngay công nghệ 5G.

Về phương diện này, trong các nước Asean, Singapore là quốc gia có chiến lược hợp lý. Bất kể lĩnh vực nào, khi công nghệ đời mới nhất xuất hiện trên thị trường thì lập tức Singapore mua ngay. Nhờ thế, tuy không phải là nước sáng chế công nghệ, nhưng Singapore lại là nước luôn ở trong trạng thái sử dụng công nghệ tân tiến.

Do vậy, ưu tiên đầu tiên của Nghệ An trong quá trình chuyển đổi số là phải xây dựng được một hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phát triển.

Khối quản lý, bưu chính viễn thông, ngân hàng phải tiến hành chuyển đổi số trước

Ở nước ta, nhà nước quản lý toàn diện, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nên quá trình chuyển đổi số phải bắt đầu từ đó.

- Khối các cơ quan hành chính của nhà nước, của tỉnh, các sở ban ngành phải là nơi đầu tiên cần thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Mọi thủ tục hành chính, mọi quyết định hành chính, mọi tác nghiệp quản lý phải được thực thi trong môi trường kỹ thuật số. Sự đi đầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong môi trường kỹ thuật số tự động buộc các doanh nghiệp và các cá nhân phải tham gia theo.

- Các ngành bưu chính viễn thông, ngân hàng - phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong hai ngành này có tác động quan trọng đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Chuyển đổi số ngành bưu chính viễn thông có tác động quan trọng đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Ảnh minh họa

Chuyển đổi số ngành bưu chính viễn thông có tác động quan trọng đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Ảnh minh họa

Chuyển đổi số các doanh nghiệp là chìa khoá

Mức độ gấp rút cần chuyển đổi số của các doanh nghiệp được phản ánh theo thang bậc sau đây.

- Các doanh nghiệp nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài.

- Các doanh nghiệp có sản phẩm bán ra nước ngoài và mua hàng hoá từ nước ngoài.

- Các doanh nghiệp có yếu tố hợp tác với nước ngoài.

- Các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu.

- Các doanh nghiệp muốn vươn tầm quốc gia, khu vực, và quốc tế.

Dẫn ra thứ tự trên không có nghĩa là thực tiễn phải tuần tự như vậy. Trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều có thể tự dành cho mình quyền chuyển đổi số đầu tiên.

“Chuyển đổi số toàn dân”

Chuyển đổi số là nhằm phục vụ tốt hơn cho con người. Nói cách khác, con người là trung tâm của chuyển đổi số. Chuyển đổi số toàn diện là mang môi trường kỹ thuật số đến với tất cả mọi người, biến mỗi người dân thành một người chơi kỹ thuật số. “Quyền công dân kỹ thuật số” khẳng định xu thế “chuyển đổi số toàn dân”.

Thanh toán điện tử và thương mại điện tử phải đi trước một bước

Hiện tại, chỉ một tỷ lệ không lớn người Việt biết hướng việc sử dụng internet vào sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Phải thúc đẩy để tất cả công dân dùng internet trở thành người tham gia thị trường thương mại kỹ thuật số. Thanh toán điện tử là nhóm công cụ cần đi trước một bước. Tiếp đến là tham gia thị trường thương mại điện tử.

Ngoài 5 điều nêu trên, muốn quá trình chuyển đổi số được tiến hành hiệu quả, cần chú trọng đến các điều dưới đây.

Văn hoá kỹ thuật số

Muốn sở hữu công nghệ kỹ thuật số, thì áp lực của cuộc sống là chưa đủ, mà còn phải cần đến “văn hoá kỹ thuật số”. Nghĩa là phải biến kỹ thuật số thành một “nhu cầu bản năng”.

“Văn hoá kỹ thuật số”, không đơn thuần là sở thích, đam mê, ép buộc, mà phải có nền tảng giáo dục. Nền tảng giáo dục dày công đến mức biến thành “truyền thống”. Khi “văn hoá kỹ thuật số” có nền tảng đến mức ‘truyền thống” là lúc nhu cầu về công nghệ đã thấm vào đời sống thành thói quen, là lúc sự vận dụng công nghệ trở thành thuộc tính, như một hành động bản năng trong mỗi con người. Đó cũng là lúc mà một bộ phận tri thức về khoa học và công nghệ của con người được hoá thành bản năng - là lúc mức độ tri thức về công nghệ và khoa học của con người được thăng hạng lên một tầng mới.

Mức độ tri thức về khoa học công nghệ của một dân tộc luôn có ảnh hưởng quan trọng đến vị trí tiên phong của một quốc gia trong thứ hạng toàn cầu. Mức độ tri thức về khoa học công nghệ của một dân tộc càng cao thì quốc gia càng có nhiều cơ hội đi đầu trong tiến bộ nhân loại.

Khi nói đến “văn hoá kỹ thuật số” có nền tảng truyền thống cũng là lúc nhắc nhở rằng người có địa vị phải làm gương đi trước. Nghĩa là lãnh đạo phải có “văn hoá kỹ thuật số” trước nhân viên, người lớn phải có “văn hoá kỹ thuật số” sớm hơn trẻ em, thầy cô giáo phải có “văn hoá kỹ thuật số” để truyền dạy cho học sinh… Tóm lại, người "có thế" phải có “văn hoá kỹ thuật số” trước người "ít thế hơn".

Coi trọng hợp tác trong nước và quốc tế

Để quá trình chuyển đổi số tiến hành nhanh thì cần đến sự hợp tác của các doanh nghiệp có chuyên môn và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Sự hợp tác dễ tìm kiếm là các đối tác trong nước. Khi chuyển đổi số thì trước hết nên nhờ đến sự trợ giúp của các doanh nghiệp Việt Nam, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa là cách trao cơ hội cho các doanh nghiệp nội để cùng nhau phát triển.

Một hình thức chuyển đổi số hiệu quả khác là hợp tác với các đối tác nước ngoài. Chính các doanh nghiệp nước ngoài, nhờ vào mặt bằng chuyển đổi số của quốc gia họ mà họ sở hữu trọn bộ các phương tiện thiết bị và các gói phần mềm của doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kỹ thuật số. Phương thức hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài là con đường ngắn nhất đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với mặt bằng quốc tế.

Ngoài Hoa Kỳ và EU đã nhắc ở trên, thì nhóm G20 cũng đã đề cập đến chiến lược chuyển đổi số. Cụ thể là trong “Các vấn đề then chốt cho chuyển đổi số trong G20” đã đưa ra 11 khuyến nghị (https://www.oecd.org/.../key-issues-for-digital...).

Các tay chơi kỹ thuật số quốc tế khổng lồ như Amazon, Google, Apple, Facebook… là những ví dụ thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty vừa nêu, từ ban đầu ít tiếng tăm, chưa biết cách ứng dụng công nghệ để phát triển. Nhưng với thời gian, thử nghiệm, thay đổi, sau các thất bại họ đã học được cách thích nghi, phát triển và trưởng thành vượt bậc.

Lãnh đạo phải đi tiên phong

Chuyển đổi kỹ thuật số là một quá trình. Xuyên suốt là ứng dụng công nghệ mới. Đặc trưng là thành công và thất bại đan xen, nhưng tổng hợp lại là không ngừng phát triển, mở rộng. Mọi doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển và mở rộng, nhưng muốn phát triển và mở rộng thì cần lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm khiến con người dám thách thức để có cơ hội chiến thắng.

Lòng dũng cảm trước hết phải xuất phát từ lãnh đạo. Lãnh đạo phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Trọng tâm của chuyển đổi số, trước hết của mọi đầu tiên, là chuyển đổi số trong tư duy và hành động của lãnh đạo.

Tin mới